Gia đình xã hội
Trách nhiệm thuộc về ai?
(Congannghean.vn)-Sau hàng chục năm gắn bó và được ký hợp đồng dài hạn, bỗng dưng hơn 100 phóng viên, kỹ thuật viên của các đài truyền thanh - truyền hình (TT-TH) cấp huyện đứng trước nguy cơ bị chấm dứt, thanh lý hợp đồng. Nghịch lý là do không có người thay thế, dù đã nhận “trát” nghỉ việc nhưng một số đài vẫn phải nhờ những người này làm việc để đảm bảo việc TT-TH.
Phóng viên Đài TT-TH huyện Anh Sơn trong một lần tác nghiệp |
Phóng viên đài huyện bỗng dưng mất việc
Tháng 3/2011, 4 nữ phóng viên gồm: Nguyễn Thị Hợp (SN 1984), Phan Thị Giang (SN 1986), Hồ Thị Nguyệt (SN 1986) và Cao Thị Trâm Anh (SN 1986), được Đài PT-TH tỉnh Nghệ An ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, với chức danh phóng viên, làm việc tại Đài TT-TH huyện Quỳ Hợp.
Đến tháng 11/2011, các đài TT-TH huyện, thành, thị được tách khỏi Đài PT-TH tỉnh, chuyển giao cho UBND các huyện, thành, thị quản lý theo Quyết định số 2456/QĐ-UBND-VX của UBND tỉnh. 4 phóng viên nói trên được Đài này phân công công việc đúng chuyên môn, bởi việc thực hiện chuyển giao đã được nêu rõ: “Tỉnh bàn giao nguyên trạng, huyện tiếp nhận nguyên trạng từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc cũng như nhân sự con người”. Tuy nhiên, 7 năm qua, cả 4 phóng viên này chỉ được hưởng một mức lương cố định theo hệ số thấp nhất là 2,06 và cao nhất là 2,34 (từ 2,5 - 2,8 triệu đồng người/tháng). Ngày 1/1/2018, cả 4 phóng viên bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng đơn phương từ Đài TT-TH Quỳ Hợp.
Chị Phan Thị Giang, 1 trong 4 phóng viên có chồng là Kiểm ngư viên Phạm Văn Ngân, nhân viên máy tàu KN 634, chi cục Kiểm ngư số 3, Vùng 3 Hải quân, chia sẻ: Hơn 10 năm qua chồng chị xem biển đảo quê hương là nhà, bản thân chị từ huyện Quỳnh Lưu lên gắn bó với Quỳ Hợp, cũng xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Mặc dù không được tăng lương, thu nhập ít ỏi nhưng vì đam mê và yêu nghề, chị tâm huyết gắn bó.
“Lâu nay sống tại khu tập thể của Đài, nay bị mất việc, mất luôn cả chỗ ở. Chồng công tác xa, mẹ con tôi đành phải bồng bế nhau về quê ở nhờ nhà bố mẹ”, chị Giang chia sẻ. Điều đáng nói, trước đó, vào tháng 8/2014, Vùng 3 Hải quân đã có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Đài PT-TH Nghệ An, đề nghị: “Để tạo điều kiện cho đồng chí kiểm ngư viên Phạm Văn Ngân hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, đơn vị chúng tôi đề nghị tạo điều kiện, giúp đỡ cô Phan Thị Giang được chuyển biên chế chính thức, để có điều kiện chăm sóc và nuôi con nhỏ, giúp đồng chí Phạm Văn Ngân yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ngày 22/8/2014, Sở Nội vụ Nghệ An đã có Công văn 1468 gửi Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, đề nghị huyện này xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình đồng chí kiểm ngư viên Phạm Văn Ngân. Đáng tiếc, việc làm đầy nhân văn và có ý nghĩa sâu sắc này đã bị UBND huyện Quỳ Hợp “lờ” đi, không quan tâm, để rồi sau đó gần 4 năm, đơn vị sử dụng hợp đồng đã đơn phương chấm dứt việc sử dụng lao động với chị Giang. Việc các phóng viên này bị cắt hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc Đài sẽ không còn người làm chuyên môn nữa, hiện tại Đài TT-TH Quỳ Hợp còn 7 người là lãnh đạo, kế toán, biên tập viên và 1 phóng viên làm nghiệp vụ.
