Gia đình xã hội

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học gia đình: Thiết thực, hiệu quả

08:05, 07/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm vẫn ở mức khá cao. Tai nạn thương tích và các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân ngày càng lớn. Do đó, việc sàng lọc, theo dõi, điều trị bệnh tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Thực tế này đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học gia đình là yếu tố then chốt.

Bác sĩ Phòng khám bác sĩ gia đình Nghệ An tiếp khách hàng đến đăng ký các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Bác sĩ Phòng khám bác sĩ gia đình Nghệ An tiếp khách hàng đến đăng ký các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà

Năm 2014, Bộ Y tế có Thông tư 16 về triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời giảm tải cho tuyến trên trong những trường hợp không cần thiết. Nghệ An là 1 trong 8 tỉnh, thành thực hiện thí điểm mô hình này. Theo đó, mạng lưới chăm sóc sức khoẻ theo hình thức này đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An và đến nay đã khẳng định tính hiệu quả cao.

Từ hoạt động của phòng khám gia đình, nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh được theo dõi toàn diện với thời gian liên tục, qua đó làm giảm rõ rệt các biến chứng và tiết kiệm chi phí KCB cho cộng đồng… Nhiều người cho rằng, BSGĐ chỉ có vai trò hỗ trợ tạm thời cho các bệnh nhân trong công tác dự phòng, KCB thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, đảm nhận 3 vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Trên cơ sở nắm rõ tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh lý của từng bệnh nhân thông qua hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe, các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Khi bệnh nhân chuyển viện, BSGĐ sẽ liên hệ với hệ thống y tế tiếp nhận bệnh nhân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình KCB.

Trước yêu cầu nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học gia đình trên địa bàn tỉnh, chiều 1/11 vừa qua, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh và huyện Nam Đàn đã tổ chức khai mạc lớp đào tạo nâng cao chất lượng KCB các bệnh mãn tính theo nguyên lý y học gia đình tại Trung tâm Y tế huyện. Được biết, thực hiện Công văn 1343 ngày 19/9/2017 của Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện mô hình BSGĐ, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước tiến hành triển khai. Theo đó, đầu tháng 10 vừa qua, Sở Y tế đã có Công văn 2417 chỉ đạo việc triển khai thực hiện mô hình BSGĐ tại huyện Nam Đàn.

Với sự nỗ lực của ngành y tế tỉnh nhà, tin tưởng rằng, việc phát triển và nhân rộng mô hình BSGĐ trên địa bàn trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khám chữa bệnh BHYT tiếp cận dịch vụ KCB gần nhất và hiệu quả cao.

Hồng Hạnh

Các tin khác