Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201310/31424-bi-kich-gia-dinh-va-noi-dau-cua-nhung-dua-tre-mo-coi-414963/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201310/31424-bi-kich-gia-dinh-va-noi-dau-cua-nhung-dua-tre-mo-coi-414963/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bi kịch gia đình và nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 17/10/2013, 08:25 [GMT+7]
31424

Bi kịch gia đình và nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi

Từ một đứa trẻ sinh ra có trọn vẹn một mái ấm, khi bi kịch xảy ra, chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời.
 
Và nếu may mắn, các em được sống trong môi trường lành mạnh, được sự đồng cảm, sẻ chia thì sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Ngược lại, phải sống trong môi trường phức tạp, thiếu vắng tình thương cùng với sự mặc cảm, tự ti, những đứa trẻ ấy sẽ nhanh chóng bị vấp ngã, lạc đường.

Sinh năm 1993, tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Lô Thị Dịu sớm phải chịu cảnh mồ côi cha khi chưa tròn 3 tuổi. Sau một cơn bạo bệnh, người cha vĩnh viễn ra đi khi hai chị em Dịu chưa nhớ rõ mặt cha. Sáu năm sau, mẹ Dịu vì dính vào tội Mua, bán trái phép chất ma túy mà bị kết án 20 năm tù. Dịu cùng đứa em trai trở thành trẻ mồ côi từ ngày ấy. Ngày mẹ vào tù, chị em Dịu được bà Lô Thị Thành (em ruột của mẹ) đưa về cưu mang.
 
Năm 16 tuổi, nghe tin nhiều người phụ nữ trong bản theo chân nhau đi lấy chồng ở Trung Quốc, sẽ được ăn no mặc đep, có cuộc sống giàu sang, lại có tiền gửi về cho gia đình, Dịu đã tự dựng cho mình một viễn cảnh thật ngọt ngào, thay đổi số phận khi đặt chân lên đất khách. Rồi Lô Thị Dịu chủ động tìm gặp Vi Thị Năm, trú cùng bản, nhờ Năm đưa sang Trung Quốc để lấy chồng và được Năm đồng ý. Qua biên giới, Vi Thị Năm đã bán Dịu cho một người đàn ông ngoại quốc với giá 30 triệu đồng. Dịu trở thành nạn nhân của bọn mua, bán trẻ em ở cái tuổi 16.
 
Khi vừa mới sinh ra, Phạm Quốc Nam, trú tại huyện Quỳnh Lưu, đã là một đứa trẻ thiếu vắng tình cảm của người cha. Cũng như hai người chị của Nam, họ chưa một lần nhìn thấy mặt cha mình. Khi Nam 8 tháng tuổi, mẹ đem em cho một gia đình hiếm con ở địa phương khác để nuôi dưỡng. Nam lớn lên trong vòng tay của cha mẹ nuôi mà cứ ngỡ đó là những người ruột thịt của mình.
 
Cũng từ đó, Nam không một lần được gặp lại mẹ đẻ. Bí mật ấy được người lớn giấu kín cho đến khi cậu được 14 tuổi. Nghe người ta xì xào về mối quan hệ của gia đình, mới đầu em bức xúc, nhưng sau dần đã tỏ ra nghi ngờ. Biết không thể giấu mãi, cha mẹ Nam đã nói ra sự thật.
 
Lòng thù hận của Nam hình thành từ đó, Nam hận bố mẹ nuôi vì cho rằng họ là những người lừa dối, hận mẹ đẻ vì đã nhẫn tâm vứt bỏ giọt máu của mình. Nam mặc cảm vì cho rằng mình chỉ là một đứa con hoang được người ta cưu mang. Cũng từ đó, cậu bé lớp 8 thường xuyên bỏ học, bỏ nhà ra đi. 15 tuổi, Nam đã biết đến rượu bia, thuốc lá, biết tụ tập với nhóm bụi đời và bỏ học hẳn.
 
Rồi Nam đi bụi, sống vật vờ nay đây mai đó, những đồng tiền lấy trộm của bố mẹ nuôi cũng theo đó mà cạn dần. Không có tiền tiêu xài, ăn nhậu, Nam đã kiếm tiền bằng cách lẻn vào nhà dân để ăn trộm. Một lần thực hiện hành vi trộm cắp trót lọt, Nam lại lấy đó làm “bước đệm” để tiếp tục dấn thân cho các lần khác. Trong một lần đang dắt xe máy của người lạ, Nam bị phát hiện và bị bắt khi chưa bước vào tuổi 16.
 