PV Minh Nguyệt, 1 trong 4 phóng viên của Đài TT-TH Quỳ Hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động trước khi rời căn phòng tập thể mà cô đã gắn bó nhiều năm |
Ông Hà Huy Nhâm, Trưởng đài TT-TH Quỳ Hợp cho biết: Từ năm 2017, tỉnh không cấp ngân sách cho 4 hợp đồng này nữa nên Đài phải lấy ngân sách chi thường xuyên để trả lương. Ngày 14/12/2017, UBND huyện Quỳ Hợp có công văn chỉ đạo tinh giản biên chế theo chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An và Đài đã phải ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với 4 phóng viên trên kể từ ngày 1/1/2018. Do chỉ còn lại 1 phóng viên, không còn phát thanh viên nên để có chương trình phát sóng, Đài TT-TH Quỳ Hợp vẫn phải “nhờ” 4 phóng viên tiếp tục cộng tác và trả mức lương như cũ. Tuy nhiên, từ ngày 1/4, do không thể bố trí được kinh phí trả lương nên Đài đành phải dừng cộng tác với các phóng viên này.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Đậu Thị Kiều Hoa, 1 trong 5 phóng viên của Đài TT-TH huyện Hưng Nguyên sau gần 8 năm công tác cũng đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Dù được ký hợp đồng không xác định thời hạn, lại được bàn giao “nguyên trạng” nhưng suốt thời gian công tác, chị đang nằm trong danh sách những người phải dừng hợp đồng. Theo lãnh đạo Đài TT-TH huyện Hưng Nguyên, những năm trước, ngân sách tỉnh hỗ trợ huyện chi trả tiền lương cho các phóng viên hợp đồng, nhưng năm 2018 thì tiền lương 3 tháng đầu năm vẫn chưa được chi trả do ngân sách bị cắt.
Tương tự, Đài TT-TH huyện Nam Đàn cũng có 4 phóng viên hợp đồng đang nằm trong danh sách những người có nguy cơ mất việc làm. Trong số đó có chị Vũ Thị Hồng Sương là người có thời gian công tác hơn 17 năm, chưa được xét vào biên chế nhưng lương nhiều năm qua cũng không được tăng theo hệ số. Ông Nguyễn Đậu Thắng, Trưởng đài TT-TH Nam Đàn chia sẻ, bản thân ông cũng như những trưởng đài khác đã gửi đơn xin ý kiến của huyện nhưng đều chưa nhận được câu trả lời.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 9/4/2018, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam có Công văn số 39/HNB-BKT đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp cho ý kiến về sự việc 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp bị chấm dứt hợp đồng. Vì “Vụ việc này đang tạo nên dư luận nhiều chiều, thu hút sự quan tâm theo dõi của những người làm báo và nhân dân cả nước”. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, huyện đã hết thẩm quyền xử lý.
|
Ông Võ Sỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, trước khi chỉ đạo Đài ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với các phóng viên, UBND huyện Quỳ Hợp đã nhận thấy sự bất hợp lý nên có công văn gửi Sở Nội vụ đề nghị hướng dẫn, tuy nhiên, không được hồi đáp. “Huyện Quỳ Hợp chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên là tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 293/CT-UBND của UBND tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị...”, lời ông Sơn.
Trong khi đó, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết thêm, nguyên nhân là do lịch sử để lại, Đài PT-TH Nghệ An đã nhận ồ ạt, sau đó có Chỉ thị 30 của UBND tỉnh mới ngăn lại việc ký hợp đồng. Hướng xử lý sắp tới, theo ông Thanh, trước mắt tỉnh đã giao lại cho huyện cân đối chủ động, có thể xem xét cho làm cán bộ văn hóa huyện, cán bộ văn hóa xã hoặc chờ khi có người về hưu, các lao động sẽ được xem xét để tránh thiệt thòi cho những lao động này.
Trước đó, UBND tỉnh đã từng làm rõ và đề ra những giải pháp nhằm giải quyết những bất cập tại các Đài TT-TH cấp huyện, nhưng sự chỉ đạo của tỉnh dường như đã bị “lãng quên”.
Cụ thể, ngày 16/8/2013, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nghe báo cáo kết quả và giải quyết các vướng mắc tại các Đài TT-TH cấp huyện sau 2 năm chuyển giao về UBND huyện quản lý. Đến ngày 28/8/2013, UBND tỉnh có Thông báo số 405 kết luận về nội dung này. Trong thông báo, UBND tỉnh yêu cầu các UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức xây dựng Đề án vị trí việc làm tại Đài huyện, quy định cụ thể chức danh tiêu chuẩn, số lượng người làm việc; tổ chức rà soát lại số hợp đồng đã được chuyển giao để sử dụng có hiệu quả.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nội vụ xem xét lại việc giao chỉ tiêu biên chế của các đài để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh biên chế, hợp đồng đối với các đài cho phù hợp; giao Sở Tài chính tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí cho số hợp đồng ở các đài huyện cho đến hết năm 2014, từ năm 2015, UBND các huyện chủ động kinh phí để trả lương và phụ cấp cho số cán bộ hợp đồng.
Bà Hoàng Thu Hương, Phó ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, công đoàn đã nhận đơn khiếu nại của 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp và đang hỗ trợ pháp lý để 4 phóng viên này khởi kiện ra tòa án về việc chấm dứt HĐLĐ không đúng căn cứ pháp luật.
Thiên Thảo