Gia đình xã hội
Bộ Y tế đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh
08:45, 01/11/2017 (GMT+7)
Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh. Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn để phù hợp với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế.
Đây là một trong 3 phương án về quyền của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Luật dân số.
Phương án 2 mà Bộ Y tế đưa ra là mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh. Nhà nước khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên có hai con.
Ảnh minh họa |
Phương án 3 là mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Bộ Y tế phân tích, mỗi giải pháp đều có những ưu, nhược điểm và việc chọn giải pháp nào cũng cần có biện pháp khắc phục những nhược điểm.
Theo Bộ Y tế, phương án 1 có ưu điểm là quy định chính sách cụ thể, rõ ràng trong từng giai đoạn để mỗi cặp vợ chồng, cá nhân thực hiện và thuận lợi cho việc tuyên truyền vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật. Có căn cứ cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số và linh hoạt quy định về quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Linh hoạt trong việc kiểm soát mức sinh để thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý, tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp. Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (kiểm soát được mức sinh; phạm vi hẹp hơn và mức độ thấp hơn trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế; chi phí thấp hơn rất nhiều để tổ chức thực hiện công tác dân số).
Đồng thời, phương án này cũng phù hợp với thực tế hiện nay khi đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế liên tục hơn 10 năm qua. Tạo chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh. Các tỉnh, thành phố có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế cần phải đẩy mạnh các biện pháp giảm sinh; ngược lại các tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế hay thấp hơn mức sinh thay thế cần phải thực hiện biện pháp nới lỏng kiểm soát sinh hoặc khuyến sinh nhằm tránh nguy cơ suy giảm dân số. Góp phần làm giảm nhanh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là trong quá trình thực hiện chính sách, khi quy định số con cụ thể thì chưa thực sự phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về đảm bảo quyền tự quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân. Mặc dù Pháp lệnh dân số và các văn bản quy phạm pháp luật không cấm, nhưng bằng các biện pháp kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, tuyên truyền vận động, khuyến khích kinh tế nên thực tế nhiều người dân có tâm lý sinh nhiều hơn 2 con là không phù hợp. Nếu không chú trọng tuyên truyền, vận động sẽ dẫn đến mức sinh tăng đột biến. Quy mô dân số đến năm 2030 tăng 2 triệu người so với phương án tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình như hiện nay, ảnh hưởng tới chỉ số thu nhập bình quân trên đầu người và chi đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, khi thay đổi chính sách sinh con trong từng giai đoạn có thể gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, phát sinh thêm các chi phí cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Với phương án 2, Bộ Y tế phân tích ưu điểm là phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về đảm bảo quyền tự quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân. Phù hợp với thực tế hiện nay, khi đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế liên tục hơn 10 năm qua. Tạo chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh.
Nhược điểm của phương án 2 là quy mô dân số lớn, tăng 5 triệu người so với tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình như hiện nay, làm giảm chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và tăng chi cho an sinh và phúc lợi xã hội. Nhà nước khó kiểm soát được mức sinh và để kiểm soát được mức sinh thì phải chi phí tốn kém hơn cho việc tuyên truyền, vận động và chính sách khuyến khích lợi ích vật chất cho người thực hiện. Không có căn cứ rõ ràng để thực hiện chính sách hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số.
Bộ Y tế cũng phân tích ưu điểm của phương án 3 là đã quy định chính sách cụ thể, rõ ràng để mỗi cặp vợ chồng cá nhân thực hiện và tuyên truyền vận động. Có căn cứ cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số; có căn cứ để xử lý đảng viên vi phạm chính sách dân số khi đảng viên là đối tượng cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương chính sách về công tác dân số. Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách DS-KHHGĐ: kiểm soát được mức sinh; phạm vi hẹp hơn và mức độ thấp hơn trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế; chi phí thấp hơn rất nhiều để tổ chức thực hiện công tác dân số.
Tuy nhiên, phương án 3 lại có nhược điểm là không phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về đảm bảo quyền tự quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân. Khó cho các tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế hoặc thấp hơn nhiều vẫn phải kiểm soát chặt mức sinh, không thể ban hành các biện pháp nới lỏng việc kiểm soát sinh sản. Nếu mức sinh xuống thấp thì rất khó đưa mức sinh tăng lên được, dẫn đến dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục trầm trọng, khó khắc phục. Tỷ số giới tính khi sinh sẽ đạt mức 120 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 để lại những hệ lụy nghiêm trọng.
Bộ Y tế cho biết, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, khó kéo lên được (Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng rất khó khăn; Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh một con bằng chính sách sinh một con rưỡi hoặc hai con…).
Bộ Y tế cho rằng lựa chọn phương án 1 là phù hợp với hiện tại và dự báo trong tương lai, linh hoạt trong việc kiểm soát mức sinh và có nhiều tác động tích cực hơn. Tuy nhiên, cần chú trọng tăng cường tuyên truyền vận động để tránh tăng đột biến mức sinh; thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành Luật để tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số.
Nguồn: Tuệ Văn/Chinhphu.vn