Gia đình xã hội
Chuyện trái khoáy ở một xã nghèo
(Congannghean.vn)-Châu Thái là xã nghèo của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), hiện đang hưởng chế độ Chương trình 135 của Chính phủ. Từ trung tâm UBND huyện Quỳ Hợp đến xã này chỉ khoảng 5 km, thế nhưng, trong một thời gian dài, khi ông Lô Văn Thước làm Chủ tịch UBND xã đã có nhiều việc làm quá tay, xem thường pháp luật. Điều đáng bàn, sau hàng loạt sai phạm trong thu, chi cũng như công tác quản lý, không những không bị kỷ luật, ông Thước còn được đề bạt chức cao hơn, Bí thư Đảng ủy xã.
*Bài 1: Khi dân nghèo đi đòi nợ chính quyền!
Để có tiền thanh toán công trình đường điện chạy qua địa bàn, do ngân sách xã cạn kiệt, Đảng ủy và chính quyền xã Châu Thái thống nhất ký vay nợ của hai công dân ở huyện Nghĩa Đàn với số tiền 30 triệu đồng, lãi suất 1,5%/tháng. Đồng thời, để bù lại, UBND xã Châu Thái đồng ý để hai người này bỏ tiền túi (256 triệu đồng) xây dựng toàn bộ đường dây hạ thế 04 toàn xã (nguồn vốn xây dựng công trình huy động trong dân). Nợ cho bên B xã đã trả, điện cũng làm xong nhiều năm, nhưng chính quyền lại “quên” thanh quyết toán cho công dân, buộc hai ông phải kiện ra tòa. Sau gần 6 năm khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, số tiền thi hành án mà chính quyền xã phải trả cho hai hộ dân đã lên đến hơn 400 triệu đồng, nhưng đến nay, họ vẫn chưa nhận được đồng nào dù phải mang đơn thư kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
UBND xã thành con nợ
Theo trình bày của các ông Nguyễn Sỹ Duyệt (SN 1949) và Phạm Văn Minh (SN 1960) trú tại xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn), vào ngày 10/12/1996, lãnh đạo xã Châu Thái gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng cán bộ tài chính và ban điện xã đến nhà hai ông đặt vấn đề vay tiền trả nợ cho bên B xây dựng công trình đường điện cao áp và trạm biến thế xã Châu Thái. Thời điểm này, các công trình nói trên đã hoàn tất, song chưa trả hết nợ cho bên B nên chưa thể đóng điện. Bù lại, nếu hai ông cho vay tiền, UBND xã Châu Thái sẽ ký hợp đồng xây dựng toàn bộ đường dây hạ thế 04 toàn xã, do hai ông Duyệt và Minh bỏ tiền ra đầu tư. Thỏa thuận được đưa ra, ngày 17/12/1996, tại văn phòng UBND xã, hai bên ký hợp đồng cho xã Châu Thái vay nợ, số tiền 30 triệu đồng với lãi suất 1,5%/tháng, trong vòng 2 tháng sẽ hoàn trả.
Hai công dân 16 năm đi đòi nợ chính quyền |
Ngay sau đó, theo thỏa thuận đã ký kết, cũng như sự đốc thúc của UBND xã này, ông Duyệt và ông Minh tập trung vay vốn để hoàn thành xây lắp đường dây hạ thế. Đến tháng 8/1997 thì hoàn thành và quyết toán công nợ, xã Châu Thái phải trả cho hai ông trong công trình này là 256 triệu đồng. Đến tháng 12/2002, phía UBND xã đã giải quyết được cho hai ông hơn 138 triệu đồng, còn lại 118 triệu đồng và 30 triệu đồng lãi suất 1,5% vẫn chưa được thanh toán, dù thời hạn vay trong vòng 2 tháng.
Sau nhiều năm đi đòi nợ UBND xã nhưng không có kết quả, ngày 12/12/2005, hai ông khởi kiện UBND xã Châu Thái lên TAND huyện Quỳ Hợp. Ngày 26/7/2007, TAND huyện Quỳ Hợp đưa vụ án ra xét xử, buộc UBND xã Châu Thái phải trả cho 2 ông Nguyễn Sỹ Duyệt và Phạm Văn Minh tổng số tiền 312.297.000 đồng (tiền lãi và gốc trong 10 năm). UBND xã Châu Thái có đơn yêu cầu Tòa án phúc thẩm, tại phiên phúc thẩm ngày 15/1/2008, TAND tỉnh đã tuyên y án sơ thẩm.
Loay hoay trong cách xử lý
Tuy nhiên, từ thời điểm bản án có hiệu lực đến nay, UBND xã Châu Thái chưa thanh toán bất cứ khoản nào cho hai ông Duyệt và Minh, dù đã có yêu cầu thi hành bản án. Sau gần 6 năm, hai ông đã cầm đơn đến nhiều cơ quan để được giải thích cũng như giải quyết vấn đề này, nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Quỳ Hợp cũng nhiều lần có công văn đề nghị UBND xã Châu Thái nhanh chóng thực hiện thi hành án như bản án của Tòa phúc thẩm đã tuyên. Tuy nhiên, xã Châu Thái là xã 135, thuộc xã đặc biệt khó khăn của địa phương (43% là hộ nghèo) nên số tiền để trả cho hai ông Duyệt và Minh vẫn chưa biết lấy từ nguồn nào.
Ông Vi Văn Quân - Thẩm tra viên Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Quỳ Hợp cho biết, đây là trường hợp hy hữu mà Chi cục gặp phải trong quá trình thi hành án. Để tháo gỡ vướng mắc, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Quỳ Hợp ký tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính Nghệ An xin kinh phí hỗ trợ, vì xã Châu Thái thuộc diện đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về mặt tài chính do ngân sách địa phương cấp, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, huyện lại giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu, giải quyết. Đại diện phòng này, ông Trưởng phòng Nguyễn Văn Thọ cho hay, tình hình thu ngân sách trong những năm qua trên địa bàn huyện không đạt kế hoạch của tỉnh và huyện giao nên không có nguồn để hỗ trợ bất cứ nội dung nào, kể cả hỗ trợ tài chính để thi hành án. Do vậy, UBND xã Châu Thái cần có giải pháp để cải tạo nguồn tài chính thực hiện thi hành án.
“Địa phương cần tiết kiệm ngân sách cùng với kinh phí của UBND huyện hỗ trợ một phần, còn hỗ trợ bao nhiêu thì tùy vào các cấp chính quyền và khả năng ngân sách của địa phương”, lời ông Thọ. Trong khi, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Châu Thái cho biết, nhiều năm qua, xã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nên đến nay vẫn không biết lấy từ nguồn nào để trả tiền nợ cho công dân. Được biết, tính đến thời điểm này, số tiền gốc và lãi suất mà UBND xã Châu Thái phải trả nợ cho hai công dân đã lên đến trên 464 triệu đồng.
Thiện Thành