Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201503/kham-suc-khoe-dinh-ky-dung-nen-xem-nhe-593670/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201503/kham-suc-khoe-dinh-ky-dung-nen-xem-nhe-593670/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khám sức khỏe định kỳ: Đừng nên xem nhẹ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 16/03/2015, 08:32 [GMT+7]

Khám sức khỏe định kỳ: Đừng nên xem nhẹ

(Congannghean.vn)-Ông cha ta đã đúc kết: “Có sức khỏe là có tất cả”, thế nhưng, không phải ai cũng biết cách giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Hiện nay, với sự phát triển, tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thăm khám sức khỏe định kỳ có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát, phòng tránh nhiều căn bệnh nguy hiểm ngay từ sớm.
 
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
 
Nhìn kết quả xét nghiệm mức đường trong máu lên đến 22 mmol/l (chuẩn bình thường là dưới 7 mmol/l), bà Nguyễn Thị Phương trú tại phường Hưng Phúc, TP Vinh dường như không tin vào mắt mình. Từ khi về hưu, lo bận bịu con cháu, chăm sóc vườn tược, nhà cửa nên bà không có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân. Mấy lần, các con giục bà đi khám định kỳ hàng năm thì bà đều gạt đi. Không rượu bia, ăn uống bình thường thì làm thế nào mà bị bệnh được?! Thế nên, nhiều năm qua, bà từ chối các đợt khám bệnh theo chế độ bảo hiểm xã hội vì sợ phiền và mất thời gian.
 
Chỉ đến thời điểm sau Tết Nguyên đán, đang lúc rảnh rỗi, lại thấy người hơi mệt nên bà quyết định đến Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh để làm các xét nghiệm. Do phát hiện muộn nên bà phải uống thuốc và thực hiện kiêng khem nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ. Giờ mang bệnh, bà chỉ biết trách mình đã không thăm khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện và điều trị sớm hơn.
 
May mắn hơn bà Phương, anh Trần Hưng trú tại Hưng Lộc, TP Vinh lại phát hiện sớm bệnh nhờ đợt khám sức khỏe định kỳ. Công tác tại một cơ quan cấp tỉnh, anh Hưng đã chủ động tham gia khám sức khỏe hàng năm tại bệnh viện. Mỗi lần như vậy, anh đều tuân thủ quy trình khám và không bỏ sót công đoạn nào. Năm 2014, khi đi khám sức khỏe, qua siêu âm, anh phát hiện mình bị một khối u ở thận. Do phát hiện sớm nên anh đã được phẫu thuật kịp thời và có thể đi làm bình thường trở lại…
 
Trong nhiều năm gần đây, việc khám sức khỏe định kỳ đã không còn xa lạ với người lao động và được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Theo Thông tư 14 của Bộ Y tế, hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Nội dung khám tối thiểu bao gồm: Khám tổng quát (đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, khám tổng quát nội, ngoại…), chụp X-quang phổi, các xét nghiệm công thức máu về đường huyết, nước tiểu. Đây là những yêu cầu khám tối thiểu mà các đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện.
 
Bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh khám sức khỏe cho bệnh nhân
Bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh khám sức khỏe cho bệnh nhân
 
Ngoài ra, nếu có yêu cầu cao hơn thì sẽ tiến hành xét nghiệm về viêm gan, ung thư, các xét nghiệm về gan, thận và chuyển hóa mỡ. Việc thăm khám giúp người sử dụng lao động đánh giá xem người lao động có đủ sức khỏe để thực hiện công việc mình đang làm hay không, từ đó có hướng điều chỉnh thích hợp. Việc phát hiện sớm cũng là cơ sở để người lao động và cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu có điều kiện kiểm soát và chữa trị kịp thời nhiều căn bệnh nặng và nan y.
 
Quyền lợi hay điều kiện, sự bắt buộc
 
Tại Nghệ An, trên thực tế, vẫn còn khá nhiều các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động chưa coi trọng việc thăm khám định kỳ sức khỏe. Họ xem đây là một điều kiện, sự bắt buộc để được làm việc hơn là việc làm để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Sự đánh giá chưa đúng về việc khám sức khoẻ định kỳ đã phần nào giảm đi ý nghĩa cũng như hiệu quả tích cực của nó. Với tư tưởng đối phó, một số đơn vị chỉ để người lao động thực hiện qua loa các loại thăm khám tối thiểu. Do vậy, bác sĩ chỉ có thể phát hiện những bệnh đơn giản và ít nghiêm trọng. Bên cạnh đó, khám định kỳ chỉ được hiểu là tầm soát, phòng bệnh. Ngoài các xét nghiệm thông thường, người lao động muốn tiến hành các xét nghiệm khác thì phải tự chi trả chi phí. Điều này khiến nhiều lao động ngại ngần, chỉ muốn khám cho qua chuyện, đến khi nào có bệnh thì mới đi điều trị.
 
Thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ chiến sỹ. Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh cho biết: Ngoài việc khám, điều trị thường xuyên cho CBCS, Bệnh viện còn tổ chức khám định kỳ trong toàn lực lượng. Theo quy định, cán bộ lãnh đạo Công an tỉnh sẽ do đội ngũ y bác sĩ trực thuộc Bệnh viện 198 thăm khám hàng năm. Riêng lãnh đạo các cấp từ trưởng, phó phòng trở lên và tương đương, các đồng chí có cấp bậc hàm từ Thượng tá trở lên sẽ khám mỗi năm 1 lần. Còn các CBCS sẽ khám định kỳ theo chế độ 2 năm/lần.
 
Theo đó, Bệnh viện đã tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho 2.124 đồng chí lãnh đạo; việc thăm khám cho các đồng chí có cấp bậc hàm từ Thượng tá trở lên ở các đơn vị phòng, ban Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã và CBCS, công nhân viên Công an 17 huyện, 2 thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2014 đạt tỉ lệ 75%/năm. Nhờ được trang bị nhiều phương tiện hiện đại nên Bệnh viện có thể phát hiện sớm các triệu chứng bất thường (nếu có) của CBCS, từ đó tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh phân công công việc phù hợp với tình hình sức khỏe của mỗi người…
 
Bác sĩ Trần Đình Nhường, Phó Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng năm, Ban tiến hành khám định kỳ khoảng 1.800 lượt cán bộ lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu. Trước khi khám định kỳ, Ban sẽ gửi giấy mời để các đồng chí có điều kiện sắp xếp thời gian đến thăm khám. Ngoài ra, Ban cũng tiến hành khám cho cán bộ có thẻ bảo hiểm, trung bình 60 người/ngày. Theo bác sĩ, ý thức của người dân về khám định kỳ là rất quan trọng. Bởi nếu xem đây là quyền lợi sát sườn thì họ sẽ chủ động, tích cực thực hiện các xét nghiệm căn bản và cao hơn nếu cần, đồng thời là tài liệu về sức khoẻ quan trọng để theo dõi hàng năm. Tuy nhiên, nếu giữ thái độ đối phó cho qua chuyện thì người lao động sẽ tự đánh mất quyền lợi và cơ hội tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
 
.

Mai Hậu