Gia đình xã hội

Bảo hiểm Y tế tự nguyện: Đảm bảo lợi ích thiết thực cho người dân

08:14, 28/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Huy động sự đóng góp của cộng đồng nhằm chia sẻ rủi ro và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật; đồng thời, tạo nguồn hỗ trợ tài chính cho hoạt động y tế trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đó là những chính sách ưu việt do bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại. Tuy nhiên, hiện nay, không phải người dân nào cũng nhận thức được vấn đề này.

Nhờ tham gia BHYT, ông Nguyễn Văn Thương đã giảm bớt được gánh nặng chi phí trong quá trình điều trị
Nhờ tham gia BHYT, ông Nguyễn Văn Thương đã giảm bớt được gánh nặng chi phí trong quá trình điều trị

Người dân gặp khó khi không tham gia BHYT

Ông Hồ Văn Hán (SN 1964) trú tại xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vừa trải qua một cuộc phẫu thuật để giải quyết tình trạng chảy máu trong, gây ảnh hưởng đến não. Hiện, ông đang được điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An và sức khỏe cũng đã dần ổn định. Ngày 15/6/2017, ông Hán nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch do trong lúc vào rừng chặt gỗ, ông bị cành cây rơi xuống đè trúng đầu. Số tiền gần 30 triệu đồng để chi phí cho ca mổ vượt quá khả năng của gia đình.

Được biết, hoàn cảnh gia đình ông Hán hết sức khó khăn, vợ chồng ông quanh năm lam lũ với đồng ruộng cũng không đủ trang trải cuộc sống và lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, trong nhà còn có mẹ già hơn 90 tuổi. Trước đây, ông Hán có tham gia BHYT tự nguyện nhưng sau vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ông không tham gia nữa. Để giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, lúc này, vợ ông mới chạy đôn chạy đáo làm thẻ BHYT cho chồng.

Cũng giống như ông Hồ Văn Hán, ông Lê Hữu Bằng (SN 1964) nhập viện trong tình trạng khá nặng do bị tai nạn giao thông và được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh chẩn đoán gãy xương cổ đùi. Ông Bằng là lao động tự do, khi người dân phát hiện và đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện, trên người ông không có bất kỳ giấy tờ tùy thân gì, cũng không có người thân nào bên cạnh. Ông Bằng cho biết, hiện ông không tham gia BHYT.

Trước hoàn cảnh hết sức khó khăn của ông Bằng và yêu cầu phải nhanh chóng điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện đã quyết định tài trợ toàn bộ chi phí  điều trị và lưu trú cho bệnh nhân này. Hiện, ông Bằng đã xuất viện và được người thân đưa về quê ở huyện Diễn Châu chăm sóc.

Nhiều lợi ích thiết thực cho bản thân và cộng đồng

Ông Hồ Văn Hán và ông Lê Hữu Bằng chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người dân không tham gia BHYT và phải chịu mức chi phí lớn trong quá trình khám, chữa bệnh. Thực tế cho thấy, đối với nhiều người, tấm thẻ BHYT chủ yếu là để phòng thân lúc ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, với những người có điều kiện kinh tế khó khăn thì đây thực sự là điểm tựa giúp họ vượt qua khó khăn khi chẳng may rủi ro ập đến, nhất là trong trường hợp bị mắc bệnh nan y, hiểm nghèo cần chi phí lớn trong quá trình điều trị.

Trong số những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ BHYT, ông Nguyễn Văn Thương (SN 1973) trú tại xóm 4, xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu là một trường hợp điển hình. Với căn bệnh suy tim, suy thận mãn giai đoạn cuối, hiện ông đang phải chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Đặng Trọng Lập, Khoa Thận nhân tạo cho biết: “Mỗi tuần, bệnh nhân phải chạy thận 3 lần, tổng chi phí mỗi lần khoảng 900.000 đồng. Và, với căn bệnh này, họ phải điều trị suốt đời. Vì thế, nếu không tham gia BHYT, bệnh nhân phải gánh mức chi phí rất cao”.

Được biết, ông Thương nhập viện đã gần 8 tháng nay, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ ngày chồng nhập viện điều trị, vợ ông một mình lo toan việc gia đình, đồng áng, rồi lại tất tả bắt xe vào TP Vinh để thăm nom chồng. “Trước đây, tôi tham gia BHYT tự nguyện, sau đó chuyển sang bảo hiểm hộ nghèo, nhờ đó mà tôi được hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, đồng thời bản thân cũng yên tâm điều trị”, ông Nguyễn Văn Thương chia sẻ.

Cũng như ông Thương, rất nhiều trường hợp khác mắc bệnh phải điều trị dài ngày, trong đó có những trường hợp chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng chục triệu đồng đã được Quỹ BHYT thanh toán. Điều đó cho thấy, BHYT đã và đang phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Trên thực tế, mọi người dân đều có quyền thụ hưởng những thành tựu của y học trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh. Khi một người ốm đau và phải điều trị tại các cơ sở y tế, nhất là đối với trường hợp mắc bệnh nặng thì chi phí khám, chữa bệnh, ăn, ở, đi lại là rất lớn. Trong lúc họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động thì BHYT chính là một giải pháp cực kỳ hữu hiệu để giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho người bệnh.

Theo Thông tư số 02/2017 của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017, giá của hàng nghìn dịch vụ y tế sẽ tăng từ 2 - 3 lần so với mức cũ. Cùng với đó, những bệnh nhân có BHYT sẽ được chi trả cao hơn, từ 80 - 100%. Và, tất nhiên, những người không tham gia BHYT vẫn sẽ phải chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng, nhiều người dân có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ phải bỏ dở quá trình điều trị.

Hiện nay, ngành Y tế đã và đang có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp những dịch vụ y tế tiến tới sự hài lòng của người bệnh. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng lên; điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dân khó có thể tránh khỏi nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Thực tế cho thấy, hiện nay, số người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư ngày càng nhiều, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân rất ít có cơ hội khám bệnh định kỳ. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình mình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.

An Nhiên

Các tin khác