Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201305/28163-canh-giac-voi-thay-lang-kham-benh-ven-duong-405278/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201305/28163-canh-giac-voi-thay-lang-kham-benh-ven-duong-405278/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với "thầy lang" khám bệnh ven đường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 09/05/2013, 08:20 [GMT+7]
28163

Cảnh giác với "thầy lang" khám bệnh ven đường

Và cũng vì nhẹ dạ, tin vào lời nói vô căn cứ của các “thầy lang băm” mù mờ mà nhiều người đã gánh trọn hậu quả “tiền mất tật mang”.
 
Trên địa bàn TP Vinh thời gian gần đây có sự xuất hiện những phòng khám “hai không”: Không giấy phép kinh doanh, không bảng hiệu mọc ở ven đường gần các trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp và mọc ngay cả lối đi vào các khu chợ. Phòng khám được mở ra rất đơn giản: Một tấm vải dài khoảng 4m được trải ngay ngắn bên vỉa hè, trên tấm vải được trưng bày khoảng vài chục túi ni lông, bên trong chứa những mảnh vụn của thân, lá và rễ cây.
 
Các "thầy lang" hoạt động khá nhiều trên vỉa hè TP Vinh
 
Cũng có những túi ni lông nhỏ, bên trong đựng những hạt tròn tròn, màu đen, nhỏ như mắt cá... Đó là những thứ mà theo như lời thầy lang gọi là thuốc. Bên trên bao bì hay trong những cái túi đựng “thuốc” không có bất kỳ một dòng chữ, mảnh giấy nào ghi tên thuốc, nguồn gốc, công dụng hay cách dùng. Chủ nhân của “phòng khám” thường là một hoặc hai người phụ nữ, cũng có lúc là một nam, một nữ. Vừa ngồi mời gọi khách vừa kiêm luôn cả phần khám bệnh và bốc thuốc.
 
Đó là tất cả những gì gọi là hành trang để “thầy lang” chuẩn bị cho quá trình hành nghề khám, chữa bệnh của mình. Nhìn thấy mớ rễ, lá cây được bày ngay ngắn bên vệ đường, kèm theo đó là những lời mời gọi, chào hàng thì người dân đã đặt cho những kẻ hành nghề trên bằng cái tên “thầy lang” quen thuộc.
 
Bệnh nhân của “thầy lang” ven đường chủ yếu là chị em công nhân, sinh viên và người dân (đặc biệt là phụ nữ) sống quanh khu vực mà “thầy” đang hành nghề. Những người được gọi là “bệnh nhân” thường là những người vô tình gặp phải “thầy lang”, dù vô tình hay cố ý cũng được “thầy lang” chọn làm tâm điểm.
 
Xa thì “thầy” vẩy tay lại, gần thì “thầy” nắm tay kèm theo những lời mời gọi khéo léo. Rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin, cũng không ít người hiếu kỳ nhận lời mời, ngồi xuống để “thầy lang” cầm tay, nhìn mặt rồi phán bệnh một cách dễ dàng và... cứ thế, tất cả đều trở thành “con bệnh” trong chốc lát.
 
Người qua đường đồng ý mua thuốc một cách vô thức, không hoài nghi, suy nghĩ. Không cần biết nguồn gốc của số thuốc ấy ở đâu, có thể chữa được bệnh gì, chỉ biết thuốc được bán với giá rất phù hợp: 9 thang thuốc cho chín ngày uống với giá 90.000 đồng đến 120.000 đồng mà theo lời “thầy” nói, chỉ cần uống hết số thuốc như đã kê thì sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Đang lo lắng vì căn bệnh “thầy” vừa phán lại nhanh chóng được xoa dịu với công dụng của mớ thuốc “thầy” kê nên người dân dễ dàng tin và mua thuốc của “thầy”.
 
Chị Hoàng Thị Yến Lan (20 tuổi) trú tại đường Nguyễn Viết Xuân, người tình cờ gặp “thầy lang” và được “thầy” phán bệnh ngay tại lối vào chợ Nhà Đỉn (phường Hưng Dũng) cho biết: "Thầy lang” phán tôi bị nóng gan, thường bị nhức mỏi hai bên bả vai, hay chóng mặt, người luôn mệt mỏi nên mặt nổi nhiều mụn, sắc mặt xấu.
 
“Thầy” khuyên uống chín thang thuốc của “thầy” đảm bảo không những hết bệnh mà còn được sở hữu một làn da như ý. Tôi đồng ý lấy thuốc về sắc uống và kết quả là không những không hết bệnh mà còn gánh thêm bệnh đau dạ dày.
 
Chị Hoàng Tuyết Nhung (32 tuổi trú tại phường Trường Thi, cũng là một trường hợp tương tự. “Thầy” bốc cho chị 5 gói thuốc viên tròn, màu đen và bảo chị uống trong 5 ngày sẽ khỏi hẳn. Chị uống đến ngày thứ hai thì công dụng đâu không thấy, chỉ thấy người mệt mỏi lại mất ngủ nên ngưng hẳn thuốc.
 
“Thầy lang” phán chị bị yếu dây chằng nên thường xuyên đau lưng, kém ăn, máu xấu nên thường xuyên xuất hiện nám trên mặt. Lúc đầu, chị Nhung cũng đắn đo vì sợ gặp phải thầy “dởm” nhưng rồi khi nghe đến tổng tiền thuốc và tiền khám bệnh chỉ hết 30.000 đồng kèm theo những lời nói làm phước ban ơn như: “Tôi khám bệnh bốc thuốc là để tích nhân tích đức, mai mốt khỏi bệnh chắc chắn chị sẽ đến đội ơn”.
 
Thời gian hành nghề của “thầy lang” chủ yếu vào những giờ cao điểm. Địa điểm hành nghề cũng được thay đổi liên tục, lúc ở chợ Bến Thủy, khi lại về chợ Vinh, chợ Nhà Đỉn, hay trên vỉa hè của cổng sau Trường Đại học Vinh... Bằng chiêu bài đã được soạn sẵn, nhiều “thầy lang” cứ thế mở phòng khám ven đường, nơi đông người qua lại để khám, bốc thuốc chữa bệnh và thu tiền một cách ngang nhiên nhằm quảng cáo thương hiệu "dởm" của mình.
 
Sức khỏe con người là một trong những vấn đề hàng đầu được xã hội quan tâm, nhưng nó cũng là mối đe dọa đối với không ít người nhẹ dạ tin vào những lời nói vô căn cứ của những “thầy lang” mù mờ để rồi dẫn đến hậu quả "tiền mất tật mang" là điều tất yếu.

Đoàn Hoàng
.