Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201803/dang-sau-nhung-phien-toa-xet-xu-ve-toi-mua-ban-nguoi-784338/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201803/dang-sau-nhung-phien-toa-xet-xu-ve-toi-mua-ban-nguoi-784338/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đằng sau những phiên tòa xét xử về tội mua bán người - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 11/03/2018, 09:52 [GMT+7]

Đằng sau những phiên tòa xét xử về tội mua bán người

(Congannghean.vn)-Sau mỗi phiên tòa xét xử về tội mua bán người, đa phần các bị cáo đều ăn năn hối lỗi, song những đứa con thơ, người vợ, người chồng, bố mẹ của các bị cáo lại là những người gánh chịu lớn nhất. Nhiều bị hại là em họ, người thân, hàng xóm và thậm chí là vợ của các bị cáo. Nạn nhân trong các vụ án mua bán người hầu hết là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, vì giấc mơ “đổi đời”, mong muốn có cuộc sống giàu sang bên xứ người nên đã tự biến mình thành người bị hại, vô tình tiếp tay cho bọn buôn người. Hầu hết họ là người dân tộc các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông…

Trong tháng 11/2017, chúng tôi được tham dự 3 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án mua bán người tại TAND tỉnh và phiên tòa nào cũng kết thúc bằng nước mắt. Nước mắt của những người  cha, người mẹ, của người vợ và cả nước mắt hối hận muộn màng của chính các bị cáo, chỉ vì hám lợi đã bất chấp pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý. Điều khiến những người tham dự phiên tòa day dứt đó là khi HĐXX hỏi: Tại sao lại tin tưởng bị cáo để sang Trung Quốc làm ăn/lấy chồng thì hầu hết các nạn nhân đều trả lời, họ nghĩ rằng cuộc sống sau khi sang Trung Quốc sẽ nhàn hơn, có nhiều tiền để chi tiêu và gửi về giúp đỡ bố mẹ. Chỉ đến khi đặt chân sang xứ người, bị bán làm vợ cho những người đàn ông không quen biết hoặc bị bán cho các chủ chứa, họ mới tiếc nuối, ân hận thì đã quá muộn màng…

2 bị cáo Lô Thị Quang và Vi Thị Với tại phiên tòa
2 bị cáo Lô Thị Quang và Vi Thị Với tại phiên tòa

1. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Lô Thị Quang (SN 1978) trú tại bản Piềng Ồ, xã Xiêng My, huyện Tương Dương và Vi Thị Với (SN 1993) trú tại bản Na Cọ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông về tội mua bán người, cả 2 bị cáo đều không dám ngẩng mặt lên, bởi hơn ai hết, họ ý thức được tội lỗi do mình gây ra. Vì thiếu hiểu biết và lóa mắt trước đồng tiền, Với và Quang đã lừa đưa Vi Thị H. (SN 1995) ở gần nhà Với (mẹ đẻ của Với là chị dâu của mẹ đẻ H.) sang Trung Quốc lấy chồng. Sau khi bán H. cho 1 người đàn ông Trung Quốc với số tiền 6.700 nhân dân tệ, Quang đưa cho Với 90 triệu đồng để Với đưa về cho mẹ H., còn Với được Quang trả 15 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lô Thị Quang 6 năm tù giam, bị cáo Vi Thị Với 5 năm tù giam về tội mua bán người. Sau lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Với ôm đứa con trai bé bỏng vừa tròn 2 tuổi òa khóc nức nở khiến những người có mặt tại phiên tòa không khỏi chạnh lòng, xót xa…

Ngồi dưới hàng ghế dự khán, nạn nhân Vi Thị H. cho biết, đến bây giờ vẫn chưa thể quên được những ngày tháng nơi xứ người. Vì cuộc sống ở quê gắn liền với nương rẫy nên khi nghe 2 đối tượng Vi Thị Với và Lô Thị Quang vẽ ra viễn cảnh giàu sang khi lấy chồng Trung Quốc, H. đã không ngần ngại gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, mọi thứ không phải toàn màu hồng như suy nghĩ của H.. Khi sang Trung Quốc, H. phải lấy 1 người đàn ông nhiều tuổi hơn mình, bị bắt làm quần quật suốt ngày không được ngơi nghỉ và thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn roi khi người chồng say rượu. Không chịu nổi cảnh khổ cực đó, H. tìm mọi cách để liên lạc về quê nhà và may mắn thay, em đã trốn thoát, trở về đoàn tụ với gia đình.

Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Moong Thị May (SN 1985) trú tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn diễn ra vào 1 buổi sáng đầu tháng 11/2017. Không giống như những phiên tòa khác, ngồi dưới hàng ghế dự khán có chồng May, chị gái và 3 người bên gia đình nạn nhân. Giữa họ không có sự thù oán hay thể hiện thái độ tức giận, căm phẫn nhau. Họ đều trú tại huyện biên giới Kỳ Sơn và đi cùng một chuyến xe xuống dự phiên tòa.

Bị cáo Moong Thị May bị truy tố về tội mua bán người. Đặc biệt, May không chỉ bán 1 người mà bán tới 4 người sang Trung Quốc. Ngoài Moong Thị T. và Moong Thị L., May còn khai nhận đã bán chị Moong Thị Gi. trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm và chị Xeo Thị M. trú tại bản Thảo Đi, xã Bảo Nam, cùng huyện Kỳ Sơn cho người Trung Quốc. Trong đó, có 3 người trốn được về Việt Nam và làm đơn tố cáo May đến cơ quan Công an, còn 1 người nữa là do May tự khai nhận.

Sau khi nghe phân tích của HĐXX về hành vi vi phạm pháp luật, May bật khóc nức nở. May khai rằng: “Những người đó hỏi May sang Trung Quốc có nghề gì để kiếm tiền không, May bảo sang đó chỉ cần lấy chồng là có tiền. Mọi người đồng ý đi nên May mới đưa họ sang đó chứ không hề biết việc làm của mình là phạm pháp”. Xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, nhận thức pháp luật còn hạn chế, xem xét toàn diện vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Moong Thị May 5 năm tù về tội mua bán người.

2. Trên đây là 2 trong số hàng trăm vụ mua bán người mà hậu quả để lại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân, cuộc sống của mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến ANTT. Mặc dù, các bị cáo ở mỗi phiên tòa đều đã nhận hình phạt đích đáng để  trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, song với những người bị hại thì nỗi sợ hãi vẫn còn rất dai dẳng, vết thương lòng không biết đến khi nào mới có thể nguôi ngoai.

Thực tế cho thấy, số người bị lừa đưa sang biên giới được giải cứu hoặc trốn thoát trong thời gian qua rất ít. Nguyên nhân do họ phải chịu sự quản lý, giám sát gắt gao của chồng “hờ” hoặc chủ chứa và do không thông thạo đường đi nên không thể bỏ trốn. Qua lời kể của một số nạn nhân trong các vụ án mua bán người may mắn được trở về thì quãng thời gian lưu lạc bên Trung Quốc phải lao động cực nhọc, thường xuyên bị đánh đập, bỏ đói, không được dùng điện thoại...

Thời gian qua, mặc dù Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, song công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhiều trường hợp nạn nhân bị bán sang Trung Quốc vì xấu hổ hoặc có quan hệ họ hàng với đối tượng nên không dám mạnh dạn đứng ra tố giác tội phạm, thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, gây không ít khó khăn trong việc điều tra, xử lý án.

Để đẩy lùi loại tội phạm này, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, hơn ai hết, mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình, cảnh giác trước những cạm bẫy để tránh trở thành “món mồi” cho bọn buôn người.

.

Thu Thủy

.