Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/nguoi-anh-hung-mang-biet-danh-vua-sang-kien-446522/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/nguoi-anh-hung-mang-biet-danh-vua-sang-kien-446522/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người anh hùng mang biệt danh 'Vua sáng kiến' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 28/01/2014, 16:17 [GMT+7]

Người anh hùng mang biệt danh 'Vua sáng kiến'

(Congannghean.vn)-Trong cái lạnh se sắt cuối Đông, tôi ngược miền Tây để tìm gặp thiếu tá Đặng Văn Đài (90 tuổi) - Anh hùng LLVTND mang biệt danh “Vua sáng kiến” mà lâu nay được mọi người nhắc tới. Hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, trong đó có 10 năm đảm nhiệm vai trò Giám đốc Xưởng Sửa chữa xe máy (X46) thuộc Trạm Sửa chữa tổng hợp Quân khu (T41) giai đoạn 1966 - 1976, thiếu tá Đặng Văn Đài đã phát minh, sáng tạo hàng chục sáng kiến có giá trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sửa chữa, bảo quản phương tiện xe máy của lực lượng vũ trang trên địa bàn Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Đài
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Đài

Trong căn nhà cấp 4 giản dị nằm ở khối 4, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, mặc dù tuổi cao, sức yếu, lời kể nhiều lúc bị ngắt quãng, dang dở do trí nhớ đã sa sút nhiều, nhưng giọng nói của Anh hùng Đặng Văn Đài vẫn còn sang sảng, tươi vui, toát lên niềm tự hào khi được hỏi về nguồn gốc của biệt danh “Vua sáng kiến”.

Từ khi mới 15 tuổi, ông  Đặng Văn Đài đã tham gia công nhân Quốc phòng, làm phụ thợ tại một số nhà máy ở Vinh. Nhờ những năm tháng tích lũy kinh nghiệm, tay nghề được nâng cao, đến năm 1947, ông được nhận vào làm việc tại Xưởng Quân cơ giới. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Đặng Văn Đài luôn gương mẫu, tích cực, bền bỉ, làm việc khẩn trương, nâng cao hiệu suất công tác.

Ngoài công việc chính là thợ nguội, ông còn học thêm về phay và bào, đi sâu nghiên cứu kỹ thuật, từ đó phát huy nhiều sáng kiến có giá trị nhằm cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, như: Làm van cáp cánh đuôi đạn ĐKZ, cối 120 milimet, chế tạo dụng cụ ren gai ốc, làm bằng mặt cổ lựu đạn, tăng năng suất 200%; sáng chế dụng cụ đột lỗ thoát hơi kim hỏa lựu đạn (trước phải dùng cưa), tăng năng suất 400%. Cuối năm 1953, sau khi ra nước ngoài học tập về sửa chữa ôtô, bằng sự thông minh, nhanh nhẹn, ông đã vận dụng những kiến thức được học vào công việc tại Trường Lái xe Tiến Bộ. Trong 2 năm 1956 - 1957, ông tiếp tục phát huy nhiều sáng kiến có giá trị. Đó là tận dụng nguyên vật liệu cũ, hỏng làm đầu con quay chia điện, chữa đĩa hoa mai dùng cho 5 xe GMC chạy được và làm một bàn rà trơn cho máy; sửa chữa, trùng tu xong mỗi xe tiết kiệm được 10 lít xăng, phục vụ tốt kế hoạch huấn luyện tại trường.

Bước sang năm 1958, thiếu tá Đặng Văn Đài công tác tại Xưởng Sửa chữa xe máy X46 - Xưởng thực hiện nhiệm vụ sửa chữa phương tiện xe máy, đảm bảo cho nhu cầu chiến đấu của LLVT Quân khu. Tại đây, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và hiểm nguy trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thiếu tá Đặng Văn Đài cùng các thế hệ CBCS, nhân viên kỹ thuật đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu sửa chữa các phương tiện xe máy cho LLVT trên địa bàn Khu 4 trong mọi tình huống, không ngừng cung cấp phương tiện cho việc phát triển tổ chức, mở rộng khả năng đảm bảo sửa chữa theo yêu cầu nhiệm vụ của LLVT Quân khu.

Trong quá trình công tác, được sự tín nhiệm của anh em trong đơn vị, cuối năm 1965, ông Đặng Văn Đài được bổ nhiệm làm Giám đốc X46. Đến đầu năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc hết sức ác liệt. Với cương vị mới và trọng trách lớn lao, ông Đặng Văn Đài đã tập trung lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện lực lượng kỹ thuật cho phía Nam Quân khu, đồng thời phối hợp các địa phương thực hiện trên 400 lượt sửa chữa lớn, nhỏ cho các đơn vị chủ lực Quân khu và Bộ hoạt động trên địa bàn Khu 4.

Trong đó, X46 đã góp phần lớn vào việc sản xuất, cải tiến bộ phận đèn gầm phục vụ cho xe vận tải chạy ban đêm đảm bảo an toàn, tránh được máy bay địch phát hiện. Đặc biệt, đã sửa chữa kịp thời các phương tiện xe máy của các đơn vị trong cụm Trung đoàn cao xạ bảo vệ đường 7, đường 15, đường 1A, cụm Trung đoàn cao xạ 232 bảo vệ khu vực Vinh - Bến Thủy; cụm Trung đoàn cao xạ 284 trên tuyến 1A từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Anh hùng Đặng Văn Đài vẫn còn nhớ, thời điểm những năm 1967 - 1968, khi đế quốc Mỹ đẩy cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta lên đến đỉnh điểm của sự tàn bạo, với tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường, những người thợ X46 đã không ngừng sáng tạo hàng trăm sáng kiến nhằm tự trang, tự chế hàng loạt dụng cụ phục vụ chiến đấu, hàng nghìn thiết bị máy móc, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong mọi tình huống. Trong đó, Giám đốc Đặng Văn Đài đã được mọi người đặt biệt danh “Vua sáng kiến” khi cá nhân ông đã phát huy 30 sáng kiến có giá trị.

