(Congannghean.vn)-Trung bình mỗi ngày có hàng chục m3 nước thải chưa qua xử lý của nhiều hộ dân làm nghề bánh, bún ở làng Huỳnh Dương, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) trực tiếp thải ra hệ thống mương khiến môi trường bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe cũng như hoạt động sản xuất của hàng nghìn hộ dân xung quanh.
Làng nghề bánh, bún Huỳnh Dương là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, chuyên sản xuất bún và một số loại bánh như bánh mướt, bánh đa... Nhiều năm qua, việc phát triển làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Theo số liệu thống kê của chính quyền xã Diễn Quảng, làng Huỳnh Dương hiện có 312 hộ dân, với 1.270 nhân khẩu, trong đó có 148 hộ gia đình làm bún. Năm 2013, làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Trước đây, người dân chủ yếu làm bún bằng thủ công, nhưng trong mấy năm trở lại đây, họ bắt đầu sử dụng máy móc cho việc sản xuất. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ gia đình làm bún với số lượng lớn nên lượng nước thải đổ ra môi trường ngày càng nhiều, gây tình trạng ô nhiễm kéo dài. Hiện, trong làng có 9 hộ gia đình sử dụng máy móc làm bún với quy mô lớn.
Chị Quý, một người dân bức xúc cho biết: “Vào ngày nắng, nước bốc mùi hôi nồng nặc. Nằm ngủ giữa mùa hè mà chúng tôi phải đắp chăn. Còn ngày mưa, một số mương trong làng do không được đầu tư xây dựng, đào cạn nên nước chảy lênh láng, tràn ra cả đường”.
Trục đường chính của làng luôn bốc mùi hôi thối |
Theo quan sát của PV, dọc hai tuyến mương của làng nước đen ngòm, đặc quánh, trên mặt nước phủ đầy một lớp muỗi, mùi hôi bốc lên nồng nặc, người đi qua đường phải nín thở, bịt mũi. Còn những đoạn mương nước vừa mới thải ra có màu trắng đục, được cho là nước gạo đã ngâm qua ngày đổ xuống có mùi hôi bốc lên. Hệ thống mương chính của làng khá rộng nhưng không có nắp đậy, nhiều chỗ rác thải tắc nghẽn, không thể thoát nước. Nước thải đọng lại ở mương lâu ngày là môi trường cho các loại vi khuẩn kí sinh và muỗi sinh sôi nảy nở. Buổi chiều, các hộ gia đình sống dọc hai bên mương phải đóng chặt cửa để ngăn chặn muỗi ồ ạt bay vào nhà.
Trong 2 năm (2012 - 2013), làng đã có 5 người chết vì bệnh ung thư. Những người này đều sống xung quanh hai bên mương chứa nguồn nước thải. Người dân đang hoang mang, lo lắng, nghi ngờ chính dòng nước bẩn là nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư. Vì nguồn nước ô nhiễm có thể thẩm thấu vào mạch nước ngầm phục vụ sinh hoạt hằng ngày của họ. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm đã làm cho hơn 2.500 m2 lúa không gieo cấy được, hoặc gieo cấy thì chậm phát triển, thu hoạch năng suất thấp.
Được biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề bánh, bún Huỳnh Dương là do cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư tương xứng với sự phát triển của làng nghề. Toàn bộ nước thải của các hộ dân làm bún chưa qua xử lý đều thải xuống hệ thống kênh mương. Trao đổi với P.V, ông Phan Huy Ngân, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết: “Trước thực trạng ô nhiễm ở làng nghề bánh, bún Huỳnh Dương, xã đã xây dựng Đề án “Vệ sinh môi trường khu vực làng bún xóm 3”, giao cho Hội Phụ nữ và các hộ dân dọn dẹp khu vực mương, thường xuyên xả nước để hạn chế phần nào mùi hôi thối. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Hiện nay, xã đang cử người đến học hỏi mô hình xử lý nước thải làm bún của một hộ dân ở xã Diễn Hoa để về phổ biến cho người dân, vận động những hộ gia đình làm bún xử lý nước thải tại nhà”.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề bánh, bún Huỳnh Dương đang là “bài toán” chưa có lời giải đáp. Người dân trong làng mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm vào cuộc để giải quyết, đưa làng nghề ngày càng phát triển và bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm.
.