Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201710/moi-nguoi-dan-la-mot-chien-si-chong-giac-lua-760269/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201710/moi-nguoi-dan-la-mot-chien-si-chong-giac-lua-760269/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mỗi người dân là một chiến sĩ chống 'giặc lửa' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/10/2017, 10:17 [GMT+7]

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống 'giặc lửa'

Ngày 4-10 hằng năm là "Ngày toàn dân PCCC" nhưng nhiều người vẫn quan niệm không đúng cho rằng, việc PCCC là trách nhiệm của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC. Sau mỗi vụ cháy, nổ, thực tế cho thấy trách nhiệm này không của riêng ai mà là của toàn xã hội và quan trọng nhất vẫn là tự ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
 
Số vụ cháy do sơ suất, bất cẩn chiếm tỷ lệ cao
 
Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho thấy: 9 tháng đầu năm 2017 (từ ngày 16-11-2016 đến 15-8-2017) cả nước xảy ra 3.089 vụ cháy. Làm chết 75 người, bị thương 143 người; thiệt hại về tài sản 1.507 tỷ đồng. Trong đó, nổi lên tình trạng nhiều vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người.
Cảnh sát PCCC tiếp cận dập tắt một đám cháy lớn.
Cảnh sát PCCC tiếp cận dập tắt một đám cháy lớn.
Điển hình vụ cháy xảy ra ngày 5-4, ở nhà dân tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, làm chết 3 người; ngày 13-7, xảy cháy tại nhà số 37, ngõ 205/53, đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, làm chết 4 người trong một gia đình; sáng 9-7, xảy cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo, địa chỉ xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm chết 8 người, bị thương 2 người.
 
Mới đây nhất ngày 25-9, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà 5 tầng kinh doanh lốp, sửa chữa ôtô tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) do ông Trần Văn Nam (48 tuổi) làm chủ, 2 con gái ông không kịp thoát ra, bị ngạt khói và tử vong.
 
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, hiện nay nhận thức, kiến thức về PCCC của người dân còn chưa cao, không ít người còn lơ là, chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt như:  sử dụng hệ thống điện chưa bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định an toàn trong hàn cắt; sắp xếp vật dụng, hàng hóa gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thậm chí còn tồn chứa, buôn bán trái phép các chất nguy hiểm về cháy, nổ như: hóa chất, xăng dầu...
 
Văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, cá nhân trong bảo đảm an toàn PCCC tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất… nhưng nhận thức và ý thức chấp hành quy định của người dân còn nhiều bất cập. Để tránh những sự cố đáng tiếc, mỗi người dân cần tìm hiểu pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH và tính năng, tác dụng của các thiết bị chữa cháy để xử lý tình huống bất khả kháng xảy ra.
 
Việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC và CNCH là công tác thường xuyên của lực lượng Cảnh sát PCCC. Phòng Cảnh sát PC&CC số 2, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc trực tiếp hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân tại các tổ dân phố trên địa bàn quận Đống Đa và Ba Đình, TP Hà Nội.
 
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết, từ tháng 8-2016 đến nay, đơn vị đã tham mưu cho UBND quận chỉ đạo UBND các phường tổ chức tập huấn, tuyên truyền về PCCC tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng với hơn 500 tổ dân phố, trung bình mỗi tổ có khoảng từ 20 đến 25 hộ gia đình tham gia.
 
Tại đây, người dân được biết các nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ trong các gia đình; được hướng dẫn biện pháp chống ngộ độc khói và các biện pháp thoát nạn; hướng dẫn những gia đình cơi nới dạng chuồng “cọp” phải mở 1 cửa thoát nạn, treo búa, chìa khóa ở vị trí cố định, xây dựng phương án thoát nạn và thông báo cho cả gia đình biết.
 
Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo người dân nên trang bị các thiết bị chữa cháy ban đầu, thiết bị cảnh báo cháy sớm. Thiết bị này giá thành không quá đắt, chỉ vài trăm nghìn/thiết bị nhưng rất hữu dụng.
 
Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, nhiều người dân phấn khởi khi đến nghe hướng dẫn PCCC và có mua bình chữa cháy, đầu báo cháy, mặt nạ nhưng rất ít, chỉ đạt khoảng 2 đến 3%. Không ít hộ dân vẫn thờ ơ, bàng quang khi tổ dân phố gửi giấy mời đến tham dự nhưng vì nhiều lý do vẫn không đi. “Đây là công việc xác định lâu dài “mưa dầm thấm lâu” nên chúng tôi vẫn cố gắng tuyên truyền sao cho hiệu quả nhất đến từng người dân” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
 
Đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân PCCC
 
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Phong trào toàn dân PCCC những năm qua đã đem lại những kết quả rất to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một số hạn chế, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC đối với các cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ. Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở dù đã có chuyển biến nhưng chưa có hiệu quả, chưa đủ khả năng để phát hiện những nguy cơ, vi phạm có thể dẫn đến cháy, nổ.
Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy khi rò rỉ khí gas.
Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy khi rò rỉ khí gas.
Tại nhiều đơn vị, cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC; lực lượng PCCC tại chỗ không duy trì hoạt động thường xuyên, không được đào tạo, huấn luyện; thiếu quan tâm về công tác quy hoạch, đầu tư trang thiết bị PCCC, không xây dựng, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ nên nhiều vụ cháy xảy ra, lực lượng tại chỗ không phát hiện được, xử lý rất lúng túng, không đủ khả năng khống chế đám cháy.
 
Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, để sớm khắc phục những mặt hạn chế này cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC và CNCH, nhất là đối với người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức và chủ hộ gia đình. Quan trọng nhất là mỗi người dân tự nêu cao ý thức chủ động phòng ngừa cháy nổ, chấp hành nghiêm quy định về phòng chữa cháy. Có như vậy, công tác PCCC và CNCH mới đạt được hiệu quả, tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi; góp phần xây dựng một xã hội bình yên, giàu mạnh. 
.

Nguồn: Minh Hiền/CAND

.