Gia đình xã hội
Linh hoạt vận dụng cơ chế 'kéo' người dân đến trạm y tế
Trong chuyến thăm mới đây tại trạm y tế xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ vai trò quyết định của sự chủ động, quyết tâm, linh hoạt của địa phương trong việc củng cố, phát triển hệ thống y tế cơ sở để nâng cao chất lượng khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các cán bộ trạm y tế xã Điền Thắng Trung. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ y tế cơ sở, cũng như lãnh đạo ngành y tế Quảng Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nhiều câu hỏi về những vấn đề cụ thể đang đặt ra để khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm củng cố, phát triển hệ thống y tế cơ sở từ xây dựng cơ chế tài chính, giao thêm nhiệm vụ, công việc mới cho trạm y tế xã, vừa cải thiện thu nhập, vừa giúp cán bộ y tế xã được trau dồi chuyên môn.
“Trạm y tế được làm gì, phải làm gì, tài chính thế nào? Làm sao để tủ thuốc trạm y tế cũng nhiều như hiệu thuốc bên ngoài? Làm sao để mọi người dân đều được biết tình trạng sức khoẻ của mình, được khám định kỳ, phát hiện bệnh sớm, và tư vấn, chăm sóc, điều trị từ ban đầu?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai báo cáo, tỉnh Quảng Nam đã từng bước giao cho các trạm y tế thực hiện quản lý, chăm sóc, cấp phát thuốc cho bệnh nhân bị các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, một số bệnh lây nhiễm, triển khai mô hình y tế thôn, bản thực hiện định kỳ khám để nắm tình hình sức khoẻ của người dân trong thôn, có báo cáo về trạm… Sau khi tiếp nhận, triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tới 196/244 xã, ngành y tế Quảng Nam đã chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục triển khai các ứng dụng, hợp phần tiếp theo về quản lý chăm sóc sức khoẻ toàn dân…
Phó Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi làm thế nào để kéo người dân đến trạm y tế, không để tình trạng có trạm, có bác sĩ mà dân không đến? Ông Nguyễn Văn Hai cho biết, ngành y tế Quảng Nam không chỉ giao thêm việc cho Trạm y tế quản lý, cấp phát thuốc, khám định kỳ cho bệnh nhân mãn tính mà đang khẩn trương triển khai dự án hợp tác công-tư nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mở phòng khám tại trạm y tế xã như mô hình “trạm y tế hai trong một” vừa thực hiện chức năng trạm y tế phường, vừa là phòng khám đa khoa đã thực hiện thí điểm thành công ở Phường 11, Quận 3, TPHCM.
Đã làm việc 25 năm tại trạm y tế Điện Thắng Trung, Trạm trưởng Lê Tự Hồ cho biết trước khi có quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, người dân đến khám tại xã nhiều và thường xuyên. Ngoài thực hiện các chương trình mục tiêu, y tế dự phòng, cán bộ trạm y tế và các nhân viên y tế thôn thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình sức khoẻ của người dân, hộ gia đình tại địa bàn phụ trách, đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh mãn tính. Nhờ vậy nên khi có ca bệnh nặng hay xuất hiện dịch, ổ dịch thì Trạm y tế có thể chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả.
“Tuy nhiên từ khi có quy định thông tuyến khám, chữa bệnh, công việc của trạm chỉ là khám và cấp thuốc điều trị một số bệnh thông thường và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, y tế dự phòng”, ông Lê Tự Hồ chia sẻ.
Phó Thủ tướng hỏi Trạm trưởng Lê Tự Hồ, vậy ngoài những nhiệm vụ hiện nay, Trạm có thể thực hiện thêm việc quản lý tất cả các đối tượng bị bệnh mãn tính; khám, tư vấn sức khoẻ định kỳ cho người dân, cập nhật thông tin sức khoẻ của từng người dân trên địa bàn… Làm sao khi đọc tên bất cứ người dân nào thì trạm đều có thông tin về tình hình sức khoẻ của người đó?
“Nếu được giao thêm việc,chúng tôi cũng không nề hà nhưng cần có cơ chế rõ ràng. Trạm được làm những gì, quyền lợi, trách nhiệm đến đâu”, ông Lê Tự Hồ bày tỏ.