Anh hùng Đặng  Văn Đài  và tác giả
Anh hùng Đặng Văn Đài và tác giả

Cùng với các sáng kiến cải tiến như khắc phục nhà xưởng, làm đường goòng, palăng cầu chuyển, ông đã làm được một thùng bơm dầu dùng để tra dầu vào các hộp số, tăng năng suất 500%; cải tiến một máy bơm nén hơi để thực hiện cho việc sơn xe, tiết kiệm mỗi tháng từ 100 - 120 lít xăng. Một trong những sáng kiến có giá trị kinh tế, kỹ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc trong thời điểm chiến tranh ác liệt, đó là đồng chí đã tập trung trí tuệ, chế tạo thành công dụng cụ sửa chữa chế hỏa khí, tháo ốc đường xăng chính rút từ 3, 4 giờ xuống chỉ còn 10 phút; cải tiến việc tháo ốc gãy ở trục bánh xe, vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa rút ngắn thời gian từ 2 giờ xuống còn 15 phút.

Trong “cái khó ló cái khôn”, thực tiễn nhiệm vụ đòi hỏi, tinh thần tiến công cách mạng đặt ra, ông đã cùng các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong X46 có sáng kiến làm khuôn đúc hàng loạt nút trục số lùi của xe hơi, cung cấp cho các đơn vị xe trong Quân khu; tự chế một máy cưa, bào, soi rãnh liên hoàn, giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất lên 800%, tại thời điểm này, giúp tiết kiệm mỗi năm hàng nghìn đồng cho công quỹ.

Có những sáng kiến cải tiến tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa lớn như cải tiến dụng cụ vừa cắt vừa ép đầu đinh nhôm đã giúp tăng năng suất 100%, phục vụ cho việc sửa chữa kịp thời các xe hỏng phanh chân và phanh tay ở chiến trường đưa về. Đặc biệt, sáng kiến làm dụng cụ cuốn lò xo để sửa nhanh phanh hộp của loại xe GAZ51 đã tăng năng suất lên tới 1.500% và đảm bảo chất lượng kỹ thuật cao; làm máy cán ren răng ốc các loại đinh ốc từ 8 ly đến 16 ly, tăng năng suất 400%; cải tiến máy mài trụ bi đầu gối có tốc độ 10.000 vòng quay trong 1 phút, tăng năng suất 400%, giải quyết được khó khăn chung cho phương tiện xe quân đội lúc bấy giờ…

Những sáng kiến của  ông Đặng Văn Đài trong lúc chiến tranh phá hoại khốc liệt, khó khăn thiếu thốn mọi bề đã thực sự góp phần quan trọng giải quyết kịp thời đòi hỏi của nhiệm vụ khắc phục sự khan hiếm về vật tư, phụ tùng, xe máy của LLVT Quân khu cũng như của xe máy phục vụ kháng chiến nói chung. Điều quan trọng là, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật đó trong thời điểm này đã góp phần thực tế giải phóng sức lao động của CBCS, nâng cao năng suất, chất lượng sửa chữa lên hàng trăm lần, đảm bảo nhanh chóng mọi phương tiện xe máy trên địa bàn của LLVT.

Đang trò chuyện với chúng tôi, giọng người anh hùng LLVT bỗng chùng xuống khi nhớ lại: “Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh một số anh em nuôi quân trong đơn vị đã hy sinh vào ngày 19/3/1965. Lần đầu tiên máy bay Mỹ đánh vào đội hình Xưởng X46, nhiều phương tiện máy móc, thiết bị trong xưởng bị tàn phá. Trước tình thế cấp bách đó, anh em trong xưởng vẫn kiên cường chiến đấu với bom đạn địch, không quản ngại hy sinh, dập lửa bảo vệ và cứu được 5 xe ôtô an toàn. Mặc dù bản thân bị thương ở bụng và chân do sức ép của bom đạn, nhưng tôi vẫn cố gắng động viên anh em nuôi quân giữ bình tĩnh, đồng thời tổ chức cho anh em sơ tán xuống giao thông hào ngoài bãi sông Con để ẩn náu”.

Thời điểm ấy, thiếu tá Đặng Văn Đài đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, lao động sáng tạo của đội ngũ những người thợ; là biểu tượng cổ vũ CBCS, nhân viên toàn xưởng vượt qua mọi thử thách, hy sinh trong bom đạn kẻ thù, vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những chiến công và sáng kiến, nỗ lực không ngừng trong công tác, thiếu tá Đặng Văn Đài đã được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 10 Bằng khen, 10 Giấy khen và 10 năm liền là Chiến sỹ thi đua tại cơ sở. Ngày 1/1/1967, ông vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Rời xa mảnh đất Tân Kỳ cách mạng khi đã cuối chiều, tôi không khỏi lưu luyến khi phải tạm biệt ông - Người anh hùng mang biệt danh “Vua sáng kiến”. Anh hùng Đặng Văn Đài là tấm gương sáng để cho chúng ta và các thế hệ sau học tập về tinh thần dũng cảm, kiên cường, ý chí dám nghĩ, dám làm, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

.

Hằng Nga