Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/kho-vi-dien-811152/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/kho-vi-dien-811152/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khổ vì điện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 27/08/2018, 09:08 [GMT+7]

Khổ vì điện

(Congannghean.vn)-Hiện nay, tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh đang sử dụng nguồn điện có điện áp yếu, cơ sở hạ tầng ngành điện cũ nát, xuống cấp và giá bán điện một số nơi còn bất cập; tại nhiều vùng nông thôn mặc dù đã bàn giao cho ngành điện từ 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn trả vốn… Đó là những tồn tại, bất cập của ngành điện thời gian qua, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân.

Người dân xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương sống cạnh nhà máy thủy điện, đường dây cao thế vắt qua nhà nhưng vẫn chưa được sử dụng điện lưới
Người dân xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương sống cạnh nhà máy thủy điện, đường dây cao thế vắt qua nhà nhưng vẫn chưa được sử dụng điện lưới

Hạ tầng lưới điện xuống cấp

Từ năm 2008, Công ty Điện lực Nghệ An nhận bàn giao và quản lý lưới điện hạ áp nông thôn và hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu cho tổ chức, đơn vị và người dân đã đóng góp, tuy nhiên, việc thực hiện đến nay còn chậm. Hạ tầng lưới điện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, gây mất an toàn. Đơn cử, tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, người dân kiến nghị, các trạm biến áp và đường dây đã bàn giao cho Công ty Điện lực từ năm 2010 nhưng đến nay chưa hoàn trả tiền đóng góp đầu tư ban đầu cho người dân, với số tiền hơn 113 triệu đồng. Hiện nay, nhiều đường dây, cột điện trên địa bàn đã xuống cấp, đặc biệt là các xóm giáp ranh với huyện Nghĩa Đàn, sử dụng điện và do Điện lực Nghĩa Đàn quản lý, chưa được đầu tư để nâng cấp, sửa chữa kịp thời.

Tại huyện Quỳnh Lưu, theo phản ánh của người dân, từ sau thời điểm bàn giao lưới điện cho Điện lực quản lý thì việc tu sửa, đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện kém hơn trước, nhiều vùng điện sinh hoạt và sản xuất rất yếu, hệ thống đường dây điện xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Cá biệt, tại xóm Nhà Đũa, xã Kim Thành, huyện Yên Thành đến nay vẫn chưa có điện lưới để sử dụng, dù chỉ cách tuyến DZ trung áp khoảng 5 km. Cũng tại huyện này, thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri, nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh chất lượng điện yếu, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nhiều đường dây, cột điện xuống cấp cần được tu sửa nhưng đến nay, những yêu cầu chính đáng này vẫn chưa được quan tâm, giải quyết đúng mức.

Theo thông báo của Công ty Điện lực Nghệ An, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 421 trong tổng số 423 xã, với hơn 10.500 km đường dây hạ thế. Thực trạng hiện nay, phần lớn đường dây hạ thế, lưới điện trên địa bàn tỉnh mà Công ty tiếp nhận đang trong tình trạng cũ nát, xuống cấp, quá tải, trong khi nhu cầu dùng điện của người dân tăng lên mỗi năm khoảng 10% là những nguyên nhân chính dẫn đến những vướng mắc, tồn tại trong hạ áp nông thôn chưa xử lý kịp thời.

Không chỉ hạ tầng lưới điện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, gây mất an toàn mà tình trạng điện sinh hoạt yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo Điện lực Nghệ An, vấn đề này là có thật. Nguyên nhân là do khối lượng tiếp nhận quá lớn, tình trạng sử dụng đã quá lâu, xuống cấp, quá tải trong khi vốn đầu tư hạn chế. Năm 2018, kế hoạch đầu tư xây dựng 175 tỉ đồng chủ yếu để cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Trong đó, sẽ dành khoảng 109,278 tỉ để thay thế 10.000 cột điện bằng tre, gỗ và cột tự đúc không đảm bảo vận hành.

