Gia đình xã hội
Bạo hành trẻ em 'bạo hành' tương lai
10:11, 09/12/2017 (GMT+7)
Trẻ em cần được sống trong tình yêu thương, sự tử tế của người lớn. Chúng là tương lai của cộng đồng, của đất nước. Ðánh trẻ em, nghĩa là đánh vào tương lai của cộng đồng. Chưa bao giờ vấn nạn bạo hành trẻ em trong các trường mầm mon lại nhức nhối đến thế.
Mỗi người lớn cần phải tự vấn mình, rằng chúng ta đã làm những gì để bảo vệ trẻ em, giữ cho trẻ em một môi trường trong sạch nhất để các em lớn lên, trở thành những con người không mang theo vết sẹo nào trong tương lai. Và quan trọng là phải hành động. Lên án thôi không bao giờ là đủ.
Đến trường để học hay để nếm đòn roi?
Vụ việc bạo hành trẻ em ở Trường mầm non Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) những ngày vừa qua thêm một tiếng chuông cảnh báo sâu sắc về nạn bạo hành trong các cơ sở nuôi dưỡng trẻ. Từng giây trên clip dài 6 phút mà truyền thông đưa ra, là những cú đánh ớn lạnh, đau đớn vào lương tri của người lớn, của các bậc phụ huynh, của các nhà sư phạm và của toàn xã hội.
Tại sao một cơ sở mầm non, nơi có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho các em bé lại có thể biến thành nơi hành hạ trẻ em bằng những đòn roi, nhục hình kinh khủng đến thế? Tại sao những người nhân danh nuôi dưỡng trẻ, thay thế cha mẹ của trẻ lại đang tâm đánh đập, tra tấn trẻ một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, vô cảm đến vậy?
Tại sao một nơi trẻ em được cha mẹ mang đến, đóng tiền cho các cô chỉ để đổi lấy nước mắt của trẻ nhỏ, đau đớn của trẻ nhỏ lại có thể tồn tại một thời gian dài như vậy, qua mắt được các đoàn thanh kiểm tra, qua mắt chính quyền địa phương? Một nơi như vậy sẽ để lại những ký ức đen tối như thế nào trong đầu óc trẻ thơ non nớt?
Các em lớn lên qua ngày tháng với những cú sốc tinh thần như vậy thì sẽ trở thành những con người như thế nào trong tương lai? Toàn xã hội phải có nghĩa vụ trả lời những câu hỏi đó. Chúng ta có lỗi với trẻ nhỏ khi không tạo ra cho các em một môi trường sống đẹp đẽ thân thiện, giàu có tình yêu thương và sự bảo bọc chăm sóc. Còn những ngôi trường như Trường mầm non Mầm Xanh, những mầm thiện sẽ không thể được nuôi nấng trong những đứa trẻ vừa mới bắt đầu đi học.
Cô giáo hay quỷ dữ?
Không quá lời khi gọi những cô giáo trong clip đánh đập, bạo hành trẻ nhỏ ở Trường mầm non Mầm Xanh là “quỷ dữ”. Một người bình thường không thể nào có cách hành xử dã man như vậy đối với các em bé, huống hồ lại là những cô giáo mầm non, những người ngày đêm thay các bậc phụ huynh chăm nom trẻ nhỏ.
Sự tàn tệ của họ là biểu hiện của cái ác, cũng đồng thời là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, không tôn trọng quyền trẻ em, không tôn trọng pháp luật. Họ từ đâu tới? Nếu họ là những người được học hành tử tế, được đào tạo bài bản về nghề chăm sóc trẻ, cho dù họ không phải là người yêu trẻ nhỏ đi nữa, thì chắc chắn họ cũng sẽ hiểu được các giới hạn của một người bảo mẫu với từng đứa trẻ, hiểu được về quyền của trẻ, và hiểu được rằng khi vi phạm pháp luật qua việc đánh đập trẻ thì họ sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc ra sao của pháp luật. Đây là một vấn đề đau đầu nhất hiện nay, một vấn đề căn gốc khi bàn về câu chuyện giáo viên mầm non.
Trong điều kiện các trường mầm non công quá ít, chỉ đáp ứng một phần không đáng kể nhu cầu của các gia đình có con nhỏ, ở mọi địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi tập trung đông đúc dân cư, thì trường mầm non tư thục đã nhanh chóng mọc lên như nấm.
Từ câu chuyện của cái hộ khẩu, phần lớn các gia đình nhập cư ở thành phố, khi nhà cửa chưa ổn định, họ không bao giờ mơ hai chữ trường công. Con họ phải đến các cơ sở nuôi giữ trẻ tư nhân là một tất yếu, ngoài ra không có lựa chọn nào khác.
Mà các cơ sở mầm non tư nhân thì chất lượng dạy trẻ đến đâu, tuyệt nhiên không ai có thể trả lời chính xác. Những người được tuyển chọn làm giáo viên mầm non tại các cơ sở này họ được đào tạo ra sao, bằng cấp thế nào, có đủ các điều kiện để làm công việc này hay không thì dám chắc cũng không ai đảm bảo.
Bảo mẫu trong các cơ sở này, họ có yêu thương trẻ, tâm huyết với trẻ nhỏ hay không hay chỉ xem đây là công việc để kiếm sống, làm qua loa qua quýt cho xong, cũng không ai trả lời được.
