Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm: 1- Khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế; 2- Sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; 3- Sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; 4- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim; 5- Thi công công trình xây dựng; 6- Đóng và sửa chữa tàu biển; 7- Sản xuất, truyền tải và phân phối điện; 8- Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; 9- Sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày; 10- Tái chế phế liệu; 11- Vệ sinh môi trường.
Ảnh minh họa |
Thông tư nêu rõ, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì người sử dụng lao động áp dụng bắt buộc việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.
Căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động xác định nội dung, quyết định hình thức, tổ chức hướng dẫn cho người lao động thực hiện các nội dung sau: 1- Nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; 2- Áp dụng các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; 3- Phát hiện và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm về nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.