Kiểm tra từ xa thân nhiệt của hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài |
Tử vong có thể lên đến 90%
Theo số liệu thống kê của WHO, từ tháng 12-2013 đến 30-7-2014, thế giới đã ghi nhận hơn 1.300 người mắc bệnh này với con số tử vong lên đến 729 người tại 4 quốc gia vùng Tây Phi gồm: Guinea, Leberia, Sierra Leona và Nigiera. Đặc biệt vào cuối tháng 7 vừa qua, chỉ trong 8 ngày, từ 24 đến 31-7, thế giới đã ghi nhận thêm 122 người mắc, trong đó 57 trường hợp tử vong. Hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại những quốc gia châu Phi và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm virus Ebola rất cao nếu chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này mà không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sớm
Theo Cục Y tế dự phòng, các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất gồm: thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola; người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng; cán bộ y tế. Thực tế trong số các trường hợp tử vong do bệnh này tại 4 nước Tây Phi thời gian qua, có đến 60 người là cán bộ y tế từng trực tiếp chăm sóc, cứu chữa người bệnh.
Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Với những người có các dấu hiệu bệnh nói trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, chăm sóc điều trị kịp thời.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay thế giới chưa có vaccine phòng bệnh do virus Ebola. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh để giảm số ca mắc và tử vong.
Giám sát chặt người nhập cảnh
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, theo nhận định của WHO thì nguy cơ lây nhiễm bệnh do virus Ebola cho người đi du lịch rất thấp bởi bệnh này lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hay các chất bài tiết của người nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, WHO vẫn chưa đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế.
Tuy vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola có thể lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt người nhập cảnh, nhất là người đến từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng dịch trong 21 ngày, cần thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu gửi xét nghiệm.
“Đây là vụ dịch do virus Ebola lớn nhất trong lịch sử”
Trong ngày 4-8, Cục Y tế dự phòng đã biên dịch toàn văn bài phát biểu của TS Margaret Chan-Tổng Giám đốc WHO tại cuộc họp với Tổng thống 4 nước Tây Phi đang có dịch bệnh do virus Ebola bùng phát. Theo đó, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh Tây Phi đang đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola bùng phát chưa từng có và là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 4 thập kỷ của căn bệnh này. TS Margaret Chan cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh tại Tây Phi hiện nay là sự kiện y tế phải được ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.