Tìm gặp Hồ Xuân Hải (SN 2003), trú tại khối Trung Định, phường Hưng Dũng (TP Vinh) vào một buổi chiều muộn. Trong căn nhà cấp bốn nằm thu mình trong con hẻm nhỏ, Hải đang cặm cụi giúp bà nội nhặt mớ rau muống chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Em có dáng người cao, thanh mảnh, khuôn mặt sáng, trên môi luôn nở nụ cười. Nhưng trên khuôn mặt em luôn có một nét gì đó đượm buồn.
 
Trước đây, Hải cũng có một gia đình trọn vẹn theo đúng nghĩa, nhưng gia đình ấy đã bị khuyết đi một nửa khi em mới là đứa trẻ lên ba. Năm 2006, do mâu thuẫn gia đình, mẹ Hải đã chọn cái chết bằng cách treo cổ tự tử. Mẹ bỏ Hải ra đi khi em còn chưa nhớ rõ được hình dáng mẹ như thế nào. Đến năm 2011, bố Hải ra đi trong một vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường từ Nam Đàn thăm gia đình, bỏ em lại một mình. Hải trở thành một đứa trẻ mồ côi. Sự ra đi của bố mẹ là một nỗi mất mát lớn, mà đối với em, sẽ không có gì có thể bù đắp được.
 
Từ ngày bố mẹ mất, Hải được bà Hoàng Thị Châu (60 tuổi), bà nội Hải đưa về nuôi nấng, chăm sóc. Thương bà, Hải cố gắng học tập, ngoan ngoãn vâng lời bà và thầy cô ở trường, luôn lễ phép với mọi người xung quanh. Hiện tại, Hồ Xuân Hải là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trường Thi. Trong suốt nhiều năm học, Hải luôn giữ thành tích là một học sinh tiên tiến, gương mẫu của lớp, được thầy yêu, bạn mến.
 
Cũng bi đát như cảnh đời của em Hồ Xuân Hải, hai chị em Nguyễn Thị Hằng (SN 2003) và Nguyễn Cảnh Lường (SN 2005), cùng trú tại xóm 13, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu vẫn ngày đêm sống trong nỗi nhớ khôn nguôi về cha mẹ mình trong căn nhà thấp ẩm của bà ngoại. Bi kịch xảy ra cách đây đã hơn nửa năm nhưng hình ảnh lần cuối cùng được nằm trọn trong vòng tay của mẹ vẫn hiện lên trong tâm trí các em.
 
Do mâu thuẫn gia đình, người cha là Nguyễn Cảnh Linh đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của mẹ em bằng những nhát búa oan nghiệt. Chị Nguyễn Thị Hiệp ra đi để lại hai đứa trẻ ngây thơ cho mẹ già chăm sóc. Cảnh tượng mà hai chị em Hằng phải đối diện không gì khác ngoài nỗi đau mất mẹ, cha ngồi tù. Bi kịch của gia đình gây nên nỗi đau, nỗi ám ảnh rất lớn. Nhưng không vì vậy mà chị em Hằng sa sút việc học hành.
 
Suốt nhiều năm học, Hằng và Lường luôn đạt học sinh giỏi của lớp, của trường. Hiện tại, Nguyễn Thị Hằng đang là học sinh lớp 5, Nguyễn Cảnh Lường đang theo học 3 của Trường Tiểu học Quỳnh Tân A. Thành tích của hai em luôn được công nhận bằng những Giấy khen của trường, của lớp. Đó cũng là thành quả mà hai chị em Hằng đã cố gắng để thực hiện nguyện vọng duy nhất của bà ngoại.
 
Mỗi đứa trẻ là một số phận, các em không may mắn phải sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, sự thiếu vắng tình thương ruột thịt đã hình thành trong mỗi đứa trẻ có những cảm xúc, tính cách giống nhau khi cùng chung hoàn cảnh. Đó là sự bi quan, mặc cảm, nỗi ám ảnh khi phải sống trong một gia đình không trọn vẹn. Những đứa trẻ sinh ra vốn không may mắn ấy, nếu các em có những bàn tay dang rộng để cảm thông và sẻ chia, cùng với một môi trường lành mạnh để phát triển thì sau này, các em nhất định sẽ vượt qua nỗi đau, sự mặc cảm để trở thành những con người có ích cho xã hội.

Đoàn Hoàng
.