Gia đình xã hội

Đừng đùa với 'bóng cười'

15:18, 09/04/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
“Bóng cười” đang được coi là thú chơi của một bộ phận giới trẻ. Những tưởng là vô hại song mới đây, việc một thanh niên ở Hà Nội đã bị rơi vào trạng thái rối loạn vận động, tổn thương tủy sống và rất có thể đã mắc nghiện- đã gióng lên hồi chuông báo động thực sự.
 
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- phụ trách Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân nam (26 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) bị rối loạn vận động, ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài.
Nam thanh niên này được người thân đưa tới trung tâm khám ngày 1/4 trong tình trạng rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống.
 
Trước đó hơn một năm, nam thanh niên này thường xuyên hít bóng cười.
 
Thời gian đầu chỉ 1-2 quả một lần là đã có cảm giác phê. Tuy nhiên dần dần, số lượng dùng ngày một tăng, đến thời điểm trước khi nhập viện, bệnh nhân có thể hít lên tới 20 quả một lần chơi.
 
Theo bác sĩ Nguyên, đây là trường hợp điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.
 
Theo đó, sau khi hít khí N2O, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch.
 
“Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy, nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này”- bác sĩ Nguyên lý giải.
 
Theo các chuyên gia hóa học, bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O). Bóng cười du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2010, trò hít “bóng cười” được giới trẻ rỉ tai nhau sử dụng tại các quán bar.
 
Giá 1 quả “bóng cười” từ 35.000 - 70.000 đồng/quả. 
 
Người chơi dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên.
 
Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần chất khí Nitrous oxide trong quả bóng sẽ khiến người sử dụng có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười. Và dù đang vui hay buồn đều sẽ cười thả phanh.
 
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê pha ma túy. 
 
Còn BS Vương Văn Tịnh (BV Tâm thần Trung ương I) cho biết, sau khi dùng bóng cười, khí N2O sẽ làm cho cơ thể choáng váng, không tự chủ bản thân, miệng nhíu lại, nói năng không rõ. Nhiều khi họ cười phá lên mà không rõ nguyên nhân.
 
Việc hít khí này trong một thời gian dài sẽ gây thương tổn đến não bộ. Người lạm dụng sẽ gây thiếu oxy cục bộ, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, có thể gây co giật hoặc ngất.
 
Đáng tiếc là hiện không khó để tìm mua loại bóng cười. Ở Hà Nội, nhiều tuyến phố như: Mã Mây, Hàng Thùng, Bà Triệu… đều có thể mua được một cách dễ dàng.
 
Theo quy định của pháp luật, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lí nghiêm ngặt, không phải chất ma túy, nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, và cả trên thực tế thì bản chất của “bóng cười” là một thú chơi có thể gây nghiện và gây hại cho sức khỏe.   

Nguồn: Tiengchuong.vn

Các tin khác