Gia đình xã hội

Bất thường hồ sơ hưởng chế độ chất độc màu da cam

09:20, 09/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù UBND huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã có kết luận thanh tra về 2 trường hợp có dấu hiệu khai man hồ sơ để hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc màu da cam (điôxin) mà chúng tôi đã phản ánh; trong đó, hồ sơ ông Bùi Duy Môn được xác định là không đủ điều kiện, đã bị cắt chế độ chi trả; trường hợp còn lại của ông Lang Văn Hòe, bản kết luận cho rằng, việc tố cáo không đúng. Song, qua tìm hiểu hồ sơ của ông Hòe, chúng tôi nhận thấy những điểm bất thường, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ!

Giấy xác nhận 2 người con của ông Hòe (không còn khả năng tự lực được trong sinh hoạt) nhưng một người đã lấy vợ, người con gái vẫn đi lại bình thường
Giấy xác nhận 2 người con của ông Hòe (không còn khả năng tự lực được trong sinh hoạt) nhưng một người đã lấy vợ, người con gái vẫn đi lại bình thường

Trước đó, vào cuối tháng 4/2017, Báo Công an Nghệ An đăng tải bài viết: “Cần làm rõ hành vi giả mạo hồ sơ bị nhiễm chất độc hóa học”, phản ánh tại địa bàn xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu có một số trường hợp giả mạo hồ sơ bị nhiễm chất độc điôxin trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước trong thời gian dài, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Cụ thể là 2 trường hợp của ông Bùi Duy Môn (SN 1952), quê quán xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, hiện thường trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu và ông Lang Văn Hòe (SN 1957) trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.

Tại “Bản khai cá nhân” ngày 12/3/2009 của ông Bùi Duy Môn thể hiện, tháng 5/1970, ông Môn nhập ngũ vào Sư đoàn 324. Từ tháng 10/1970 - 5/1975, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Tại mục “Bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học”, ông Môn khai “viêm phế quản, đau thần kinh tọa, rối loạn đầu, mắt mờ, viêm tai, viêm da” và “giảm khả năng lao động”; đồng thời, con đẻ của ông Môn là Bùi Duy Thắng (SN 1989) cũng bị “viêm đa khớp, suy giảm trí nhớ, gai cột sống, viêm gan”. Ngày 23/6/2009, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An có Quyết định số 3577/TBLS-NCC, về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông Bùi Duy Môn.

Về trường hợp của ông Lang Văn Hòe, theo “Bản khai cá nhân”, ông Hòe nhập ngũ tháng 2/1975, xuất ngũ tháng 8/1980, địa bàn hoạt động là tỉnh Tây Ninh, trực thuộc Quân khu 7. Về bệnh tật, ông Hòe khai bị viêm đa khớp, viêm gan, đau các khớp. Ngoài ra, 2 con đẻ là Lang Văn Ba (SN 1984) bị thiểu năng và Lang Thị Lê (SN 1986) bị liệt 1/2 thân thể. Từ ngày 20/12/2009, ông Hòe được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An ký Quyết định về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; đồng thời, 2 người con đẻ của ông cũng được hưởng gián tiếp chế độ chất độc màu da cam.

Sau khi Báo Công an Nghệ An phản ánh sự việc, kết hợp với đơn phản ánh của công dân, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu đã thành lập Tổ xác minh các nội dung tố cáo, phản ánh. Ngày 2/6/2017, UBND huyện có Kết luận số 262/KL-UBND, kết luận nội dung tố cáo đối với 2 ông Lang Văn Hòe và Bùi Duy Môn trú tại xã Châu Bình.

Cụ thể, trường hợp của ông Bùi Duy Môn: “Một là, qua làm việc trực tiếp và đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thì ông Môn chỉ cung cấp được quyết định phục viên bản chính bị tẩy, xóa bổ sung một số thông tin so với bản phôtô có chứng thực, không cung cấp được giấy tờ gốc (Lý lịch quân nhân) nên thông tin khó xác định thời gian chính xác (cung cấp các thông tin không chính xác). Hai là, theo bản Đăng ký dự bị động viên lập năm 1981 tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu thì ông Môn nhập ngũ tháng 5/1975 (sau 30/4/1975) nên không đủ điều kiện để hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013; Khoản 1, Điều 39, Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013)”. Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Châu, hiện ông Bùi Duy Môn đã bị cắt chế độ chi trả chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Về trường hợp của ông Lang Văn Hòe, bản Kết luận số 262/KL-UBND của UBND huyện Quỳ Châu cho rằng, “việc tố cáo là không đúng, vì căn cứ vào hồ sơ, Lý lịch quân nhân bản chính được lưu trữ tại Phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An và các chứng cứ có liên quan thì ông Hòe sinh năm 1957, nhập ngũ tháng 2/1975, tham gia chiến trường Tây Ninh vào tháng 4/1975, đảm bảo các điều kiện và quy định của Nhà nước được hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, xác minh của chúng tôi, hồ sơ để hưởng chế độ chất độc màu da cam của ông Lang Văn Hòe có những điểm bất thường, các cơ quan chức năng liên quan cần làm rõ. Cụ thể, trong tập hồ sơ hưởng chế độ chất độc màu da cam của ông Lang Văn Hòe lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH Nghệ An mà chúng tôi được cung cấp thì không có “Lý lịch quân nhân bản chính”, không có Sổ hộ khẩu, không có Chứng minh nhân dân… Trong hồ sơ này, các bản khai cá nhân của ông Lang Văn Hòe đều khai ngày sinh là 29/9/1957. Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin về Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân thì ngày sinh của ông Lang Văn Hòe là 29/9/1954?!

Mặt khác, mặc dù ông Hòe được kết nạp vào Đảng năm 1997, đảng viên chính thức năm 1998, thế nhưng tại Đảng ủy xã Châu Bình, Lý lịch đảng viên của ông Lang Văn Hòe chỉ có một bản phôtôcoppy có chứng thực được khai vào ngày 10/4/2005? Ngoài ra, trong Giấy xác nhận “Người hoạt động kháng chiến có con bị nhiễm chất độc hóa học”, ông Hòe khai có con trai là Lang Văn Ba (SN 1984) bị “Thiểu năng” và con gái là Lang Thị Lê (SN 1986) bị “Liệt 1/2 cơ thể”, hiện đang hưởng gián tiếp chế độ là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học.

Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên đã đến tận nơi ở của gia đình ông Hòe để tìm hiểu cụ thể và được biết, hiện con trai của ông là Lang Văn Ba đã cưới vợ; con gái Lang Thị Lê đang ở với bố mẹ nhưng không bị liệt 1/2 cơ thể như đã khai trong hồ sơ!

Hy vọng rằng, những bất thường trong hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học của ông Lang Văn Hòe cùng 2 người con đẻ là Lang Văn Ba và Lang Thị Lê sẽ được các cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu và Sở LĐ-TB&XH Nghệ An vào cuộc xác minh, làm rõ. Nếu hồ sơ đảm bảo, đúng quy định thì ông Hòe và người thân sẽ tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước dành cho người có công. Còn nếu hồ sơ không đảm bảo, trái quy định thì phải có biện pháp xử lý, tránh để dư luận bức xúc, công dân có đơn tố cáo phản ánh kéo dài.

Đức Thắng

Các tin khác