Cụ thể như về quản lý bệnh mãn tính, ông Hồ cho biết ngay tại xã Điện Thắng Trung, nhiều người dân rất muốn đến khám, lấy thuốc tại trạm cho thuận tiện nhưng lại vướng quy định danh mục khám chữa bệnh, thuốc được BHYT thanh toán tại trạm hiện nay. Nhiều bệnh hoàn toàn có thể chữa được ở trạm y tế xã nhưng người dân vẫn phải lên huyện.
“Chưa kể như cùng bệnh huyết áp nhưng Trạm y tế chỉ được cấp phát những loại thuốc rẻ tiền, trong khi bệnh viện tuyến trên lại cấp loại thuốc đắt hơn nên dẫn đến tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng của người dân", ông Lê Tự Hồ lấy ví dụ.
Còn đối với công tác khám định kỳ, tư vấn sức khoẻ cho người dân, ông Hồ khẳng định hoàn toàn nằm trong khả năng bởi đây là công việc trạm đã thực hiện lâu nay.
“Sau khi được tập huấn hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia có tích hợp các phần mềm quản lý sức khoẻ cá nhân thì việc cập nhật, quản lý hồ sơ sức khoẻ cho người dân chắc chắn sẽ được thực hiện bài bản, hệ thống hơn.
Khi từng người dân được theo dõi sức khỏe sát hơn, Trạm có thể tổ chức các đợt khám chuyên khoa về mắt, huyết áp hay tim mạch, xương khớp. Không chỉ là thêm việc, thêm thu nhập, nâng cao trình độ, chuyên môn mà người dân sẽ tin tưởng hơn, đến với trạm nhiều hơn”, ông Hồ tự tin nói và mong muốn về lâu dài người dân khi khám tại trạm hay khám tuyến trên không còn cảnh mỗi lần đi khám lại mua một cuốn sổ y bạ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với trạm trưởng trạm y tế xã Điền Thắng Trung Lê Tự Hồ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Vấn đề là chế độ, chính sách cho nhân viên y tế thôn hiện rất thấp và cần được cải thiện. Còn đối với cán bộ y tế Trạm thì không chỉ là thêm việc, thêm thu nhập mà cũng cần được tập huấn, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn”, ông Hồ nói.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch hiện chiếm 70% tổng chi phí y tế và đều có phác đồ điều trị ổn định nhưng bệnh nhân vẫn phải lên bệnh viện tuyến trên để lấy thuốc, khám định kỳ thay vì đến trạm y tế xã. Về cơ bản hệ thống trạm y tế được đầu tư khang trang nhưng do chính sách BHYT không chi cho việc phòng bệnh, rồi hạn mức chi thấp nên dù có máy móc, có bác sĩ nhưng người dân vẫn không đến. Để thay đổi tình trạng này, các địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng, vận dụng cơ chế phù hợp với điều kiện đặc thù nhằm phát huy vai trò y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, chủ động của Quảng Nam trong quá trình chuẩn bị triển khai kế hoạch thực hiện khám định kỳ, chăm sóc, tư vấn sức khoẻ ban đầu cho tất cả người dân trên địa bàn, trong đó đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân ngay trong năm 2017.
“Thực hiện khám định kỳ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, trước hết là những người có thẻ BHYT, cần được triển khai càng sớm càng tốt để mỗi người dân biết tình trạng sức khoẻ của mình, phát hiện bệnh sớm nếu có và được điều trị kịp thời. Điều này không chỉ giúp phát huy hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, giảm tải bệnh viện tuyến trên một cách vững chắc, tiến tới giảm chi phí y tế cho cả hệ thống mà còn là việc làm thiết thực thể hiện tinh thần tất cả vì người dân và định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong y tế nói riêng”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Quảng Nam phải chú trọng xây dựng cơ chế tài chính, mở rộng diện thanh toán thuốc, các dịch vụ thực hiện tại trạm y tế. Đặc biệt với việc tính lương vào giá dịch vụ y tế thì Quảng Nam cần chủ động có kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách dùng để trả lương cho cán bộ y tế vào hỗ trợ người dân mua BHYT đồng thời dành một phần kinh phí cho công tác khám chữa bệnh, theo dõi, chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn.
Nguồn: Chinhphu.vn