Gia đình xã hội
Bạo lực gia đình - Thảm họa từ lối sống vô tâm
15:36, 22/10/2018 (GMT+7)
Rất nhiều phụ nữ nín chịu ngay cả khi sự sống bị đe dọa trong chính mái nhà của mình chỉ vì sợ định kiến từ xã hội, từ họ hàng và người xung quanh...
Gần nửa tháng nằm viện do trận đòn thập tử nhất sinh của chồng, chị Thúy (1984, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã trở lại với công việc hộ lý của mình tại bệnh viện một bệnh viện ở Quảng Ninh.
Chị Thúy phải nằm viện dài ngày do bị chồng bạo hành |
Nên duyên vợ chồng với Dương Văn T. (SN 1982) cách đây 6 năm, những tưởng có một cuộc sống hạnh phúc và êm đềm bên đứa con gái bé bỏng, nhưng gần 3 năm nay, kể từ khi khi chồng chị có quan hệ với người phụ nữ khác là ngần ấy ngày tháng chị ngấm những trận đòn thấm da thấm thịt.
Gần đây nhất, ngày 12/9, chị bị chồng ép đưa lên đồi cao gần nhà và dùng dao đe dọa giết, cắt tóc, cắt gân khiến chị Hạnh phải nhập viện với chấn thương nặng vùng đầu, mặt, phần dưới đầu gối, cẳng chân bị cắt sâu… Thời gian, đã giúp những vết bầm tím trên da thịt cũng dần xóa mờ. Nhưng vết thương trong lòng thì không thể nào nguôi ngoai.
“Nghĩ lại thì thấy đau. Và tôi không bao giờ muốn nghĩ lại. Cảm giác sợ hãi. Năm 2015 định giải thoát rồi nhưng nghĩ vì con, vì cháu còn bé quá mới 2-3 tuổi. Chồng tôi lại xin lỗi nên nghĩ cứ cố được ngày nào hay ngày ấy. Nhưng không ngờ hắn lại ngựa quen đường cũ”, chị Thúy nói.
Vì con mà gắng gượng, vì con mà cam chịu, nhưng như trường hợp của chị Phạm (tại phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long), sự cố gắng này lại thật đáng trách.
18 năm chung sống với chồng là ngần ấy năm chị sống không bằng chết. Ghê sợ hơn, người chồng mất nhân tính còn cưỡng ép quan hệ tình dục với 2 đứa con gái. Cực chẳng đã, sau nhiều năm cam chịu làm nô lệ, năm 2018, chị mới đủ dũng cảm từ bỏ cuộc hôn nhân “đấm đá” khi đến trình báo công an. Cho đến bây giờ, sự nhẫn nhịn ấy, đôi khi trở nên khó hiểu với những người xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh nói: “Trước đây, người ta vẫn nói là trong nhà đóng cửa bảo nhau. Nhưng không phải tất cả mọi điều và ngay cả bạo lực gia đình cũng là trong nhà đóng cửa bảo nhau. Phụ nữ phải cởi mở, chia sẻ với người thân, bạn bè để giúp nhau những kỹ năng để phòng ngừa. Đến một lúc nào đó, phụ nữ phải bảo vệ mình, bằng nhiều cách. Trong đó có việc đưa ra pháp luật. Và phải xác định đây không phải là điều xấu xa đối với người phụ nữ. Quá nghiêm trọng rồi mà không đưa ra pháp luật để các cơ quan chức năng vào cuộc thì khi hậu quả xảy ra, phụ nữ sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất”.
Tại Quảng Ninh, 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các vụ bạo lực xu hướng có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao với gần 3.000 vụ. Đặc biệt là sự gia tăng các vụ bạo lực có tính chất dã man và phi đạo đức hơn, chủ yếu là xâm hại tính mạng, tài sản, sức khỏe của người thân.
Ông Vũ Văn Thông, Phó Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nguyên nhân của bạo lực gia đình có nhiều trong đó có một nguyên nhân lớn là nhận thức của người dân về hạnh phúc gia đình và bạo lực gia đình. Xuất phát từ yếu tố về mặt xã hội, đặc biệt ở các thành phố lớn, bạo lực xã hội vẫn có thể xảy ra khi áp lực về mặt đời sống, phát triển kinh tế, xã hội tác động tới gia đình…”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình không giảm là do các vụ việc bị đưa ra xử lý không nhiều. Càng không thể không nhắc đến nguyên nhân khách quan là sự e ngại của phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân chủ yếu của các vụ bạo lực gia đình như chia sẻ của PGS.TS -Chuyên gia xã hội học, ông Trịnh Hòa Bình: “ Luật không tự thân đi vào đời sống mà con người phải tìm kiếm đến nó. Những luật hay những điều khoản khác, văn bản dưới luật cũng chỉ là cây gậy, chỗ hỗ trợ, cho nên người phụ nữ hay tổ chức, đoàn hội quản lý, cũng phải tự cứu lấy bản thân mình để sử dụng nguồn lực, điểm sáng của luật để người phụ nữ cải thiện vị thế, thay đổi hoàn cảnh”.
Phụ nữ là để yêu thương. Họ không chỉ cần những đóa hoa tươi, những món quà giá trị, mà hơn tất cả người phụ nữ cần sự yêu thương, chia sẻ của người bạn đời và của xã hội. Hạnh phúc chỉ đến từ chính lối sống. Bởi chỉ một câu nói, một hành động vô tâm có thể khiến cho nhiều thân phận rơi vào sự bế tắc như ai đó đã từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.”./.
(Tên các nạn nhân bị bạo hành trong bài viết đã được thay đổi)
Nguồn: VOV