Gia đình xã hội
Trông người lại ngẫm đến ta!
09:31, 10/02/2015 (GMT+7)
Trong khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu ở Việt Nam đang gây tranh luận chưa thể đến hồi kết thì mới đây, tại Singapore đã ban hành việc cấm mua bán và uống bia rượu nơi công cộng từ 22h30 - 7h. Theo dự báo ở Việt Nam, năm 2015 lượng bia tiêu thụ sẽ tăng lên 4,5 tỷ lít, trong khi 60% số tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu.
Đạo luật cấm mua bán và uống bia rượu nơi công cộng từ 22h30 - 7h của Singapore trước khi thông qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của 80% người dân ở quốc đảo Sư tử. Điều này nói lên rằng, trước khi được thông qua chính quyền và người dân nơi đây đã nhìn nhận một cách rõ ràng, nghiêm túc vấn đề tác hại của bia rượu.
Không chỉ ở Singapore, hiện trên thế giới đã có 168 quốc gia có quy định thời gian cấm bia rượu, đa số là từ 20h hoặc 22h đến 6h hoặc 8h ngày hôm sau. Điển hình như Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm bán rượu tại siêu thị và các góc của cửa hàng từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền. Tại Nauy, bia rượu cũng được bán vào những khoảng thời gian nhất định. Thời gian này có thể thay đổi từ địa điểm này đến địa điểm khác nhưng không muộn hơn 20h vào các ngày thường và 18h ngày thứ bảy và các ngày lễ…. Tại các quốc gia này, hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định, tỷ lệ sử dụng bia, rượu có xu hướng giảm dần.
Tại nhiều nước, việc quy định nồng độ cồn thấp đối với lái xe cũng giảm được khoảng 20% tai nạn liên quan đến bia rượu. Điển hình như ở Nhật Bản năm 2002, giảm nồng độ cồn trong máu từ 50mg/dl xuống 30mg/dl thì tử vong tai nạn giao thông giảm 35%....
Điều này cho thấy từ các nhà lãnh đạo đến mỗi người dân của nhiều nước trên thế giới đều đã ý thức được rất nhiều tác hại của bia rượu đối với sức khỏe của con người và sự an toàn của xã hội.
Trở lại nước ta, chúng ta đã có quy định không được bán rượu trong các quán karaoke, vũ trường sau 24h nhằm đảm bảo an ninh, trật tự... Nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000đ... Tuy nhiên, đến nay, những quy định như thế này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống...
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, trên thực tế, trong năm 2014, một số tổ chức quốc tế đã phong “danh hiệu” mà chắc chẳng ai trong mỗi người Việt Nam muốn thừa nhận. Đó là“quán quân” trong khu vực Đông Nam Á về uống bia dẫn đến 60% số vụ tai nạn giao thông do rượu bia.
Điều đáng buồn là trong khi người Việt Nam tự hào vì luôn nằm trong “top” đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới với khoảng 6,61 triệu tấn gạo/năm, trị giá 2,95 tỉ USD thì cả nước lại “nướng” vào bia đúng con số 3 tỉ USD trong năm 2013, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản, đứng hàng thứ 50 trên thế giới. Như vậy, chỉ sau một thập niên, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng gần 200%.
Điều đáng “đau lòng” nữa là những con số không dừng ở lại ở đó, bởi theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60 đến 70 lít bia/người/năm.
Trên thực tế, việc uống bia rượu tràn lan và không kiểm soát ở nước ta trong những năm gần đây đã gây rất nhiều hệ lụy và mang lại những con số “giật mình”. Theo số liệu thống kê mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI) thì có tới 60% số vụ bạo hành gia đình có nguyên nhân trực tiếp từ rượu, bia. Còn theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 60% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu bia.
Có thể nói, sự lạm dụng rượu bia quá mức đã và đang trở thành vấn đề đáng báo động, là sự quan ngại cho toàn xã hội. Thậm chí có ý kiến cho rằng rượu bia và các đồ uống có cồn gây nghiện đang là “thủ phạm” chính của những “rắc rối” làm mất an toàn trong xã hội hiện nay.
Hậu quả này là một nghịch lý khi mà các nước khác thì đang dùng mọi biện pháp để hạn chế bia rượu thì “xu hướng” phát triển sản xuất bia rượu của nước ta đang là một xu hướng tất yếu.
Trở lại vấn đề ban hành đạo luật cấm rượu bia sau 22h đêm tại Việt Nam. Tất nhiên việc ra đạo luật cấm bia rượu sau 22h đêm chưa thể làm ngay một cách vội vàng mà cần phải khảo sát, điều tra, tham khảo, nghiên cứu thật kỹ để có lộ trình thật sự phù hợp với thực tế. Nhưng suy cho cùng, vì sự phát triển xã hội theo xu hướng chung của các nước trên thế giới, chúng ta cũng không thể đi chệch khỏi “đường ray” này.
Nhưng trước khi chúng ta có một lộ trình phù hợp, thiết nghĩ, trước mắt, các cơ quan chức năng cũng nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tác hại của bia rượu. Các khẩu hiệu như “An toàn giao thông nói không với rượu bia!”; “Đã lái xe - không uống rượu bia!”; “Đã uống rượu bia - không lái xe!”; “Uống rượu bia và lái xe - Giá đắt phải trả”... càng phải được tăng cường tuyên truyền trong các chiến dịch bài trừ rượu bia khi tham gia giao thông.
Song hành với tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần phải “mạnh tay” và quyết đoán với các “ma men” coi thường pháp luật, lạm dụng bia rượu như hiện nay vì sức khỏe của người dân, vì sự an toàn của xã hội và quan trọng hơn là vì sự phát triển của giống nòi.
Có lẽ thời điểm nhà nhà đón Xuân mới cũng là khoảng thời gian người dân có dịp “chén chú chén anh” nhiều hơn so với ngày thường. Đây chính là lý do làm tăng tai nạn giao thông trong mỗi dịp Tết. Chính vì thế, những bài học cảnh giác từ bia rượu không khi nào là cũ, nhất là trong thời khắc cả đất nước đang chờ đón năm mới Ất Mùi đang đến rất gần.
Nguồn: dangcongsan.vn