Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ xâm hại trẻ em bị phác giác khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Cùng với đó là những chia sẻ về nỗi đau bị xâm hại của những người nổi tiếng như doanh nhân Lê Hoài Anh, MC Phan Anh, ca sỹ Tiên Tiên… Vậy tại sao họ, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đến bây giờ mới dám nói ra sự thật?
Tại sao lại im lặng?
Như doanh nhân Lê Hoài Anh chia sẻ: “Tôi nói ra sự đau khổ của chính mình để giúp cho các bậc cha mẹ biết cách giáo dục để bảo vệ các em, ngăn chặn những hành vi tội ác xảy ra với con mình. Tôi mong muốn không có trẻ em nào bị xâm hại nữa, mong muốn những kẻ thủ ác mất nhân tính phải bị trừng trị nghiêm khắc để răn đe và trừng phạt những con thú đội lốt người này để trẻ em của chúng ta được sống yên ổn trong tình yêu thương chăm sóc của gia đình và xã hội”.
Ảnh minh họa |
Chị Hoài Anh cho biết, khi chị nói ra câu chuyện của mình, chị nhận được hơn 100 tin nhắn của những nạn nhân của nạn ấu dâm, 20 trường hợp xảy ra trong thời gian gần đây.
Chị Hoài Anh hay MC Phan Anh phải mất mấy chục năm mới dám nói ra sự thật, còn có những nạn nhân, gia đình nạn nhân sau khi sự việc xảy ra thì cả đời trốn tránh, không dám đối diện sự thật, thậm chí bỏ xứ mà đi. Họ chỉ biết chia sẻ giấu mặt với những người có cùng hoàn cảnh như mình. Tại sao lại như vậy?
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viên Nghiên cứu phát triển xã hội, có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân, gia đình nạn nhân, cộng đồng, thậm chí là các cơ quan chức năng im lặng trước những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Nguyên nhân sâu xa là từ nền văn hóa ngại nói về vấn đề tình dục, nhất là những câu chuyện liên quan đến hiếp dâm, ấu dâm. Nền văn hóa đòi hỏi người con gái còn trinh khi kết hôn nhưng lại im lặng trước vụ việc xâm hại. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi nếu nói ra, cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi hoàn toàn, cô bé (cậu bé) sẽ không có tương lai, gia đình phải chuyển đi nơi khác vì sợ đàm tiếu.
“Nếu xã hội vẫn còn đổi lỗi cho nạn nhân, đổ lỗi cho con gái ăn mặc hở hang, đi khuya, trẻ con dậy thì sớm hay bố mẹ không trông chừng con thì sự im lặng sẽ kéo dài mãi”, TS Khuất Thu Hồng nói.
Đồng quan điểm với TS Khuất Thu Hồng, Ths. Hà Minh Loan, chuyên gia tâm lý gia đình lý giải nguyên nhân nạn nhân, gia đình nạn nhân im lặng là do nỗi đau quá lớn.
“Chúng ta lên tiếng đòi công bằng, nhưng chúng ta đã phải trải qua nỗi đau ấy? Liệu có mấy người có thể chia sẻ nỗi đau của người bị hại và gia đình họ. Có người bố hơn 27 năm đi tìm công lý cho con trai 4 tuổi chết vì bị hãm hiếp. Sau 27 năm, khi người bố 74 tuổi, kẻ gây ra tội ác 76 tuổi thì công lý mới được thực thi. Vậy 27 năm đó, người bố sống thế nào, nỗi đau ấy ai có thể hiểu”, Ths. Hà Minh Loan chia sẻ.
Theo Ths. Hà Minh Loan, sự lên tiếng là luôn cần thiết, nhưng cần có những chương trình hỗ trợ cho người bị hại để sau khi họ lên tiếng cuộc sống tương lai của họ không đảm bảo, không quá “khủng khiếp”.
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều vụ xâm hại trẻ em bị “chìm” là do những lổ hổng trong luật pháp. Theo Luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự, trong Bộ luật Hình sự hiện hành có nhiều quy định liên quan đến ấu dâm nhưng hình phạt thấp, trọng chứng hơn trọng cung (khi xác định tội danh cần những dấu vết trên thân thể tuy nhiên hành vi dâm ô thường lại không để lại dấu vết). Đây là một vấn đề thực tế khiến nạn nhân và gia đình nạn nhân khó kêu cứu.
Tại nước ta, tội dâm ô nếu không để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân thì cần có nhân chứng đối chứng hiện trường. Nhưng những vụ việc dâm ô thường xảy ra tại những nơi vắng người, thiếu chứng cứ. Gia đình phát hiện con bị xâm hại nhưng nếu không có chứng cứ thì khó có thể tố giác. Bộ luật Hình sự chỉ mới quy định, tội dâm ô là có tiếp xúc với bộ phận sinh dục, còn thiếu những hành vi cụ thể. Ở nhiều nước, chỉ cần gợi ý tình dục, dụ dỗ cho xem tranh, ảnh, truyện khiêu dâm đều đã cấu thành tội dâm ô trẻ em khi có chứng cứ. Pháp luật hình sự Việt Nam đang có khoảng trống chưa bảo vệ trẻ em trong trường hợp như vậy. Đến khi trẻ bị xâm hại thực sự thì đã quá nguy hiểm.
Đã đến lúc phải lên tiếng!
Một làn sóng “căm phẫn” những con tên yêu râu xanh xâm hại trẻ em đang dấy lên trong cộng đồng mạng. Đã có những ông bố, bà mẹ dũng cảm đứng lên, công khai đấu tranh để bảo vệ con gái mình và những bé gái khác khỏi nạn ấu dâm. Nhưng vẫn còn đâu đó sự thờ ơ của một bộ phận cộng đồng, của một số cơ quan chức năng khi còn đỗ lỗi cho nạn nhân hay để những vụ xâm hại kéo dài quá lâu không được đưa ra xét xử, làm tăng thêm nỗi đau cho gia đình nạn nhân, khiến họ thiếu niềm tin vào công lý.
Vậy làm thế nào để có thêm nhiều tiếng nói ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em?
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên kêu gọi các cá nhân có uy tín trong cộng đồng, các nhà hoạt động xã hội, các nghệ sĩ, hãy bằng ảnh hưởng của mình, lên tiếng ủng hộ chúng tôi chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân hãy cùng lên tiếng, tố cáo khi chứng kiến vụ việc.
“Chúng ta phải đợi đến khi nào mới lên tiếng. Đợi đến khi càng có thêm nhiều trẻ em bị xâm hại, lúc đó mới lên tiếng thì đã quá muộn. Chúng ta không lên tiếng thì còn những tên yêu râu xanh còn nhởn nhơ, coi thường pháp luật. Nếu chúng ta không lên tiếng, nạn nhân tiếp theo có thể là chính mình và những người thân yêu trong gia đình mình”, bà Nguyễn Vân Anh nói.
Còn theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, chuyên gia về luật dân sự, bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng chung sức, cũng cần tạo một môi trường để chính trẻ em có thể lên tiếng.
Theo Luật sư Truyền, chúng ta đã làm rất tốt việc tuyên truyền an toàn giao thông cho trẻ em. Vì thế, chúng ta sẽ không thiếu cách để đưa việc giáo dục quyền bất khả xâm phạm thân thể vào trường học ngay từ cấp một. Làm thế nào để các em hiểu được về quyền lợi của mình và phải làm gì khi quyền của mình bị xâm phạm. Chúng ta cần cơ chế, môi trường để trẻ em được nói lên quyền của mình, những vụ việc xảy ra với mình. Như vậy có thể sẽ giảm bớt những vụ việc đau lòng.
.