Gia đình xã hội
Phụ nữ vùng cao nhọc nhằn 'cõng' chữ
09:14, 20/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm qua, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng trong việc xóa mù chữ và chống tái mù chữ ở vùng miền núi huyện Tương Dương, nhờ đó mà tình trạng tái mù chữ đã giảm. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ bất bình đẳng giới, thực trạng phụ nữ ở đây còn mù chữ, tái mù chữ đã và đang ngày càng gia tăng. Đây không những là “điểm yếu” của phụ nữ dân tộc thiểu số, mà còn là nguyên nhân cản trở trong công tác vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như nhiệm vụ của Hội LHPN.
“Nặng gùi” khó khăn
Trong Kế hoạch thực hiện quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Nghệ An đã đề ra các chỉ tiêu: Phổ cập biết chữ cho 95% nam giới và phụ nữ độ tuổi từ 15 - 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do đời sống của người dân ở các vùng này còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, mặt khác, các tập quán xã hội lạc hậu đang tồn tại đã tác động một cách sâu sắc đến bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, có quan niệm: Con gái không phải học nhiều, vì học cũng chẳng để làm gì sau này, lớn lên sẽ đi lấy chồng. Vì thế, tình trạng tái mù chữ của phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đơn cử như huyện miền núi Tương Dương với khoảng 1.000 phụ nữ dưới 30 tuổi tái mù chữ.
Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ Tương Dương tái mù chữ gia tăng là do chính bản thân họ không chịu khó vươn lên trong vấn đề tiếp cận học vấn. Ngoài ra, do nhận thức còn yếu kém, trong khi đó, điều kiện sống chưa đầy đủ, công việc vất vả, không có thời gian. Hơn nữa, trong đời sống gia đình của người Mông, đại đa số người chồng chưa tạo điều kiện để người vợ tham gia học tập xóa mù”.
Không những vậy, ở các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng mù chữ và tái mù chữ ở những địa phương này khá cao nhưng khi mở lớp xóa mù lại không có người học hoặc đang học thì bỏ dở giữa chừng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thiếu tá Đậu Công Thân tận tình dạy chữ cho chị em phụ nữ bản Phồng |
Bên sự nhọc nhằn vẫn là niềm vui
Mỗi tuần một ngày theo quy ước, phụ nữ ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương lại đến Nhà Văn hóa bản để học chữ. Lớp học được Đồn Biên phòng Tam Hợp triển khai cho chị em trong độ tuổi từ 19 - 45. Từ chỗ không biết chữ, đến nay, chị Vi Thị Tấm (SN 1979) đã thuộc làu các con chữ, biết làm các phép tính trong giới hạn con số tới 1.000. Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị không có điều kiện đến trường. Nhưng bây giờ, Đồn Biên phòng mở lớp xóa mù chữ, chị hăng hái tham gia và được đánh giá là một trong những học sinh tích cực của lớp.
Khi được hỏi về tình trạng lớp học xóa mù nơi đây, Thiếu tá Đậu Công Thân, Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: “Có những gia đình cả vợ và chồng đều mù chữ. Qua thời gian vận động, có gia đình chồng cho vợ đi học nhưng chỉ được một, hai bữa, sau đó bắt ở nhà vì nghĩ rằng, học bây giờ không có tương lai. Những chị em này chủ yếu từ độ tuổi 18 - 45. Chính nguyên nhân đó buộc các chiến sĩ Đồn Biên phòng phải đi đến từng gia đình vận động để bà con hiểu.
Bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo tại huyện miền núi Tương Dương vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm. Nếu không có những giải pháp tích cực thì tình trạng tái mù chữ sẽ còn diễn ra khắp các huyện miền núi khác của tỉnh, trong đó phụ nữ là đối tượng bị thiệt thòi nhất. Đồng thời, nó còn kéo theo nhiều hệ lụy cho thế hệ con cháu mai sau. Bởi tình trạng không biết chữ của người mẹ cũng chính là nguyên nhân bỏ học của nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.
Thủy Chung