(Congannghean.vn)-Cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch nông sản, người dân lại đem rơm, rạ ra phơi phong trên khắp các tuyến đường. Điều đó đã gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm như phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ.
Không chỉ riêng các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà những địa phương khác trong cả nước, từ những con đường làng nhỏ hẹp đến các tuyến quốc lộ đều tràn ngập thóc, rơm, rạ. Đến chiều tối, người dân lại đua nhau ra đường vun lại thành những đống rơm to chiếm diện tích đáng kể lòng, lề đường. Đó là chưa kể trâu, bò, xe kéo được huy động phục vụ cho việc thu dọn rơm, thóc... được thả rông trên đường vào lúc trời chập choạng tối. Đây là khoảng thời gian mà tầm quan sát của người tham gia giao thông bị hạn chế nên thường dễ xảy ra tai nạn.
Người đi đường rất bức xúc khi phải tránh những đống rơm, rạ hoặc điều khiển xe chạy ra cả tâm đường, nguy hiểm nhất là phải tránh các phương tiện đang lưu thông chiều ngược lại, đặc biệt là các phương tiện như xe ôtô trọng tải lớn.
Cứ mỗi mùa thu hoạch đến, dường như việc phơi rơm, rạ... đã trở thành “thói quen” đối với người dân. Nói là “thói quen” bởi vì có một số bà con nông dân không biết rằng mình đang vi phạm nên vẫn nghiễm nhiên phơi phong trên các tuyến đường. Còn một số bà con đã biết rõ đó là hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ nhưng thấy nhiều người làm nên mình cũng làm. Hơn nữa, tình trạng này đang diễn ra tràn lan nhưng chưa được xử lý nghiêm ở một số địa phương.
Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho bà con nông dân biết, nâng cao nhận thức pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, nghị định của Chính phủ để tránh vi phạm. Đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp phơi thóc, rơm, rạ phù hợp, đúng nơi quy định. Hơn nữa, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường giao thông trong mỗi mùa thu hoạch hàng năm.