Gia đình xã hội
Tiếng kêu cứu từ một miền quê
10:08, 11/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, tỉ lệ đồi trọc chiếm 70%. Bệnh lạ di truyền qua 4 đời chưa được quan tâm nghiên cứu gây nhiều hệ lụy. Xây dựng cơ bản, các hạng mục dân sinh hầu như số 0. Đó là những gì mà xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương đang từng ngày, từng giờ phải gánh chịu nhưng không thể khắc phục.
Số không
Thanh Tùng, huyện Thanh Chương là xã miền núi đặc biệt khó khăn, đang hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Xã có 50 km đường giao thông nông thôn, 47 km đường nội đồng đang 100% đường đất. Không chợ, không bến sông, không đường quốc lộ đi qua nên thông thương, buôn bán hết sức khó khăn.
Địa hình thấp hơn sông Lam, mùa mưa lũ, nước từ sông đổ vào, từ rừng kéo ra, từ núi đồi trút xuống gây ngập úng nên mỗi năm, chỉ làm được một vụ lúa, không thể cơ cấu mùa vụ nào khác. Đất rừng chỉ trồng được độc nhất một loại cây keo nên không thể cơ cấu vật nuôi, cây trồng mới. Thu nhập bình quân chỉ có 13.000.000 đồng/người/năm.
Tác giả làm việc với Chủ tịch xã Thanh Tùng |
Tỉ lệ hộ nghèo lên đến 24,5%, hộ cận nghèo 34,7% nhưng không thể có hướng nào khả thi cho việc thoát nghèo. Xã không có kinh phí xây trường mầm non, các cháu phải học nhờ ở trụ sở HTX xây dựng từ năm 1970, 8 lớp học chỉ có 6 phòng, toàn bộ máy móc, thiết bị giảng dạy được dồn chung với... bếp nấu ăn. Ban giám hiệu che hành lang lại làm văn phòng. Trường trung học cơ sở còn nghiêm trọng hơn. Trường xây từ năm 1976, gồm 9 phòng.
Toàn bộ tường đã nứt nẻ, vôi vữa tróc từng mảng, rui, mè, hoành, ngói mục nát, có thể đổ xuống đầu học sinh bất cứ lúc nào. Nhà trường đã khắc phục bằng cách mua bạt về, trùm phía trong mái ngói. Tuy nhiên, chỉ che được bụi ngói, bụi mọt, còn khi mưa to, nước theo mái bạt chảy vào phía trong tường, học sinh ngập ngụa trong lớp học của mình. Sân chơi, nền lớp học đều bằng đất. Nguy hiểm luôn rình rập nhưng xã không thể có kinh phí xây dựng. Cách tốt nhất là khi mưa bão, học sinh 2 trường… không đi học.
Tất cả các hội nghị trong toàn xã đều diễn ra trong hội trường 5 gian được xây dựng từ năm 1977, đã hư hỏng một cách trầm trọng. Trụ sở làm việc, nhiều phòng không có cửa, tất cả ngói đều đã hư, 100% phòng phải dùng bạt che mới chống được mưa. 26 chức danh chỉ có 6 phòng, có phòng 5, 6 chức danh cùng làm một chỗ. Không có phòng tiếp dân nên tiếp luôn ở phòng “chế độ một cửa”. Để thông thương với các xã bên ngoài, xã có 2 cầu bắc qua 2 con suối đều được ghép bằng gỗ dài khoảng 20 m hiện đã ải, mục nhưng không thể có kinh phí để xây cầu bê tông.
Bệnh lạ
Đã vậy, một bộ phận người dân ở đây lại bị căn bệnh “kỳ lạ” truyền từ đời này sang đời khác, đó là thừa và dính ngón tay, ngón chân. Có người 3 ngón cuối của cả 2 bàn tay dính vào nhau như màng chân vịt, đồng thời, ở ngón út mọc thêm một ngón tay thừa như ông Bùi Văn Nhường. Có người không dính mà ngón tay út mọc thêm một ngón tay đèo như ông Phạm Văn Trinh. Có người ngón đèo lại mọc ở ngón tay cái.
Bệnh lạ |
Có người cả chân lẫn tay đều bị dính như anh Nguyễn Đình Hùng. Có người ngón đèo lại mọc lên ở ngón út bàn chân. Các ngón phụ này đều giống y ngón chính có khức, có móng, có cảm giác bình thường nhưng ngắn hơn. Có người lại mọc nguyên một cục thịt thừa không giống ngón như anh Hoàng Văn Dũng…
Tìm đến nhà ông Phạm Văn Tính, xóm trưởng, ông lập tức chìa tay và cho biết: “Tôi cũng bị bệnh đó, do di truyền từ mẹ. Chỉ tính riêng xóm Minh Sơn đã có khoảng 20 người cũng trong tình cảnh tương tự”. Ông Võ Văn Minh thì khẳng định: “Bệnh lạ xuất phát từ họ Nguyễn Đình, người già nhất bị dị tật là cụ Nguyễn Đình Vơn (90 tuổi) sinh ra anh Nguyễn Đình Khang cũng bị như vậy. Anh Khang có 2 cháu: 1 trai, 1 gái cũng tiếp tục bị dị tật. Cụ Nguyễn Đình Trường (87 tuổi) có 2 con trai là anh Hiếu, anh Thuận. Anh Hiếu không bị dị tật nhưng anh Thuận lại bị và truyền sang con.
Các cô con gái họ Nguyễn Đình đi lấy chồng lại truyền sang cho họ Võ, Phan, Phạm…”. Tôi thắc mắc: “Sao có nhà 2 vợ chồng không mang họ Nguyễn Đình vẫn bị?”. Ông Minh cười và lấy dẫn chứng: “Mẹ tôi là Nguyễn Thị Phương (82 tuổi) lấy bố tôi, sinh được tôi và em gái tên Xuyến. Tôi sinh 3 đứa đều bị bệnh này. O Xuyến họ Võ lấy chồng họ Hoàng sinh ra 2 người con trai đều bị cả nhưng dị tật khác nhau. Thằng Đạt có thêm ngón tay đèo ở ngón trỏ, thằng Dũng (SN 2012) lại dính 3 ngón và có một ngón đèo nơi ngón út.
Nỗi lòng ông Chủ tịch
Tiếp chúng tôi trong gian phòng tường vôi nứt nẻ, ông Phạm Nhuận Thao, Chủ tịch UBND xã buồn rầu nói: “Xã tôi có khoảng 40 người mắc căn bệnh lạ lùng này. Bệnh không chết người, song, sự tồn tại lâu đời và kéo dài qua nhiều thế hệ đã trở thành nỗi ám ảnh. Hầu hết, những thanh niên mang bệnh kỳ lạ này đều gặp khó khăn như khi lao động không đeo được bảo hộ, không được thi tuyển quân sự, không vào được các trường Công an, năng khiếu, mầm non, không thể đi xuất khẩu lao động. Thương hơn là các cháu nhỏ sinh ra đã mang dị tật.
Các gia đình đều nghèo nên không thể đem con đi phẫu thuật. Nghiêm trọng hơn, hiện nay, cán bộ, nhân dân, con em đang hàng ngày sinh hoạt dưới các công trình xuống cấp, có thể đổ ụp xuống đầu nhiều người và gây họa bất cứ lúc nào. Chúng tôi hàng ngày, hàng giờ ngóng trông sự quan tâm của cấp trên, sự vào cuộc của các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các đoàn từ thiện để chấm dứt tình trạng này”.
Nguyễn Đình Lộc