Gia đình xã hội

Tiền đốt vàng mã để làm từ thiện thì tốt biết bao

16:27, 10/08/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, việc đốt vàng mã đắt tiền hàng triệu đồng là xa hoa, tốn kém, gây ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn… “Tiền đó làm từ thiện thì tốt biết bao. Trong đạo phật thì gọi đó là việc làm công đức”- Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nói.
 
Vu Lan báo hiếu là một tập quán tốt đẹp của dân tộc. Rằm tháng 7 hằng năm cũng là dịp để mọi người dân chúng ta nhớ về truyền thống tốt đẹp này để làm những việc báo hiếu ông bà, cha mẹ và tổ tiên. Mỗi người chọn một cách báo hiếu khác nhau, nhưng chung quy lại đều muốn bày tỏ lòng thành và sự kính trọng, biết ơn của mình với ông bà, cha mẹ tổ tiên.
 
Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên vào dịp rằm tháng 7, rất nhiều gia đình đã mua vàng mã về đốt cho ông bà tổ tiên với mong muốn trên trần có gì thì ở dưới âm cũng cần phải có thứ đó.
Có gia đình dịp này thì đốt tiền vàng, quần áo, nhưng có gia đình lại mua sắm những thứ đồ mã đắt tiền như ngựa, nhà lầu, xe hơi, tầu thủy, máy bay…để mong những người dưới cõi âm có phương tiện, vật dụng đi lại. Có người còn lạm dụng đốt những loại mã như cả con ngựa cao 3m, dài 10m hay một tòa chung cư với ước nguyện “càng đốt nhiều thì càng bày tỏ được lòng hiếu thảo và tình cảm của mình với ông bà, cha mẹ”. Dẫn tới việc trong mùa lễ Vu Lan năm nay đã có hàng trăm tỷ đồng hóa thành tro bụi.
 
Theo nhiều người thì đây là một sự lãng phí rất lớn. Nếu đem so sánh thì số tiền đó có thể xây được nhiều cây cầu cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa vượt lũ đến trường…
 
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Trị sự phật giáo TP Hà Nội thì trong kinh điển của Phật giáo không có chỗ nào đạo Phật ghi dạy đốt vàng mã để báo hiếu ông bà cha mẹ tổ tiên. Quan điểm đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc và truyền sang Việt Nam từ rất lâu. Ông bà ta cũng quan niệm, đốt vàng mã là lòng hiếu thảo của con cháu. Và việc đốt vàng mã thời xưa rất đơn giản, nhưng bây giờ do xã hội phát triển nên việc đốt vàng mã cũng cầu kỳ và tốn kém hơn rất nhiều. “Đốt vàng mã là phong tục của dân gian, tập quán của dân tộc nhưng nhiều người hiểu việc đốt vàng mã nhiều thì mong ông bà phù hồ cho là sai hoàn toàn”. – Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho biết.
 
Vào những ngày này, khi đi trên đường phố, ở những nơi công cộng chúng ta thấy hình ảnh đốt vàng mã diễn ra khá nhiều. Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế tài xử phạt hành chính về việc đốt vàng mã ở nơi công cộng có hiệu lực đã 4 năm, nhưng xem ra Nghị định rất khó đi vào cuộc sống. 
 
Lãng phí cả trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng cho một mùa lễ Vu Lan quả rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm thì cho rằng, kể cả khi chưa có Nghị định của Chính phủ thì ở chùa Bằng A và chùa Lý Triều Quốc Sư luôn khuyên phật tử không đốt vàng mã và không để cho phật tử đốt vàng mã trong chùa, kể cả những ngày chùa tổ chức buổi lễ lớn. Nhà chùa luôn khuyên phật tử làm việc thiện, làm công đức, lên chùa cầu an cho cha mẹ, gia đình. Khi cha mẹ còn sống thì phải hiếu thảo, lúc cha mẹ ốm đau thì chăm sóc tận tình… Đó chính là thể hiện lòng hiếu thảo với công ơn sinh thành của cha mẹ. Khi cha mẹ mất đi thì thờ cúng tổ tiên chu đáo, chứ không nhất thiết phải đốt nhiều vàng mã mới thể hiện được hết lòng hiếu thảo.
 
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cũng cho rằng, việc đốt vàng mã đắt tiền hàng triệu đồng là xa hoa, tốn kém, gây ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn… “Tiền đó làm từ thiện thì tốt biết bao. Trong đạo phật thì gọi đó là việc làm công đức”- Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nói.
 
Một mùa lễ vu lan, mùa để chúng ta báo hiếu ông bà, cha mẹ và tổ tiên sẽ thật đúng nghĩa khi thay vì mua đồ mã đắt tiền về đốt thì nên có những hành động hiếu nghĩa chăm sóc sức khỏe của cha mẹ khi họ còn sống. Nếu cha mẹ không còn trên đời thì hãy dành việc báo hiếu bằng việc làm từ thiện, thờ cúng tổ tiên một cách đạo hiếu

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác