Gia đình xã hội

Chú trọng giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục

08:44, 26/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian vừa qua, tình trạng xâm hại trẻ em trong xã hội, nhất là trong trường học có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là hiện nay, vấn đề này đang được nhiều người, thậm chí các bậc phụ huynh xem nhẹ. Một thực tế là nếu như trước đây trẻ bị xâm hại thường từ 12 - 18 tuổi, thì nay lại xuất hiện rất nhiều vụ việc ở lứa tuổi từ 5 - 12.

Một tiểu phẩm của các em học sinh đến từ huyện Nghi Lộc về các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục tại Diễn đàn trẻ em (tháng 7/2017)
Một tiểu phẩm của các em học sinh đến từ huyện Nghi Lộc về các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục tại Diễn đàn trẻ em (tháng 7/2017)

Hiện nay, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn khi hiểu khái niệm xâm hại tình dục là khi có hành vi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xâm hại tình dục trẻ em là quá trình trong đó 1 người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục. Các hành vi như: Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất kích dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, động chạm, ôm… đều có thể được xem là xâm hại tình dục.

Không chỉ là hành động trái pháp luật, hành vi xâm hại tình dục trẻ em còn gây hoảng loạn, tổn thương về thể chất và cả những hậu quả về mặt tinh thần lâu dài. Mặt khác, nó còn liên quan đến sức khỏe sinh sản và cả khả năng học tập, hòa nhập cũng như đối với sức khỏe tâm sinh lý của trẻ sau đó. Mọi trẻ em trong xã hội đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, không phân biệt giới tính hay hoàn cảnh gia đình. Điều đáng nói, theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, 93% trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục từ người thân quen của nạn nhân và gia đình, thậm chí kể cả những giáo viên bị tha hóa, biến chất.

Trước báo động về nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đều đã lồng ghép chủ đề phòng, chống xâm hại tình dục trong các bài học, hoạt động ngoại khóa, các buổi học về kỹ năng sống. Tại Trường THPT Tây Hiếu, TX Thái Hòa, thông qua các tiết chào cờ, học ngoại khóa, kỹ năng sống, nhà trường đều chú trọng lồng ghép chủ đề về trang bị kiến thức về sức khỏe giới tính, phòng chống xâm hại tình dục... cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức các buổi tọa đàm, mời các chuyên gia tâm lý, Trung tâm Dân số - KHHGĐ về nói chuyện, trả lời những thắc mắc của các em về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường nào cũng chủ động triển khai vấn đề này một cách bài bản, khoa học và hiệu quả. Với văn hóa phương Đông truyền thống, đối với nhiều người, thậm chí cả giáo viên và phụ huynh còn xem công tác giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại tình dục là vấn đề “nhạy cảm”. Khi đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính, trong đó có phòng, chống xâm hại tình dục cho học sinh, nhất là bậc tiểu học, không ít phụ huynh vẫn còn lảng tránh.

Nhận thức được vai trò quan trọng “phòng chống hơn là để sự việc đã rồi” trong vấn đề xâm hại tình dục, thời gian qua, ngành Giáo dục Nghệ An luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục. Hằng năm, Sở thường xuyên chỉ đạo các trường tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cùng phụ huynh xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh, trong đó có phòng, chống xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, Sở còn chỉ đạo các trường lồng ghép vào các buổi học ngoại khóa, tổ chức các buổi tọa đàm, mời lực lượng Công an, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh về nói chuyện, giúp các em nhận biết những thủ đoạn tinh vi của tội phạm xâm hại tình dục và trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng phòng vệ cần thiết trong những trường hợp khẩn cấp để thoát hiểm.

Thu Thủy

Các tin khác