Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201504/hai-chi-em-duoc-phong-tang-anh-hung-lao-dong-trong-mot-ngay-598370/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201504/hai-chi-em-duoc-phong-tang-anh-hung-lao-dong-trong-mot-ngay-598370/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hai chị em được phong tặng Anh hùng lao động trong một ngày - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 03/04/2015, 07:58 [GMT+7]

Hai chị em được phong tặng Anh hùng lao động trong một ngày

(Congannghean.vn)-Với những thành tích xuất sắc trong chiến trận cũng như trên “mặt trận” kinh tế trong thời bình, hai chị em ruột cùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong cùng một ngày. Họ là hai chị em Hoàng Thị Liên và Hoàng Thị Tuất, quê ở xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương. 
 
Từ nữ anh hùng trên ngã ba Bến Thủy…
 
Căn gác tầng 2, nơi bà Hoàng Thị Liên (SN 1933), nguyên Giám đốc Cửa hàng ăn uống phục vụ Bến Thủy đang sinh sống hiện tại, không có gì đáng giá ngoài những tấm huân, huy chương và hàng trăm bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời bà trên hai “trận tuyến”: Chiến đấu với giặc Mỹ trong thời chiến và xây dựng kinh tế giữa thời bình. Dù đã 81 tuổi nhưng bà Liên vẫn rất minh mẫn. Cùng với em gái của mình là bà Hoàng Thị Tuất, nguyên Giám đốc Nông trường cà phê Đắk Min (tỉnh Đắk Lắk), họ là tấm gương điển hình cho người phụ nữ Việt Nam trên khắp các mặt trận, khi vừa chiến đấu kiên cường vừa sản xuất, kinh doanh giỏi. Cả hai người cùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong một ngày.
Bà Liên và bà Tuất (trái) trong ngày được phong tặng Anh hùng Lao động
Bà Liên và bà Tuất (trái) trong ngày được phong tặng Anh hùng Lao động
Hai chị em bà Liên và bà Tuất sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, từ nhỏ đã phải đi ở cho người khác. Năm 1958, bà Liên làm trưởng Cửa hàng ăn uống dịch vụ Bến Thủy trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề, địch thường xuyên bắn phá. Là người chịu trách nhiệm chăm lo bữa ăn của hàng trăm chiến sỹ, bà Liên phải chấp nhận gửi con nhỏ về quê. Còn bà vẫn ngày qua ngày miệt mài đạp xe, hết lên Hưng Nguyên, Nam Đàn mua rau rồi lại về Cửa Hội mua mắm muối, bất kể mưa bom bão đạn.
 
Được giao phụ trách 10 cửa hàng phục vụ ăn uống, những lúc thiếu nguồn cung cấp thực phẩm, bà sáng tạo ra cách làm phở bù, phở lạc để bộ đội dễ ăn. Có khi bà còn làm bún từ ngô, gói bánh chưng, xay lạc làm bánh rán để các anh đỡ đói trong lúc hành quân qua phà. Ngoài ra, bà còn tìm cách nuôi trâu, bò, lợn, gà, cá để tăng gia sản xuất. Bà Liên cũng chính là người đã biến Cửa hàng ăn uống Bến Thủy “nửa tranh, nửa ngói” thành khách sạn 3 tầng, là một trong 2 công trình đầu tiên ở Thị xã Vinh lúc bấy giờ.
 
Sau cuộc chiến tranh phá hoại, ngã ba Bến Thủy có 9 tập thể, 7 cá nhân được Đảng, Quốc hội, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Riêng tập thể phà Bến Thủy được 2 lần phong đơn vị Anh hùng và 2 cá nhân Anh hùng, trong đó có bà Hoàng Thị Liên - người phụ trách Cửa hàng ăn uống Bến Thủy suốt 8 năm bám trọng điểm.
 
... Đến cô gái xứ Nghệ giữa nắng gió Tây Nguyên
 
Trong khi đó, bà Tuất từ sớm đã tình nguyện xung phong đi bộ đội, sau đó tham gia xây dựng kinh tế mới tại Nông trường 19/5 Nghĩa Đàn. Khi Bộ Nông nghiệp có chủ trương xây dựng kinh tế mới tại Nông trường cà phê Đắk Min, bà Tuất tiếp tục tiên phong đi đầu. Tại đây, người con gái xứ Nghệ can trường đã khắc phục mọi khó khăn để vực dậy nông trường cà phê, không chỉ sản xuất giỏi, người phụ nữ này còn vượt núi, băng rừng vận động bà con Ê Đê tham gia sản xuất tại nông trường.
 
Bản thân bà liên tục cải tiến phương thức sản xuất, góp phần giúp sản lượng của đơn vị tăng gấp đôi, gấp ba theo từng mùa. Đặc biệt, bà là người đưa ra sáng kiến cho trâu đi trước để rà mìn, công nhân đi sau vừa thu hoạch vừa mở rộng vùng sản xuất. Nhờ sáng kiến này, diện tích sản xuất được mở rộng, thương vong về người cũng giảm rất nhiều. 17 năm liền, bà là chiến sỹ thi đua quyết thắng. Năm 1985, Đội sản xuất số 3 do bà làm Đội trưởng vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng năm này, năng suất cà phê của nông trường tăng gấp 10 lần so với năm 1980. Với những đóng góp của mình, bà được tin tưởng giao giữ chức Giám đốc Nông trường. 
 
Tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc, trong số 99 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hai chị em bà Hoàng Thị Liên và Hoàng Thị Tuất cùng được phong tặng danh hiệu cao quý này. Bà Liên lúc bấy giờ là đại diện duy nhất của ngành thương nghiệp - Giám đốc Cửa hàng ăn uống phục vụ Bến Thủy, còn bà Tuất là Giám đốc Nông trường cà phê Đắk Min. Việc cả hai chị em cùng được phong tặng danh hiệu cao quý này trong một ngày, ở cùng một kỳ đại hội tuyên dương đã khiến nhiều người bất ngờ, cảm phục.
 
Từ sau khi được tuyên dương, bà Liên tiếp tục tham gia công tác, đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Hai năm sau đó, bà tiếp tục “dấn thân” vào thương trường, thành lập Công ty TNHH Liên Hồng, là một trong 34 đơn vị mới thành lập trong thời kỳ đổi mới, ngành nghề kinh doanh là chuyên phân phối hàng nhu yếu phẩm đến tận tay người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Không chịu thua kém người chị cả, bà Tuất, với cương vị Giám đốc, trong nhiều năm sau đó cũng đã đưa hoạt động của Nông trường cà phê Đắk Min trở thành đơn vị kinh tế dẫn đầu của tỉnh Đắk Lắk, được Đảng và Nhà nước ghi nhận với nhiều thành tích cao quý.
 
Hiện, cả hai chị em bà Hoàng Thị Liên và Hoàng Thị Tuất đã nghỉ hưu, an dưỡng tuổi già bên con cháu. Bà Liên sống với vợ chồng người con trai cả trong căn gác nhỏ ở đường Lê Duẩn, TP Vinh. Còn bà Tuất đang định cư tại Tây Nguyên, mảnh đất bà xem như quê hương thứ hai của mình. Lâu lắm rồi, hai chị em chưa có dịp hội ngộ, kể từ sau lần gặp nhau giữa thủ đô nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.
.

Thiện Thành

.