Gia đình xã hội
Máu đã đổ nhưng các 'hiệp sĩ' không bao giờ chùn bước trước cái ác
08:53, 15/05/2018 (GMT+7)
Rất nhiều “hiệp sĩ đường phố” từ các nơi đổ về Trung tâm Pháp y thành phố HCM để tiễn đưa 2 người “anh em” về quê an táng. Họ lặng lẽ, đau đớn, chua xót và căm hận khi nhắc đến những đối tượng manh động gây án. Nhìn họ lặng lẽ trong đủ các trang phục, người vừa chạy xong một cuốc xe ôm, người làm nghề vá xe, tài xế....
Ông Nguyễn Văn Ra, một hiệp sĩ ở Thủ Đức, người có thành tích cả trăm vụ bắt trộm cướp, từng bị thương thập tử nhất sinh đứng lặng lẽ cạnh Trung tâm pháp y nhướng mắt nhìn vào bên trong.
Ông Nguyễn Văn Ra (bìa phải) cùng nhóm "hiệp sĩ" có mặt rất sớm ở Trung tâm pháp y để đưa tiễn 2 người em hiệp sĩ |
Ông Ra cho hay: “Nghe tin hai hiệp sĩ bị đâm tử vong, nhớ lại những lần mình cũng rơi vào tình cảnh bị trộm cướp chống trả, tôi hiểu được tâm trạng của người thân của các hiệp sĩ, những người vừa nằm xuống.
Dù bị thương nhập viện nhưng các hiệp sĩ này vẫn mong muốn tiếp tục chống lại cái xấu,cái ác, giữ bình yên cho TP |
Người thân của họ ai cũng lo lắng, cũng đau đớn, cũng có đôi lần khuyên can họ bỏ đi cái nhiệt huyết nhưng dễ dẫn đến mất mạng nhưng họ đa phần họ đều tặc lưỡi cho qua vì có khuyên can thì cái máu “săn bắt cướp” vẫn chảy trong cơ thể của những người được dân trìu mến, yêu thương kêu bằng “hiệp sĩ”.
Cái chết của Thôi và Nam hôm nay cho thấy tội phạm ngày càng manh động nhưng cái chết này không làm anh em chúng tôi chùn bước mà quyết tâm đấu tranh đến cùng với cái xấu, cái ác để bảo vệ bình yên cho người dân".
Xúc động nhất có thể là hình ảnh hiệp sĩ Trương Văn Hoàng (trưởng nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình). Bị thương thập tử nhất sinh, nhiều đoàn đến thăm hỏi, anh Hoàng chỉ trả lời ú ớ mệt mỏi nhưng cuối buổi trò chuyện, anh Hoàng vẫn chốt lại câu nói “Lành bệnh tiếp tục đi bắt cướp” khiến mọi người chứng kiến rơi nước mắt.
Hơn 20 năm làm “Lục Văn Tiên” thấy cảnh bất bình chẳng tha, nhiều lần bị thương, nhận nhiều giấy khen các cấp về hành động dũng cảm trên 500 lần cùng anh em trong nhóm bắt trộm cướp, nhiều lần bị hăm dọa, trả thù nhưng chẳng ai biết anh Hoàng có cuộc sống khá cơ cực.
Sống cùng vợ con trong căn phòng trọ chật hẹp, mưu sinh qua đủ thứ nghề từ đạp xích lô, ba gác, phụ vợ buôn gánh bán bưng, buôn bán vỉa hè cho đến chạy xe ôm nhưng trong người anh Hoàng luôn có một dòng máu nóng.
Có những con người quên mình và luôn sống vì cộng đồng |
Anh ghét cay ghét đắng những đối tượng vô công rỗi nghề, ăn chơi lêu lỏng, lười lao động và chỉ nghĩ đến chuyện trộm cướp. Nhìn những nạn nhân bị cướp nhận lại tài sản khiến anh Hoàng như được sưởi ấm và mong muốn còn sức là còn tiếp tục bắt cướp.
Ngồi bên giường bệnh vợ con anh Hoàng nhìn chồng đau đớn, hơi thở mệt mỏi mà đau xót. Hình ảnh anh Hoàng nằm bệnh viện quá quen thuộc với chị nhưng đây có lẽ là lần nguy kịch nhất.
Nằm trên giường bệnh “hiệp sĩ” Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy khá đau đớn vì vết thương hành. Trao đổi với phóng viên, anh Huy cho biết tối qua anh không tham gia cùng đội “hiệp sĩ” Tân Bình theo dõi băng trộm này nhưng khi đi ngang qua đường Cách Mạng Tháng Tám thấy anh em trong nhóm đang bắt trộm nên dừng xe hỗ trợ. Huy khống chế được một đối tượng nhưng đối tượng vùng vẫy và móc dao ra đâm một nhát trúng bụng.
Hình ảnh 2 "hiệp sĩ" Thôi và Nam, trong một lần họp nhóm "hiệp sĩ" |
Nước mắt các hiệp sĩ đã rơi, đó là những giọt nước mắt của sự tiếc thương những người cùng chung lẽ sống chứ không phải là những giọt nước mắt đớn đau lo lắng sợ sệt trước cái ác.
Những giọt nước mắt của các hiệp sĩ hôm nay cũng như những vết thương còn hằn trên người các anh vẫn không làm các anh nản lòng khi đối diện với cái ác, cái xấu. Những tấm gương dũng cảm, những tấm lòng hào hiệp sẵn sàng đối diện, không chùn bước trước cái ác của các anh đáng được ghi nhận.
Họ là như vậy, những người công dân bình thường như mọi công dân khác, chỉ có cái khác là họ ghét cái xấu và hành động để ngăn chặn loại bỏ những cái ác, cái xấu.
Nguồn: CAND