Gia đình xã hội
Giải quyết vấn đề ma túy trong vùng dân tộc thiểu số
09:22, 17/03/2015 (GMT+7)
Trong khuôn khổ phiên trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã đề cập đến việc giải quyết vấn đề ma túy trong vùng dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định công tác phòng, chống tệ nạn ma túy luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tập trung, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chỉ đạo các tỉnh, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng chống tệ nạn ma túy. Tuy nhiên vấn đề này hiện nay vẫn đang rất phức tạp.
Tuyên truyền phòng, chống ma túy cho bà con dân tộc vùng biên |
20% tội phạm ma túy là dân tộc thiểu số
Vùng miền núi Nghệ An có 10 huyện, chiếm 77% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, tiếp giáp phía Bắc là các huyện miền tỉnh Thanh Hóa, phía Tây là 3 tỉnh của nước bạn Lào (Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay và Hủa Phăn), phía Nam giáp các huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh. Dân số 10 huyện miền núi ở Nghệ An có 1,2 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là hơn 40 vạn người.
Một số đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An bị các đối tượng lôi kéo hoạt động phạm tội về ma túy. Đặc biệt là người Mông với lối sống du canh du cư, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nghèo, sự hiểu biết về pháp luật hạn chế nên rất dễ bị các đối tượng phạm tội ma túy lôi kéo đi vận chuyển thuê ma túy cho chúng.
Các tổ chức tội phạm về ma túy đã hình thành nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Tam giác vàng qua Lào vào Nghệ An. Chúng thường thu gom ma túy ở làng Mom, huyện Tộn Phậng, tỉnh Bò Kèo (Lào), vì làng này có nhiều người qua lại quen biết và thân thiết với người Myanmar ở Tam giác vàng nên việc mua gom ma túy rất dễ dàng.
Đồng thời, chúng thiết lập nhiều điểm tập kết ma túy ở các bản thuộc khu vực biên giới thuộc các tỉnh Xiêng Khoẳng, Bôlykhămxay và Hủa Phăn trên đất nước Lào sát biên giới với tỉnh Nghệ An. Các đối tượng thường thuê người dân tộc Mông ở hai bên biên giới có quan hệ anh em họ hàng, dòng tộc với người Lào và thông thuộc địa hình rừng núi để vận chuyển ma túy vào tỉnh Nghệ An. Chúng dùng thủ đoạn thuê nhiều người, mỗi người mang một lượng nhỏ từ 1 đến 2 bánh heroin và vận chuyển theo đường mòn. Với tổ chức chặt chẽ, hình thành các đường dây khép kín, chia cắt công đoạn từ tàng trữ, vận chuyển, mua bán đến khâu tiêu thụ, việc mua bán ma túy gắn liền buôn bán vũ khí quân dụng. Nếu mua một cặp heroin, chúng cho thêm một khấu súng K54 và 6 viên đạn.
Trên địa bàn cũng hình thành một số đường dây tội phạm ma túy do người dân tộc thiểu số thực hiện với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và manh động. Để đối phó với lực lượng chứng năng, chúng sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả khi bị phát hiện bắt giữ. Một số điểm nóng về ma túy tại khu vực biên giới thuộc các xã Lượng Minh, Thạch Giám (huyện Tương Dương); tại các xã Mường Nọc, Tri Lễ (huyện Quế Phong)…một số đối tượng người Lào cấu kết với số đối tượng trốn truy nã về tội ma túy và một số người người dân tộc được trang bị vũ khí nóng dựng lều lán để tổ chức mua bán ma túy suốt ngày đêm gây bức xúc cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Nghệ An, trong 10 năm qua, lực lượng chức năng đã khởi tổ 7.903 vụ, bắt 12.426 đối tượng, trong đó có 971 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 7,81%.
Không chỉ tại tỉnh Nghệ An, mà tại các vùng dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn này cũng bị cản trở do đường biên giới dài, địa hình đồi núi hiểm trở, hẻo lánh, có nhiều đường mòn... như Hang Kia, Pà Cò ở Mai Châu, Loong Luông ở Vân Hồ, Lóng Sập ở Mộc Châu hoặc các địa danh khác như Na Ư - Điện Biên, Quế Lâm, Nghệ An cũng là những điểm nóng về ma túy.
Theo số liệu của Bộ Công an, tội phạm ma túy chiếm tới 34% tội phạm cả nước. Trong đó có người dân tộc Kinh phạm tội chiếm tới 80%, số đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20% (đồng bào H’mong chiếm 5,32%).
Tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng. Hiện số người nghiện ở nước ta còn rất lớn, lên tới 204.337 người, trong đó 79,33% người nghiện là dân tộc Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc. Khoảng 70% số xã, phường đang có người nghiện cần phải được tập trung để giải quyết. Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, người nghiện tập trung đông ở các tỉnh biên giới như Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La.
Tăng cường tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số
Một trong những nguyên nhân dẫn tới vấn đề ma túy tại vùng dân tộc thiểu số sinh sống phức tạp là vì Việt Nam ở giáp khu vực tam giác vàng. Đây là trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 trên thế giới và thứ nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó là Trung Quốc, cũng là trung tâm có rất nhiều ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Vì thế, các loại ma túy chuyển qua Việt Nam, từ Việt Nam chuyển sang các nước khác rất phức tạp. Lợi nhuận từ buôn bán trái phép ma túy mang lại cũng là một trong những lý do làm mờ mắt các đối tượng.
Nguyên nhân quan trọng nữa do đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn nên dễ bị lợi dụng, lôi kéo trình độ dân trí của bà con còn kém giao thông vùng miền núi dân tộc hiểm trở, đi lại khó khăn công tác tuần tra cũng gặp nhiều trở ngại do đường biên giới dài, địa hình phức tạp…
Do đó, công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy cần được chú trọng, Các đơn vị chức năng cần biên soạn tài liệu dễ đọc, dễ nhớ , phù hợp với đặc điểm tâm lý của bà con người dân tộc thiểu số và nhân dân miền núi, đồng thời cử những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và biết tiếng dân tộc để làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân khu vực miền núi, biên giới về phòng chống ma túy. Trên cơ sở đó, phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa phát hiện và tố giác tội phạm ma túy.
Tổ chức tuyên truyền vận động bà con người dân tộc thiểu số và nhân dân ở vùng miền núi ngăn chặn có hiệu quả việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy. Tuyên truyền giáo dục, thuyết phục các đối tượng phạm tội ma túy từ bỏ con đường lầm lỗi.
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ chặn đứng các vụ xâm nhập biên giới để buôn bán ma túy, theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công An, một biện pháp quan trọng khác, đó là thực hiện tốt các dự án, kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các dự án về phổ biến khoa học kỹ thuật, hỗ trợ chuyên canh, chống di dân tự do nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân ở vùng núi.
Nguồn: Chinhphu.vn