Gia đình xã hội

Nói không với bạo lực gia đình

08:18, 27/06/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nhức nhối và mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ. Nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân người phụ nữ mà còn với cả trẻ em, gia đình, toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
 
Những con số đáng báo động
 
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2013, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 924 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần là 354 vụ, bạo lực thân thể là 442 vụ. Trong khi đó, số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh năm 2013, tổng số vụ ly hôn do bạo lực gia đình 390/603 vụ. Qua khảo sát, cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng xảy ra bạo lực dưới mọi hình thức, 66% vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình, 5% phụ nữ thường bị chồng đánh đập.
 
Do đặc thù kinh tế - xã hội nên tình trạng bạo lực gia đình ở tỉnh ta xảy ra phổ biến dưới hình thức bạo lực về thể chất. Đặc biệt tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ở hầu hết các mối quan hệ trong gia đình: Vợ chồng, bố mẹ, con cái, anh chị em… Nguyên nhân là do trình độ nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, thu nhập thấp. Điều này đã dẫn đến nhiều hậu quả thương tâm như gây thương tích, thậm chí tử vong đối với người bị bạo hành. Những năm gần đây, hình thức bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục có xu thế gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương đến đời sống tinh thần của người dân, làm suy thoái đạo đức gia đình truyền thống của người Việt Nam.
 
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước đẩy lùi bạo lực gia đình ra khỏi cuộc sống gia đình - Tranh minh họa
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước đẩy lùi bạo lực gia đình ra khỏi cuộc sống gia đình - Tranh minh họa
Bà Phan Thị Tâm - Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết, nguyên nhân phổ biến của tình trạng này xuất phát từ nhận thức của người dân, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn. Nhiều người đàn ông không biết rằng, bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Nhiều cặp vợ chồng thiếu kiến thức về đời sống hôn nhân gia đình. Tình trạng này thường xảy ra ở các vợ chồng trẻ. Ngoài ra, còn do nhiều nguyên nhân như cờ bạc, rượu chè, điều kiện kinh tế, ghen tuông…
 
Bạo lực gia đình đã gây ra những tổn thương đến thể chất lẫn tinh thần, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Những thương tích trên da thịt rồi sẽ liền lại nhưng những nỗi đau tinh thần mà họ để lại cho vợ chồng, con cái thì sẽ không thể bù đắp được. Đã không biết bao nhiêu vụ án đau lòng xảy ra từ những mâu thuẫn gia đình, từ những mái ấm rộn rã tiếng cười chỉ vì một chút nóng giận, thiếu kiềm chế đã lâm vào cảnh khốn cùng, người thiệt mạng, kẻ tù tội, những đứa trẻ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi.
 
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
 
Thực tế cho thấy, 90% phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bạo hành, tuy nhiên, họ lại có tâm lý cam chịu, mặc cảm, không muốn tố cáo nên tình trạng bạo hành vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, tâm lý dửng dưng của một số người cho rằng, bạo lực gia đình là chuyện cá nhân nên không báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để xử lý.
 
Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình là một trong những hoạt động trọng điểm, thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng mọi mặt cho phụ nữ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đặc biệt, các cấp hội đã phát huy có hiệu quả các loại hình CLB để có chiều sâu hơn trong công tác tuyên truyền. Tiêu biểu như mô hình "Xây dựng gia đình hạnh phúc", CLB "Nam giới không bạo lực", "Phụ nữ tự lực", "Đàn ông không đánh vợ"… ở Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên; CLB "Giáo dục và đời sống" ở Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn… Hiện nay, trong toàn tỉnh có 4.353 CLB, trong đó có 1.724 CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc". Hội còn tích cực lồng ghép công tác phòng chống bạo lực gia đình vào các phong trào lớn như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực như: Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm; không có bạo lực gia đình.
 
Phòng, chống bạo lực gia đình cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là làm thay đổi nhận thức hành vi trong quan hệ ứng xử tại gia đình, dần giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình. Để làm được điều này cần sự vào cuộc, quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Chính quyền địa phương cũng phải là cầu nối hòa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh từ gia đình để định hướng các thành viên trong gia đình.
 

Huyền Thương

Các tin khác