Gia đình xã hội
Cai nghiện ma túy ở Lèn Dơi
(Congannghean.vn)-Từ nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (LĐXH) II Nghệ An đóng chân ở lèn Dơi, thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc được biết đến là mái nhà chung của nhiều người lỡ bước sa chân vào ma túy. Với những liệu pháp điều trị thích hợp, nơi đây đã hồi sinh nhiều mảnh đời sa ngã, giúp họ đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu” để làm lại cuộc đời.
Học viên cai nghiện tại Trung tâm chăm sóc vườn rau |
Hồi sinh những “cái chết trắng”
Anh Trần Văn Th. (SN 1984) trú tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành, sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo. Bản thân sớm sa ngã, “bập” vào ma túy, nhiều lần đã quyết tâm cai nghiện, từ tự nguyện đến bắt buộc nhưng vẫn không dứt ra được. Tháng 5/2017, anh Th. có quyết định đi cai nghiện bắt buộc với thời gian 24 tháng tại Trung tâm Giáo dục LĐXH II Nghệ An. Sau thời gian đầu vật vã cắt cơn, đến nay anh đã trở lại trạng thái bình thường, có thể ăn ngủ ngon giấc và lao động được.
Tâm sự với chúng tôi, anh Th. cho biết, hy vọng lần đi này có thể trở về là con người thật của chính mình. Sự quan tâm, chăm sóc của các y, bác sĩ và nhân viên Trung tâm là động lực để anh quyết tâm đoạn tuyệt với “cái chết trắng”.
Trước đó, chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Anh T. (SN 1983) trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh, là người đã tái hòa nhập cộng đồng sau 14 tháng điều trị cai nghiện tại Trung tâm. Với vóc dáng hoàn toàn khỏe mạnh, anh T. cho biết: Do nghiện ngập ma túy nên tháng 3/2016, anh tự nguyện vào cai nghiện tại Trung tâm và sau một thời gian, khi thấy bản thân đã thực sự “nói không” được với cám dỗ chết người này, anh T. đã xin về địa phương. Từ đó đến nay, mặc dù bạn bè rủ rê, quá trình tái hòa nhập cộng đồng cũng lắm cám dỗ, nhưng anh kiên quyết đoạn tuyệt với ma túy.
Ông Đào Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục LĐXH II Nghệ An cho biết: Trung tâm được thành lập từ năm 1999, theo quy hoạch của UBND tỉnh thì thời gian tới sẽ đổi tên thành “Cơ sở Cai nghiện bắt buộc số II” tỉnh Nghệ An. Với chức năng chính là tiếp nhận, điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho người nghiện; đồng thời, thực hiện liệu pháp tâm lý, giáo dục phục hồi hành vi, vật lý trị liệu phục hồi sức khỏe, dạy văn hóa, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, hằng năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 300 học viên. Năm 2017, chỉ tiêu giao cho Trung tâm là 135 học viên, trong đó 100 học viên bắt buộc nhưng đến nay đã tiếp nhận 147 học viên, đó là chưa kể số học viên năm 2016 chuyển sang là 243 người. Phần lớn các đối tượng trước khi vào Trung tâm đều có thành phần xã hội rất phức tạp, nhiều người có tiền án, tiền sự và tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm HIV, lao phổi khá cao nên công tác quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.
Tình người ở Lèn Dơi
Với quan niệm, người nghiện cũng như người thân của mình, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại Trung tâm luôn có thái độ ứng xử đúng mực đối với từng học viên. Người nghiện khi vào Trung tâm sẽ được kiểm tra sức khoẻ, lập hồ sơ bệnh án, chẩn đoán bệnh tật, phân loại để có phác đồ điều trị phù hợp. Cũng bởi vậy, quá trình điều trị, cắt cơn thường ít vật vã, đau đớn, thậm chí phục hồi nhanh. Vì thế, trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho 99 lượt học viên.
Ngoài ra, các phòng ban chức năng cũng đã cắt cơn giải độc an toàn cho 66 lượt học viên mới vào cai nghiện, khám và cấp thuốc điều trị bệnh thông thường cho trên 450 lượt học viên, tổ chức 7 buổi tuyên truyền cách chăm sóc sức khỏe và phòng tránh lây nhiễm cách bệnh truyền nhiễm. Quá trình theo dõi, đánh giá cho thấy, phần lớn học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng đều có cuộc sống ổn định, không tái nghiện, nhiều người trong số này đã có công ăn việc làm, có thu nhập hàng tháng.
Để công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy diễn ra tuyệt đối an toàn, theo ông Đào Ngọc Lương, hằng ngày cán bộ được chia làm 2 ca trực, luân phiên quản lý, canh gác 24/24 giờ để không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn. Qua đó, ngăn ngừa kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng học viên thẩm lậu hàng cấm vào Trung tâm như: Thuốc lá, thuốc lào, tiền mặt...
Cùng với đó, để đảm bảo cho người nghiện sức khỏe và đoạn tuyệt được với ma túy, ngay sau khi điều trị cắt cơn, các học viên được tham gia các lớp đào tạo nghề. Trong đó, đã mở được 2 lớp gò hàn cho 50 người, duy trì các tổ đội lao động trị liệu như: Vệ sinh, trồng rau, chăn nuôi và làm hàng giấy. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tổ chức hỗ trợ điểm cai nghiện ma túy tại cộng đồng tại 4 huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành và Nghi Lộc cho 25 người nghiện ma túy.
Khó khăn và cũng là rào cản lớn nhất hiện nay đối với Trung tâm Giáo dục LĐXH II Nghệ An là đường nối từ Quốc lộ 1A vào đến cổng Trung tâm (dài khoảng 3 km), từ nhiều năm nay bị các doanh nghiệp thường xuyên khai thác đất đá với xe trọng tải lớn chạy liên tục, đã làm cho mặt đường xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi”, bùn đất vào mùa mưa, bụi vào mùa nắng, gây khó khăn cho phương tiện đi lại, ô nhiễm môi trường nặng cho Trung tâm. Những năm qua, Trung tâm đã có ý kiến bằng văn bản với các doanh nghiệp và UBND huyện Nghi Lộc, nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra.
Thiện Thành