Giá điện mỗi nơi một phách

Việc không thống nhất trong quản lý cũng gây không ít khó khăn trong sinh hoạt, sử dụng điện tại một số địa phương. Đơn cử, hệ thống lưới điện tại huyện Đô Lương hiện nay đang chịu sự quản lý của nhiều huyện, gồm Đô Lương, Anh Sơn và Tân Kỳ. Tương tự, các xã như Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức… sáp nhập đơn vị hành chính vào TP Vinh từ năm 2008, nhưng cho đến nay điện sinh hoạt vẫn đang trực thuộc Điện lực Nghi Lộc. Không chỉ điện sinh hoạt yếu, đường dây, cột điện cũ nát, xuống cấp mà đến nay, người dân đóng góp kinh phí xây dựng chưa được hoàn trả vốn. Mặc dù theo Thông tư 32, chậm nhất là sau 36 tháng, ngành Điện phải hoàn trả vốn nhưng lấy lý do bên bàn giao (người dân) chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục hồ sơ, giấy tờ liên quan nên cơ quan điện lực đã không chú trọng việc này.

Trong khi đó, suốt 10 năm qua kể từ khi bàn giao, Công ty Điện lực Nghệ An được sử dụng và thu lợi từ hạ tầng này, thậm chí tại nhiều nơi, ngành điện chưa hề phải bỏ ra 1 đồng kinh phí nào để duy tu, sửa chữa. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, giá bán điện không đồng nhất. Ngoại trừ các khu vực mà Điện lực Nghệ An trực tiếp bán cho khách hàng, người dân được sử dụng theo biểu giá Nhà nước quy định, thì một số khu vực vẫn chưa đồng nhất về mức giá. Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh có 950.000 khách hàng có hợp đồng trực tiếp với Công ty Điện lực, áp dụng theo giá Nhà nước, còn tại các khu chung cư, tập thể, nhà trọ, nông trường... đang bán với giá cao hơn, do các chủ đầu tư mua điện của Công ty Điện lực bán lại cho người dân.

Hiện nay, chỉ mới có 2 khu chung cư, đô thị mới được Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực thực hiện giá bán điện đến các hộ dân theo giá Nhà nước, còn lại 42 tòa nhà chung cư, khu liền kề trên địa bàn Nghệ An với 2.714 hộ dân chưa được Công ty Điện lực Nghệ An bàn giao tiếp nhận lưới và bán điện đến từng hộ dân sử dụng điện. Trong đó, TP Vinh có hơn 2.200 hộ và các huyện, thị xã có 425 hộ.

Kiểm tra thực tế cho thấy, 14 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 2 dự án khu đô thị mới và 24 tòa nhà chung cư vẫn mua điện theo giá bán lẻ tại công tơ tổng. 2 doanh nghiệp khác là Chi nhánh Công ty CP Donatol và Công ty CP Trung Đô, là chủ đầu tư của 3 dự án chung cư, mặc dù thu đúng giá bán lẻ sinh hoạt bậc thang nhưng lại thu thêm phí hao hụt từ 5 - 9% của 252 hộ dân. 6 doanh nghiệp khác là chủ đầu tư của 2 khu đô thị liền kề và 6 tòa nhà chung cư, đã thu tiền điện cao hơn giá Nhà nước quy định của 469 hộ dân.

Những bất cập trên ai cũng thấy được và tại nhiều kỳ họp HĐND liên tiếp đã được đưa ra chất vấn, nhưng cho rằng, đó là một phần “lịch sử để lại”, ngành điện nói riêng và ngành công thương, vẫn chậm trễ trong việc khắc phục. Trong khi đó, người dân vẫn là đối tượng phải chịu thiệt đơn, thiệt kép, tiền đầu tư ban đầu bỏ ra chưa thu lại được, tiền điện hằng tháng vẫn phải nộp, thậm chí với giá rất cao trong khi chất lượng điện phập phù, không ổn định.

.

Việt Anh

.