1. Chị học đến lớp 10 thì thôi học. Thôi học là thôi hẳn, chỉ ở nhà làm nội trợ phụ giúp gia đình, tuyệt không học thêm thứ nghề nào khác. Suốt ngày quanh quẩn với những việc không tên cho đến năm 27 tuổi, thì chị kết hôn. Lấy chồng năm trước, năm sau chị sinh hạ được cậu nhóc đầu lòng.
Hôm ở Tòa, chị không nói là thuở còn yêu nhau, tính tình chồng chị ra sao. Chị chỉ nói: “Ảnh say xỉn, chửi rủa rồi đánh đập tôi suốt ngày”. Quan niệm Á Đông cho đến giờ, vẫn trói chặt người phụ nữ. Ít ra, là sự kìm hãm trong ý thức hệ. Phụ nữ trót không may lấy phải chồng vũ phu, thì chỉ biết tấm tức khóc khi đêm về, chỉ biết cắn răng vào gối trách mình tủi phận.
Nguyễn Thị Mỹ Linh tại tòa án
Câu chuyện của chị khiến tôi nhớ đến mối bi kịch của cô hàng xóm ở quê. Ngày bé, tôi quen gọi là cô Nữ.
Nghe người lớn kể lại, thì 17 tuổi, cô Nữ đã trốn nhà vào ga sống với người đàn ông mà cô thương. Ga là khu vực dân cư sinh sống cạnh đường ray xe lửa. Một nơi đầy phức tạp, nơi người ta đổ sức và máu để kiếm miếng ăn.
Cô trốn trong ga được mươi hôm, thì cha mẹ cô tìm được cô về. Ngăn cản cô đủ kiểu, dọa sống dọa chết hết lời nhưng không được. Đành lòng, họ phải để cô về với người đàn ông ấy.
Cô sinh liền tù tì ba cô con gái, mãi sau mới có cậu con trai. Ngày cô mang thai, ngày cô ở cữ, ngày cô bán mặt ngoài chợ trên sạp rau, đêm cô đang cho con bú… bất kể lúc nào, ở thời điểm nào… cô đều bị chồng đánh.
Nguyễn Thị Mỹ Linh tại tòa án.
Đánh bằng tay, đánh bằng cây, đánh bằng ly thủy tinh, đánh bằng bình thủy. Thậm chí, có lần đánh bằng dao thái thân chuối cho lợn ăn. Tôi nhớ như in hình ảnh, cô bụng chửa vượt mặt, chồng cô đánh cô bằng cách dùng hai ngón tay móc chặt vào hai xương nơi bả vai, cô khóc thét lên rồi ngất lịm.
Đánh thì đánh vậy, chửi thì chửi vậy nhưng ở với nhau vẫn cứ ở. Chỉ sau đận, chồng cô dùng dao chém cô toác đầu, máu đỏ thẫm cả vùng cổ, ngực áo… cô mới dắt díu con đi nơi khác sinh sống.
Lâu quá, không thấy cô về lại quê. Có nghe mấy chị trong xóm nói, cô đi làm thuê cho người ta ở Tân Triều. Cô con gái thứ hai của cô, chịu dư chấn từ những trận đòn của bố trút lên người mẹ khi còn trong bụng, trở nên ngớ ngẩn, ú ú ớ ớ nằm một chỗ từ bấy đến nay. Cô con gái đầu tiên thì lấy chồng, cũng ít hạnh phúc. Cô con gái thứ ba, theo bạn bè sang Trung Quốc rồi bặt tin. Cậu con trai út đang phụ việc tại một lò gạch.
Gia cảnh của cô nát mem, nát từ cuộc đời của cô kéo dài sang cuộc đời của con cô. Vậy mà, người quê chỉ xem đó là sự xui rủi. Cô bỏ đi, thì bảo cô may vì thoát khỏi gã chồng khốn nạn. Cô không bỏ đi, thì bảo cô nhẫn nhịn giỏi. Không ai đủ tỉnh táo để khuyên cô nên báo với chính quyền địa phương, nên đệ đơn xin ly dị.
2. Trở lại câu chuyện của chị. Sinh cho chồng cậu con trai đầu lòng, thay vì nhận được sự yêu thương hơn từ người đàn ông của đời mình, chị lại nhận được toàn đòn roi và sự hằn học.
Tình thật, tôi không thể nào hiểu được tại sao có những gã đàn ông lại có thể tay đấm chân đá với người chung chăn gối với mình. Lại càng không thể hiểu được làm sao có thể hành hung người phụ nữ là mẹ của các con mình. Làm sao có thể đánh đập người phụ nữ mà mình đã yêu đương và chọn làm người phối ngẫu. Mà chắc là, chỉ có những gã đàn ông hèn hạ và yếu đuối, mới đi gây sự chân tay với đối tượng không có được thể trạng khỏe mạnh bằng mình.
Dằng dặc hàng chục năm liền, chị sống trong khoảng không gian đậm màu bi thương ấy. Xen kẽ những ngày bình yên, chị có mang cô con gái thứ hai. Năm 2009, cô bé chào đời. Cuộc sống gia đình của chị vẫn không có gì thay đổi, chị vẫn là thứ để chồng chị trút giận trong các cơn say.
Con gái vừa hơn 2 tuổi, manh nha trong đầu chị có ý định tự vẫn. Với chị, có lẽ đó là cách giải quyết tốt nhất để thoát ra khỏi sự đọa đày. Chị tuyệt vô hy vọng vào một ngày chồng hồi tâm.
