Gia đình xã hội
Hàng chục nghìn người là nạn nhân của bạo lực gia đình
07:57, 29/08/2017 (GMT+7)
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số liệu tổng hợp của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 cho thấy có 13.765 vụ bạo lực gia đình.
Số vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ là 9.733 vụ. Tổng số nạn nhân bạo lực gia đình đến cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc là 16.962 người. Số người gây bạo lực gia đình được tư vấn là 6.859 người/13.765 vụ bạo lực gia đình.
Việc thu thập số liệu về bạo lực gia đình tại các địa phương trong những năm vừa qua đã được các tỉnh/thành phố triển khai thường xuyên, có hệ thống với nhiều nỗ lực đảm bảo sự chính xác, đầy đủ. Tuy nhiên, các số liệu này vẫn chủ yếu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thu thập mà chưa có cơ chế cung cấp thông tin, số liệu giữa các cơ quan tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Một khó khăn nữa là các chỉ tiêu về bạo lực gia đình trong các văn bản hiện nay chưa thống nhất về nội dung. Do vậy, gây khó khăn cho các địa phương để thu thập và cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo.
Hiện nay, hệ thống cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được phổ biến. Ngoài ra, trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, khi vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện cũng sẽ được xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất vụ việc. Trong quá trình xử lý, cả nạn nhân và người gây bạo lực gia đình đều sẽ được tư vấn, cung cấp thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình bởi cá nhân, tổ chức tham gia xử lý vụ việc.
Năm 2016, các cơ quan chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 327 nạn nhân bị mua bán trở về. Căn cứ theo nhu cầu và nguyện vọng của nạn nhân, sau khi tiếp nhận, có 211 nạn nhân được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Sau khi tiếp nhận nạn nhân, các địa phương đã lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo các quy định. Tập trung vào hỗ trợ học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu.
Các địa phương tiếp tục duy trì các mô hình về phòng, chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, giúp 10.291 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ các mô hình. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016 có 4.504 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: Nhật Thy/Chinhphu.vn