Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/huyen-quy-hop-noi-lo-cau-tam-truoc-mua-mua-lu-522591/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/huyen-quy-hop-noi-lo-cau-tam-truoc-mua-mua-lu-522591/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nỗi lo cầu tạm trước mùa mưa lũ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 19/08/2014, 08:48 [GMT+7]
Huyện Quỳ Hợp

Nỗi lo cầu tạm trước mùa mưa lũ

(Congannghean.vn)-Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có trên 10 chiếc cầu tạm lớn, nhỏ. Những chiếc cầu này đều không đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng vì nhu cầu đi lại của bà con, cầu vẫn được dựng lên, bất chấp hiểm nguy rình rập trước mùa mưa lũ.

Hiểm nguy từ những chiếc cầu tạm tự phát

Quỳ Hợp là huyện miền núi có địa hình phức tạp, việc giao thương giữa trung tâm huyện với các xã vùng núi chủ yếu phải đi qua các cầu dựng tạm. Theo thông tin từ UBND huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn hiện nay có trên 10 chiếc cầu tạm, trong đó có 2 chiếc cầu lớn nhất là cầu Cốc Mẳm (xóm Cóc Mẳm) và cầu Sơn Tiến (xóm Sơn Tiến) đều thuộc xã Thọ Hợp. Điều đáng nói, mỗi ngày, hàng trăm hộ dân phải liều mình qua đây mặc cho chiếc cầu đang cố bám trụ với dòng nước cuốn.

Cầu Cốc Mẳm bắc qua sông Dinh là chiếc cầu duy nhất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân xóm Cốc Mẳm, xã Thọ Hợp và một số xóm khác của xã Châu Đình. Tuy nhiên, chiếc cầu này đã bị nước cuốn trôi chỉ sau một trận mưa nhỏ. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, nhiều hộ dân thuộc xóm Cốc Mẳm đang phải cật lực sửa lại chiếc cầu đã bị nước cuốn trôi.

123
Cầu tạm ở huyện Quỳ Hợp có nguy cơ bị cuốn trôi trước mùa mưa lũ

Không chỉ riêng cầu Cốc Mẳm, 118 hộ dân xóm Sơn Tiến những ngày này đang phải khổ sở khi chiếc cầu duy nhất bắc qua xã là cầu Sơn Tiến cũng đang xiêu vẹo trước trận mưa vài ngày trước đó. Cầu có chiều dài 130 m, rộng khoảng 1,5 m, được dựng lên bởi nhiều thanh tre, nứa đã bị bong mọt nên việc đi lại rất nguy hiểm. Theo người dân ở đây cho biết, việc sửa cầu, dựng cầu mới đối với họ “thường như đi chợ phiên”. “Mỗi năm trung bình chúng tôi phải làm mới cầu từ 5 - 6 lần, còn sửa lại cầu thì phải trên chục lượt. Mỗi gia đình góp 5 cọc tre và ngày công để làm cầu khi xảy ra sự cố”, ông Trương Văn Thiêm, xóm trưởng xóm Sơn Tiến cho biết.

Bên cạnh đáp ứng nhu cầu đi lại, những chiếc cầu tạm bợ không đạt chất lượng luôn rình rập nhiều mối hiểm nguy. Thực tế trong những năm qua, đã có rất nhiều trường hợp người dân, học sinh bị trượt chân rơi xuống cầu. Tuy chưa xảy ra thương vong nặng nhưng người dân vẫn tỏ ra ái ngại khi đi qua cầu.

Dân mỏi mắt chờ cầu… “treo”

Mong muốn xây dựng một chiếc cầu kiên cố là nguyện vọng của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có chiếc cầu quy mô nào được xây dựng. Trên thực tế, hai cây cầu lớn là Cốc Mẳm và Sơn Tiến thuộc xã Thọ Hợp đều đã có dự án xây dựng cầu mới, nhưng cả hai đều vướng mắc ở nguồn kinh phí. Riêng cầu Sơn Tiến đã có ngân sách của Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cầu mới, với số vốn là 13,2 tỉ đồng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức khảo sát.

Còn đối với cầu Cốc Mẳm, tháng 10/2013, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư kinh phí xây dựng với vốn dự kiến là 27 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn vốn rót về mới chỉ được 2 tỉ đồng nên khả năng để xây dựng cầu treo mới là rất khó khả thi. Vì vậy, UBND huyện Quỳ Hợp đang lập văn bản điều chỉnh quy mô và kinh phí cầu thấp xuống, với mong muốn tỉnh sẽ sớm có giải pháp xây dựng dự án.

Bàn về những chiếc cầu tạm được dựng trên địa bàn, ông Trương Hải Nam, Phó phòng Công thương huyện Quỳ Hợp cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tất cả các cây cầu tạm được dựng lên trên địa bàn huyện đều là tự phát. Tuy không đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng chính quyền cũng đành chịu, vì đó là nhu cầu của người dân, không thể cản được”.

Về vấn đề xây dựng cầu treo kiên cố, theo ông Nam thì “Tạm thời bà con cũng phải tiếp tục đi qua cầu tạm. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã ra Công văn số 640 yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra độ an toàn các cây cầu tạm. Đồng thời có thông báo thông tin trước các đợt bão lũ để nhân dân có biện pháp ứng cứu kịp thời”.

Như vậy, với những vướng mắc trong nguồn vốn xây dựng cầu treo, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp vẫn phải dài cổ chờ cầu mới và tiếp tục “đánh liều” với những chiếc cầu tạm trước mùa mưa bão.

.

Phan Phan