Chị mua hai lọ thuốc cảm, một lọ 100 viên, lọ còn lại 200 viên. Chị đã chuẩn bị sẵn thư tuyệt mệnh gửi cho chồng. Chị đã đổ thuốc ra tay, rót nước vào cốc. Nhưng nghĩ đến con thơ, chị không đành lòng. Chị lại cất thuốc đi. Giá mà, mọi chuyện dừng lại ở đây. Giá mà, chồng chị lên một cơn thương vợ, chắc là đớn đau đã không hiện hữu. Tiếc rằng, đời sống vốn dĩ luôn ít phép mầu. Và với những người khốn khổ như chị, phép mầu lại thường không tìm đến.
Hai ngày sau cái ngày chị định tự tử, chồng chị lại say. Kịch bản cũ lặp lại, đánh và mắng. Trong cơn uất ức của sự cùng cực, chị đã quyết định chọn một lối thoát theo cách của riêng mình.
Sâm sấp khuya, chị cho cô con gái uống 2 viên thuốc cảm. Chị thừa biết, cháu uống hết 2 viên thuốc cảm ấy, sẽ ngủ mê man. Chị muốn con ngủ mê man, để cháu được bình an bên cạnh mẹ vào cái đêm oan khiên này. Tội nghiệp vô cùng, thời điểm đó, cô bé đang bị sổ mũi.
Nhìn con gái lần cuối, chị tống hết hàng trăm viên thuốc cảm vào miệng. Sợ thuốc chưa đủ mạnh, chị còn uống hết 2 vỉ thuốc ngủ thảo dược. Loại thuốc ngủ này, thi thoảng mỗi khi căng thẳng khó ngủ, tôi cũng có uống. Nên chi tiết 2 vỉ thuốc ngủ thảo dược có sẵn trên đầu giường, nhắc tôi biết rằng chị đã trải qua nhiều đêm bi phẫn. Chị như một người bị stress liên tục, stress rất nặng bởi những chấn động mãnh liệt về mặt tinh thần.
Uống hết số thuốc trên, chị nằm bên cạnh con. Đồng hồ điểm những tiếng thời gian buồn bã, trong khoảng thời gian chờ thuốc ngấm, chị bỗng hoảng hốt bởi ý nghĩ, chị chết rồi ai sẽ chăm sóc cô con gái út của chị. Mà trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết ở thời điểm đó, quá khó để hy vọng vào một ý niệm tỉnh táo hơn từ chị.
Chị bật dậy với ý nghĩ, để con gái theo mình. Chị đưa hai tay lên vùng cổ của con, bóp mạnh… Sau lúc biết con gái đã chắc chắn không còn thở nữa, chị khóc rồi nằm xuống.
Ít phút sau, thuốc ngấm dần. Cơ thể chị phản kháng với thành phần của thuốc, chị vật vã, gào thét. Chồng chị, thoát cơn say, nghe tiếng chị bật dậy. Phát hiện tình trạng của chị và con gái, vội vã đưa cả hai mẹ con đến bệnh viện. Được sự trợ giúp của các bác sĩ, chị thoát chết. Còn cô con gái bé bỏng của chị, đã không còn.
3. Một ngày trước khi tôi viết bài này, chị ra Tòa. Vị Chủ tọa phiên Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt chị mức án 8 năm tù giam. Chị đón nhận mức án ấy trong nước mắt.
Chắc chắn, chị không sợ những ngày tù tội. Chị không khóc vì hàng nghìn đêm giam mình trong bốn bức tường. Chắc chắn, chị không khóc vì mình. Như lời chị nói, chị khóc vì nỗi hối hận đã tước đi mạng sống của con.
Khởi thủy của bi kịch mà chị đang gánh nhận, bắt đầu từ ai?
Nếu chị có một gia đình hạnh phúc, chị có thực hiện hành vi nhẫn tâm đó không. Nếu chị có một người chồng biết lo lắng và yêu thương vợ con, chị có làm điều mà tiền nhân đã dạy “Hùm dữ không nỡ ăn thịt con” không. Nếu chị được êm ấm như nhiều người phụ nữ khác, chị có thực hiện hành động rồ dại ấy không.
Đặt ra mệnh đề nghi vấn vậy thôi, chứ hiển nhiên câu trả lời sẽ là không. Bởi có ai lại cuồng loạn đến mức hủy hoại đi mạng sống của cô con gái mà mình đã dứt ruột sinh ra.
Nhưng có biện minh bằng cách nào đi chăng nữa, thì hành động mà chị đã gây ra vẫn không thể được tha thứ. Có điều, chị được sống, đã là hình phạt khủng khiếp nhất mà chị phải nhận lãnh cho hành vi của mình.
Còn chồng chị, gã đàn ông ấy đang nghĩ gì? Có đau đớn không, có hối hận không, có thù hằn không, có tha thứ không, có xét lại mình không… Tôi hoàn toàn không biết, và tôi cũng không muốn biết.
Tôi nhớ đến những vụ việc liên quan đến huyết thống mà tôi đã từng làm, tôi nhớ đến những mặt người vướng víu khổ đau mà tôi từng gặp, tôi nhớ tiếng khóc của người mẹ trẻ giữa trưa nắng giội lửa lên đầu, tôi nhớ di ảnh của hai cậu bé bị bố tước đi mạng sống… Tôi nhớ rất nhiều thứ, nhớ đến độ thấy người khi ngoài phố bỗng dưng trở nên nhạt nhòa.
Căn nguyên là từ người lớn, đành lòng nào đổ hết hậu họa cho những nụ cười non tơ(!).
Tôi để mở cái kết cho bài viết này, tùy theo nhận định của cá nhân mà bạn đọc đưa ra suy nghĩ cho riêng mình. Còn với tôi, tôi thương chị hơn là trách chị. Dẫu rằng, tôi không biết giấu những xót xa cho cô bé là con gái chị vào đâu.
Chị tên là Nguyễn Thị Mỹ Linh.
CSTC
.