Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201510/cham-soc-tre-tang-dong-dung-de-qua-muon--640173/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201510/cham-soc-tre-tang-dong-dung-de-qua-muon--640173/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chăm sóc trẻ tăng động: Đừng để quá muộn ! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/10/2015, 10:17 [GMT+7]

Chăm sóc trẻ tăng động: Đừng để quá muộn !

(Congannghean.vn)-Việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ vốn đã vất vả thì với trẻ tăng động lại thêm phần khó khăn. Do có những đặc thù riêng nên việc chăm sóc trẻ bị tăng động đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của phụ huynh, giáo viên hướng dẫn, giảng dạy trong xây dựng mô hình, phương án để các em sớm trở lại bình thường, hòa nhập cộng đồng và học tập tốt. Yêu cầu chăm sóc trẻ tăng động càng bức thiết hơn khi số lượng trẻ tăng động không ngừng tăng lên, trong khi nhận thức của người dân về chứng bệnh này còn nhiều hạn chế.

Các cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chăm sóc trẻ theo chương trình, mô hình giáo dục đặc biệt
Các cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chăm sóc trẻ theo chương trình, mô hình giáo dục đặc biệt

Nguyễn Văn Vũ (huyện Quỳnh Lưu) sinh ra trong gia đình khá giả, có điều kiện về kinh tế. Phải 7 năm trời chạy chữa khắp nơi, bố mẹ mới sinh được em nên gia đình ai cũng yêu chiều và đáp ứng mọi sở thích, nguyện vọng của Vũ. Vốn nghịch ngợm lại được chiều chuộng nên Vũ rất hiếu động. Đi học, các cô giáo cũng không thể ép Vũ vào khuôn khổ.

Tuy nhiên, nghĩ rằng bản tính của em vốn tinh nghịch nên gia đình cũng không lưu tâm. Mãi đến hôm khai giảng vào lớp 1, trong khi các bạn tập trung trong lớp để chuẩn bị cho tiết học đầu tiên thì một mình Vũ chạy khắp các lớp học. Các thầy cô giáo và bảo vệ nhà trường đã kiên trì khuyên nhủ nhưng dường như vẫn không có tác dụng.

Chỉ đến khi thầy cô giáo từ chối tiếp nhận Vũ vào học vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp thì bố mẹ Vũ mới đưa em đến các trung tâm để được tư vấn và khám chữa bệnh. Tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, Vũ được các bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng tăng động, giảm tập trung.

Ở đây, Vũ không phải là trường hợp duy nhất mắc hội chứng này. Theo bác sĩ Tôn Thị Trí, cán bộ, giáo viên Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, trong những năm trở lại đây, số trẻ được phát hiện bị tăng động, giảm tập trung ngày càng nhiều. Thực tế, bệnh tăng động ở trẻ vào thời điểm đầu rất khó phát hiện, chỉ sau một thời gian mới có biểu hiện rõ rệt. Vì vậy, việc các bậc phụ huynh nhầm lẫn giữa trẻ bị tăng động, giảm tập trung với trẻ hiếu động là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên, hai hiện tượng này hoàn toàn khác nhau về bản chất. Trong khi trẻ hiếu động thể hiện sự khỏe mạnh, ổn định về thể chất và có khả năng tiếp thu tốt thì trẻ bị tăng động lại hành động theo ý thức cá nhân và gần như không quan tâm đến các sự việc, môi trường xung quanh. Vì thế, khả năng tiếp thu của trẻ tăng động cũng kém hơn.

Ngoài yếu tố di truyền, bị tổn thương sau sinh, môi trường sống cũng là yếu tố tác động tới việc hình thành hội chứng này ở trẻ. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ, môi trường bị tác động bởi bạo lực gia đình cũng khiến nguy cơ mắc hội chứng này ở trẻ cao hơn.

Trẻ bị hội chứng tăng động, giảm tập trung thường có các biểu hiện điển hình như: Khó có sự tập trung cao vào các chi tiết hoặc thường mắc lỗi cẩu thả khi làm bài ở trường hay trong các hoạt động khác; thường không theo dõi các hướng dẫn và không làm hết bài tập ở trường, các việc vặt hoặc những nhiệm vụ khác ở nơi làm việc (không phải hành vi chống đối hoặc không hiểu được những lời hướng dẫn); dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài, hay cựa quậy tay, chân hoặc cả người khi ngồi; thường "luôn tay luôn chân" hoặc hành động như thể được "gắn động cơ"; thường đưa ra câu trả lời trước khi người khác đặt xong câu hỏi; thường rời khỏi ghế trong lớp học hoặc trong những trường hợp cần ngồi ở chỗ cố định...

Nếu các triệu chứng này tái diễn trong thời gian dài mà không được can thiệp kịp thời, sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của trẻ và lâu dần, trẻ không thể tập trung và làm hiệu quả bất cứ một việc gì. Do nhận thức của phụ huynh về hội chứng này còn hạn chế nên nhiều bậc phụ huynh vô tình để trẻ mắc bệnh trong thời gian dài rồi mới đến các trung tâm để được tư vấn, hướng dẫn.

Hầu hết khi mới chớm bệnh, đa số trẻ chỉ có biểu hiện hấp tấp và thiếu tập trung ở một số thời điểm; còn về ngoại hình, tính cách, khả năng hiểu biết thì không thua kém nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. “Ở Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, đã có những trẻ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên bệnh đã thuyên giảm. Nhiều cháu có kết quả học tập tốt và được nhà trường, thầy cô ghi nhận”, cô Trí cho biết thêm.

Việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ bị tăng động, giảm tập trung đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả giáo viên và các bậc phụ huynh. Vì trẻ hoạt động liên tục trong ngày nên việc để ý, theo dõi và hướng dẫn trẻ tập trung vào một sự việc, việc làm cụ thể không phải là chuyện đơn giản.

Ở những trẻ bị tăng động, ngoài việc phải học tập theo mô hình thì ở nhà, bố mẹ phải kết hợp vật lý trị liệu theo mô hình giáo dục đặc biệt. Khả năng giao tiếp ở những trẻ này cũng thường kém hơn, việc diễn đạt, trao đổi với người khác gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, ngoài một số nguyên nhân khó can thiệp như hội chứng sau sinh thì việc xây dựng không khí gia đình vui vẻ, có sự gắn kết giữa các thành viên là yếu tố cơ bản, quan trọng góp phần hình thành tính cách, nhân cách tốt ở trẻ. Đồng thời, đây cũng là biện pháp hữu hiệu giúp tránh được bệnh tăng động ở trẻ.

.

Mai Hậu

.