Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201308/29764-gap-nguoi-thuong-binh-cuu-nguoi-noi-bien-ca-403891/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201308/29764-gap-nguoi-thuong-binh-cuu-nguoi-noi-bien-ca-403891/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gặp người thương binh cứu người nơi biển cả - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 02/08/2013, 07:50 [GMT+7]
29764

Gặp người thương binh cứu người nơi biển cả

Gần cả cuộc đời lênh đênh trên biển cả, ông đã dang tay rộng mở cứu vớt gần 40 mạng sống thoi thóp bên bờ vực cái chết. Ông được mọi người khắp vùng làng chài nơi đây gọi với cái tên đầy thân mật "Người anh hùng nơi biển cả".

Chuyện trồng cây chắn sóng và những đứa “con được”
 
Cũng giống như bao thanh niên trai tráng trong làng, năm 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Lán lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 304 đóng ở Thanh Hoá. Sau 6 năm chiến đấu, ông trở về quê hương, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh, ông Lán lại hăng hái gia nhập vào HTX Quyết Thắng chuyên đánh bắt cá. Cũng từ đó, ông đã có thời gian để gắn bó với nghề đi biển.
 
Năm 1986, vì hoàn cảnh gia đình quá éo le, ông và 12 người con rời làng ra bám biển mưu sinh. Lúc đó, khu vực nhà ông ở là những đồi cát trắng, xung quanh chỉ là lá cây, hoa dại ven đường, mọc trước biển cả mênh mông. Nhận thấy hàng năm, đất đai bị xói lở do lũ lụt và sóng biển dâng cao, ông và các con của mình vay vốn, mua cây phi lao trồng gần 5 ha.
 
Những ngày đầu lập nghiệp nơi bồi bãi hoang sơ này, gia đình ông gặp biết bao khó khăn. Lúc biển động, lũ lụt, không ra ngoài khơi đánh bắt được con cá, con tôm là cả gia đình đành phải ăn cháo cầm hơi cả tháng ròng. Những cây phi lao chưa kịp lớn lên đã bị gió quật chết, bị sâu bệnh và lũ cuốn trôi, thứ lớn lên bị người ta chặt hết. Lợn, gà nuôi trong vườn thứ bị dịch, thứ bị trộm đột nhập bắt hết. Có lúc ông đã tự nhận mình thất bại, nhưng rồi với bản lĩnh của người lính, ông lại tiếp tục trồng và trồng ngày càng nhiều hơn.
 
Ông Lán còn tự hào, ngoài 12 đứa con ruột của mình, ông còn có rất nhiều đứa con nuôi, “con được”. Con nuôi thì nhiều lắm, nhưng “con được” đếm nhẩm cũng đã lên con số 10. Nhiều lần ra biển, nhất là lúc mặt trời đã lặn, ông thường có thói quen cầm gậy, dõi đèn đi qua bãi biển một lượt để xem có ai bị chết đuối không. Trong những lần như thế, ông đã bắt gặp rất nhiều em nhỏ lang thang trên bãi biển, ông hỏi thăm các cháu rồi đưa về nhà chăm sóc. Đứa nào ông cũng cố tìm ra địa chỉ để đưa về cho gia đình. Cũng có những đứa không rõ nguồn gốc, ông nuôi khôn lớn thì mới thấy yên lòng.
 
Ông Lán đang sắm lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt cá
 
Trong gần 10 đứa “con được”, ông thương nhất là bé Hoa ở xã Cương Gián. Đó là lần trên đường đi đánh bắt cá về, ông nhìn thấy một cô bé lang thang khóc nức nở trên bãi biển. Hỏi ra gia đình em nghèo lắm, em lang thang ra biển rồi thất lạc đến đây, sau một thời gian chăm sóc, ông đã đưa được cháu về với gia đình. Và cho đến bây giờ, chị Hoa vẫn xem ông như một người cha “vĩ đại nhất mọi thời đại” theo cách ví von hài hước của chị.
 
Cuộc chiến sinh tử nơi biển cả
 
Một đêm mùa đông, giữa cái lạnh tê tái, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ say nồng, thì ông Lán vẫn tay gậy, tay đèn đi ra biển quan sát một lượt như thường lệ. Và rồi trong bóng đen mù mịt, giữa muôn trùng khơi ấy, ông bỗng nghe mấy tiếng kêu thất thanh cất lên trong đêm tối. Nhưng khổ lắm, tiếng kêu cứu yếu ớt lúc nghe được, lúc không. Theo linh tính của mình, ông Lán hiểu rằng, ngoài biển đang có chuyện bất thường. Và rồi, ông chạy về nhà gọi anh em và các con đưa thuyền ra cứu người. Ông làm người chỉ huy cuộc trục vớt ấy.
 
Cả gia đình chạy ra biển, người dây, người lưới, người thúng thả xuống biển nước. Phía dưới gần 8 con người đang ngoi ngóp những hơi thở cuối cùng. Sau một hồi vật lộn với sóng to, gió lớn và cái lạnh thấu xương, cuối cùng ông và các con của mình đã cứu được 8 mạng sống khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Sau khi cứu xong, ông đưa họ về nhà hô hấp nhân tạo, đốt củi sưởi ấm, nấu cháo và mua thuốc men điều trị tận tình cho họ thoát khỏi cái chết. 8 người bị lật thuyền ấy quê ở chợ Mai Trang, tỉnh Nghệ An mà đến giờ ông vẫn còn nhớ.
 
Lần khác, đó là lúc biển động, 5 cô gái quê Xuân Hội đi kiếm củi về đốt, không biết loay hoay thế nào mà bị sóng cuốn trôi. Trong phút bàng hoàng, ông hốt hoảng gọi các con ra biển để cứu. Mặc dù sóng to, 5 cô gái bị sóng cuốn lên cao rồi quật xuống, việc cứu vớt gặp vô vàn khó khăn, nhưng bằng kinh nghiệm đi biển, ông và các con đã cứu được họ sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn. Sau này, chị Hoa, người đã may mắn thoát chết lần ấy đã nhận ông làm bố nuôi.
 
Gần 40 mạng sống được ông ra tay nghĩa hiệp, có người nhận con nuôi, có người cho ông ít tiền bạc, nhưng đa số sau khi được ông cứu giúp, họ chỉ có một lời cảm ơn, một cái bắt tay thật chặt và một nụ cười thán phục. Thậm chí, có người ông còn cho tiền để bắt xe về quê, đưa về nhà chăm sóc cả tháng ròng. 
 
Không chỉ là người hùng nơi biển cả, mà ngay trong cuộc sống hàng ngày, ông còn dùng số tiền chắt góp của mình mấy chục năm bám biển mưu sinh, tiền bán cây phi lao để cho 42 người trong vùng sắm sửa đồ nghề đi biển, để họ mua và đóng 4 chiếc thuyền đánh bắt cá xa bờ. Ông còn nhiệt tình tham gia mọi công tác trong hội, trong xóm, sống tròn chữ nghĩa với bà con làng xóm.
 
Dù hoàn cảnh gia đình đang vô vàn khó khăn, vợ đau ốm nằm liệt giường suốt 3 năm liền, căn nhà mục nát, mùa mưa nước chảy vào lênh láng chưa được sửa lại, 12 người con làm chài lưới cũng chỉ lo đủ bát cơm manh áo. Nhưng tôi tin, với sự giúp đỡ của xã hội, "người anh hùng biển cả" lại có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc ở quãng đời còn lại của mình.

Tiến Giang
.