Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ việc 3 trẻ tử vong sau phẫu thuật nhân đạo hở hàm ếch tại Khánh Hòa và dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Liên quan đến vụ việc 3 trẻ tử vong trong quá trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ có dị tật khe hở môi, vòm miệng tại Bệnh viện Quân y 87 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vào ngày 24/8 vừa qua, Bộ Y tế khẳng định, đây là một sự cố hết sức nghiêm trọng cần sớm làm rõ nguyên nhân, từ đó xử lý nghiêm, xác định đúng người, đúng sự việc.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, qua báo cáo của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ cười (OSCA), từ khi thành lập đến nay, OSCA đã tiến hành khoảng trên 2.000 trường hợp phẫu thuật dị tật khe hở môi, vòm miệng trên nhiều tỉnh thuộc miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong những đợt phẫu thuật trước đó, chưa có trường hợp nào gặp sự cố như vừa xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa.
Bộ Y tế họp báo cung cấp thông tin y tế, ngày 28/8 |
Ngay sau khi nhận được thông tin vào ngày 25/8 về vụ việc trên, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị có liên quan báo cáo khẩn sự việc.
Theo Bộ Y tế, sau khi sự cố trên xảy ra, phía Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ cười đã hỗ trợ 120 triệu đồng cho mỗi gia đình có trẻ tử vong.
Bộ Y tế cũng cho biết, Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc điều tra vụ 3 trẻ tử vong sau khi được mổ hàm ếch từ thiện. Cơ quan Công an đã niêm phong toàn bộ phòng mổ nơi đoàn của Trung tâm OSCA sử dụng, cũng như niêm phong các dụng cụ và thuốc men dùng cho các ca mổ để phục vụ công tác điều tra; kiểm tra giấy phép hành nghề của những bác sĩ tham gia phẫu thuật, đồng thời vận động các gia đình có con tử vong đồng ý cho mổ tử thi để tìm nguyên nhân.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Phạm Văn Ái - Giám đốc Trung tâm có thực hiện phẫu thuật trong đợt khám chữa bệnh vừa qua hay không? Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Theo Báo cáo của Trung tâm OSCA, ông Ái không trực tiếp tham gia vào phẫu thuật, chỉ là người đứng ra tổ chức. Các cán bộ, nhân viên y tế tham gia đợt phẫu thuật từ thiện này đến từ các cơ quan y tế tư nhân và Nhà nước. Còn cụ thể các vấn đề liên quan đến giấy phép hành nghề, những ai thực hiện, có đúng phạm vi hành nghề hay không… thì Bộ Y tế vẫn đang tiến hành xác minh thêm”.
Trả lời về nhiệm vụ, vai trò của Bệnh viện Quân y 87 trong việc phối hợp với Trung tâm OSCA, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bệnh viện Quân y 87 là một trong những bệnh viện loại 1 của Bộ Quốc phòng, thuộc Quân chủng Hải quân.
Bệnh viện Quân y 87 là bệnh viện của quân đội nên lĩnh vực Nhi khoa không phát triển. Chính vì vậy, trong phạm vi chuyên môn này, Bệnh viện không cử nhân viên y tế tham gia trực tiếp vào các hoạt động phẫu thuật mà chỉ hỗ trợ bên ngoài.
Theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, ngay từ đầu, Bệnh viện 87 đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa để xin ý kiến của tỉnh về việc này. Thực chất, hoạt động trên có triển khai được hay không, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa phải đồng ý thì mới có thể tiến hành được.
“Khi chúng tôi kiểm tra lại rất kỹ, thì thấy hợp đồng giữa Trung tâm OSCA với bệnh viện rất chặt chẽ, trong đó, quy định mọi nội dung, từ thuốc men, con người, quy trình phẫu thuật là hoàn toàn của OSCA mang đến. Bệnh viện chỉ cung cấp phòng mổ, giường bệnh và nhân viên chạy máy để đảm bảo các hoạt động diễn ra trong bệnh viện thuận lợi” - Thiếu tướng Vũ Quốc Bình nói.
Thiếu tướng Vũ Quốc Bình cho hay, những ngày qua, có ý kiến ngoài lề đưa tin không đầy đủ nói rằng, trẻ tử vong là do sốc thuốc thì còn phải chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn. Bộ Quốc phòng cũng đang chỉ đạo hết sức chặt chẽ để xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân của vấn đề trên.
Trước câu hỏi của nhiều phóng viên về việc đơn vị nào sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm sau khi sự cố trên xảy ra, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Trung tâm OSCA đã tự nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề này.
Giám sát chặt chẽ sức khoẻ 128 người nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola vào Việt Nam
Liên quan đến dịch bệnh Ebola, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện Việt Nam chưa phát hiện người nhiễm vi rút Ebola. Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và không để lây lan tại cộng đồng thông qua việc thực hiện khai báo y tế từ ngày 15/8/2014 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế (đường hàng không, đường bộ và đường biển). Riêng sân bay Tân Sơn Nhất đã thực hiện từ ngày 11/8/2014.
Theo đó, từ ngày 11 – 26/8/2014, ngành Y tế đã giám sát được 128 người đi từ các quốc gia có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam (trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người nhập cảnh vào Việt Nam); trong đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất (124 người) và sân bay Nội Bài (4 người). Trong 128 người nhập cảnh vào Việt Nam thì có 30 người là công dân Việt Nam trở về từ Liberia , 98 người Nigeria. Tất cả các cửa khẩu khác chưa ghi nhận có trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola. Hiện nay, chỉ có 1/128 trường hợp đã qua 21 ngày đi từ vùng dịch về nhập cảnh vào Việt Nam .
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Bộ Y tế thường xuyên liên hệ với những người nhập cảnh để theo dõi, giám sát tình trạng sức khoẻ của họ. Đến nay, toàn bộ 128 trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch Ebola vào Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện các triệu chứng nghi nhiễm vi rút Ebola.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, số lượng công dân Việt Nam tại các nước đang có dịch Ebola không nhiều và hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm vi rút Ebola. Cục thể là: Nigeria có 12 người (không bao gồm cán bộ Đại sứ quán); Seria Leone có khoảng 24 người; Guinea có khoảng 60 - 70 người; Liberia có 20 người lao động tự do (đã trở về nước 10 người vào ngày 22/8/2014). Tuy nhiên, số liệu thống kê trên có thể chưa đầy đủ do khó khăn trong việc kiểm soát người Việt Nam đang sinh sống và lao động tự do tại các nước trên.
Hiện dịch bệnh do vi rút Ebola vẫn đang tiếp tục gia tăng tại 4 quốc gia vùng Tây Phi. Đặc biệt, ngày 26/8/2014, Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế thông báo, Cộng hòa Dân chủ Công Gô đã ghi nhận 24 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola; trong đó có 13 trường hợp tử vong và đã xác định được 4 mẫu dương tính với vi rút Ebola. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, những trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Công Gô có liên quan tới việc lây truyền từ động vật sang người trong quá trình chế biến thịt thú rừng. Sau đó, người mắc bệnh đã lây cho người trong gia đình và người xung quanh.
.