Thành ra, các bé đến trường mầm non cũng giống như người lớn chơi xổ số vậy. May ra thì gặp được cô giáo hiền, mến thương trẻ. Còn rủi thì gặp những cô như cô Linh (chủ Cơ sở mầm non Mầm Xanh ở TP Hồ Chí Minh vừa bị Công an bắt giữ vì hành vi đánh trẻ dã man), các em sẽ sống trong với bạo hành, đau đớn nước mắt mỗi ngày đến lớp.
Thực tế đó đòi hỏi bức thiết rằng cần phải có một sự thanh lọc lại toàn bộ các cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân, xem những cơ sở nào có đủ điều kiện cơ sở vật chất nhân lực để tiếp tục, và những cơ sở nào yếu kém cần phải đình chỉ hoạt động. Sâu sắc nhất trong hoạt động cần thiết này là kiểm tra trình độ nhân lực.
Mỗi cô giáo mầm non cần phải được sát hạch lại về chuyên môn, bằng cấp đào tạo từ đâu, hiểu biết pháp luật và quyền trẻ em như thế nào. Cùng với đó là tình yêu thương của họ với trẻ nhỏ ở mức độ nào. Thực tế, có những người không yêu mến trẻ, không thích gần gũi với trẻ thì khuyên họ nên chọn nghề khác, không nên tiếp tục theo công việc này.
Camera có giảm bớt bạo lực trong trường mầm non?
Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn và các bậc phụ huynh cho rằng, từ nay, camera là phương tiện bắt buộc phải có trong các trường mầm non, để theo dõi, kiểm tra các hoạt động nuôi dạy trẻ ở từng cơ sở, nhưng thiết nghĩ, không vì thế mà bạo lực có thể giảm.
Mặc dù máy móc kỹ thuật là cần thiết, nó khiến cho các cô giáo có ý thức hơn trong điều khiển hành vi của mình, nhưng nó không phải là giải pháp lâu bền trong nỗ lực giảm thiểu bạo lực. Vấn đề chính vẫn phải là con người. Camera không soi được lương tâm của người giữ trẻ. Chỉ có lòng từ bi, thương yêu trẻ nhỏ của người bảo mẫu sẽ dẫn họ đến những hành động đúng đắn trong công việc mà họ đã chọn.
Th.s Tâm lý Lê Thị Minh Hoa, giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội nêu ý kiến rất đáng để những người làm nghề suy nghĩ, rằng không phải ai cũng có thể làm được công việc của một người bảo mẫu. Nhiều người xin vào các cơ sở mầm non vì bản thân không xin được việc trong lĩnh vực mình được đào tạo. Họ xem đó là việc để kiếm cơm, tạm thời lúc chưa xin được việc khác. Họ không có kỹ năng trong việc dạy trẻ, không có kiến thức để giáo dục trẻ.
Một giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, ngay cả khi phạt một đứa trẻ, họ hiểu được mình đang lựa chọn hình phạt đó đối với trẻ là vì sao, và đồng thời cũng biết cách làm cho đứa trẻ hiểu rằng vì sao mình phải chịu phạt như vậy. Có những vấn đề về chuyên môn mà nếu người giáo viên mầm non không được giáo dục một cách bài bản thì rất dễ gây nguy hiểm về tâm lý, thể chất cho trẻ.
Trẻ em mầm non là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Các em còn quá non nớt, thậm chí chưa biết nói sõi, không có khả năng tự vệ. Qua mỗi vụ việc đau lòng như chuyện xảy ra ở Trường mầm non Mầm Xanh, thiết nghĩ cả xã hội đừng chỉ phẫn nộ suông, bức xúc suông mà hãy hành động. Các cấp chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo cần nhìn đó như một nỗi trăn trở lớn nhất để có những quyết sách phù hợp nhất. Không có vấn đề nào lớn hơn vấn đề an toàn của một đứa trẻ, chứ đừng nói hàng chục, hàng trăm đứa trẻ.
Hãy trích quỹ đất xây thêm trường công để trẻ có thêm cơ hội được học trường công. Hãy quan tâm sát sao việc tuyển chọn giáo viên mầm non trong các cơ sở mầm non công lập và dân lập. Hãy thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi trẻ mầm non. Hãy lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24h về nạn bạo hành trẻ em.
Thanh tra trong ngành giáo dục hãy phát huy cao hơn nữa vai trò của mình, đừng bỏ qua, xí xóa những sai phạm của các cơ sở mầm non khi phát hiện ra, cũng đừng đến thanh kiểm tra theo kiểu “báo trước” để các cơ sở có thời gian đối phó. Mỗi người trong vị trí của mình hãy biết đau nhiều hơn nỗi đau của những đứa trẻ bị bạo hành, đừng xem nhẹ, đừng vô cảm. Hãy làm tất cả, bằng mọi biện pháp để bảo vệ trẻ em của chúng ta. Cũng chính là bảo vệ tương lai cho chúng ta.
Cuối cùng, hành lang pháp lý cần cân nhắc một chế tài nghiêm khắc hơn nữa, đủ sức răn đe với những ai xâm phạm đến tinh thần cũng như thể chất của trẻ nhỏ. Cùng với đó là sự tích cực của truyền thông. Đưa lên công luận, lên án mạnh mẽ những hành vi bạo hành con trẻ. Khi toàn xã hội chung tay hành động với quyết tâm bảo vệ môi trường an toàn cho con trẻ khi đến lớp thì mới hy vọng đẩy lùi tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay…
Viện KSND quận 12, TP Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh về tội hành hạ người khác
Nguồn: Quỳnh vũ/CAND