Niềm tự hào “Già làng”
Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Thung - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nghi Thái tại nhà riêng. Ông tiếp chúng tôi nhiệt tình và thân thiện, tuy năm nay đã 75 tuổi nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn, với bước chân sải dài khỏe mạnh, gương mặt hồng hào đỏ đắn chưa thấy biểu hiện của người tuổi già. Ông cho biết: Đến tháng 3/2013, Hội người cao tuổi xã Nghi Thái có tới 917 hội viên, trong đó độ tuổi từ 60 tuổi đến 70 tuổi có 392 cụ, từ 70 tuổi đến 80 tuổi có 329 cụ, từ 80 tuổi đến 90 tuổi có 153 cụ, ngoài 90 tuổi có 25 cụ và 3 cụ tròn 100 tuổi. Đặc biệt, có 2 cụ 102 tuổi và một cụ bà 106 tuổi vừa quy tiên.
Vừa vui vẻ kể chuyện, ông Thung vừa mời chúng tôi đến thăm gia đình cụ bà Đặng Thị Năm ở xóm Thái Lộc, năm nay cụ vừa tròn 100 tuổi. Khi chúng tôi vào, chỉ một mình cụ Năm ở nhà trông nhà. Thấy khách lạ, cụ bước ra và mời chúng tôi vào uống nước chè xanh. Mặc dù lưng cụ đã còng nhưng mắt và tai cụ vẫn còn rất tinh.
Cụ bà Đặng Thị Năm (phải) vừa tròn 100 tuổi nhưng
hàng ngày vẫn trông nhà cho con cháu đi làm
hàng ngày vẫn trông nhà cho con cháu đi làm
Trò chuyện với chúng tôi, cụ cho biết, hàng ngày cụ thường trông nhà cho con cháu đi làm ruộng, đi học. Cách đây 4 năm, tức là lúc đã 96 tuổi, cụ còn đi cắt rau, trỉa đậu. Nhưng vài năm nay, tuổi cao sức yếu nên cụ không ra vườn làm nữa. Khi hỏi về con cháu, cụ Năm lẩm nhẩm rồi cười móm mém: “Tôi có tất cả 34 đứa con và cháu, trong đó có 8 người con, 16 đứa cháu, 10 đứa chắt”.
Vòng qua xóm Thái Thọ, chúng tôi ghé nhà cụ ông Lương Văn Khánh, năm nay cũng tròn 100 tuổi. Thấy chúng tôi vào, cụ Khánh từ trong nhà nhìn ra, cười nheo nheo hai con mắt. Ông nói vui rằng, tuy tai ông hơi lãng một chút thôi, còn mắt thì đêm không cần đèn vẫn tự đi một mình được. Từ hồi còn thanh niên cho đến lúc về già, ông Khánh luôn quần quật với ruộng vườn đồng áng vất vả lam lũ suốt mấy chục năm nay nhưng sức khỏe vẫn rất tốt, chưa biết mùi bệnh viện là gì.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xã Nghi Thái có rất nhiều cụ tuy tuổi cao nhưng họ là những tấm gương điển hình về lao động làm kinh tế giỏi. Điển hình như cụ ông Nguyễn Văn Hòe, 80 tuổi, ở xóm Thái Học làm mộc dân dụng cho thu nhập cao. Sản phẩm chính là những chiếc cày dùng cho nhà nông do chính tay ông đẽo rất khéo léo, tài hoa. Sản phẩm của ông được khách hàng ở trong và ngoài xã tìm đến mua rất đông. Mỗi năm từ sản phẩm này mang lại cho ông nguồn thu nhập trên 60 triệu đồng. Hoặc trường hợp cụ ông Nguyễn Trung Tám ở xóm Thái Học cũng là tấm gương điển hình về người cao tuổi làm kinh tế giỏi từ trồng cây cảnh cho thu nhập cao…
Trường thọ thuận theo tự nhiên
Đi trên những con đường làng rợp mát bóng tre ở xã Nghi Thái, vào xóm nào cũng gặp người cao tuổi. Có lẽ cũng bởi nhờ khí hậu trong lành, môi trường trong sạch, mọi người sống vô tư, hiền hậu nên những người sống ở đây cũng thuận theo tự nhiên mà trường thọ.
Vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Nhu và bà Trương Thị Tám ở xóm Thái Lộc năm nay đã 80 tuổi kể rằng, sống đến từng này tuổi đời, cho đến nay dù mái tóc đã bạc trắng nhưng họ vẫn không rời cái cuốc, bởi chỉ cần một ngày không lao động chân tay là thấy khó chịu trong người. Hai ông bà thường chia lịch sinh hoạt hàng ngày: “Mỗi bữa ăn đều đặn hai bát cơm với rau xanh trồng trong vườn và con cá dưới ao hoặc ngoài đồng, mươi ngày thịt một chú gà tự nuôi, luộc và nấu cháo cho ông bà ăn cùng các cháu.
Thường xuyên ăn tối lúc 7 giờ và xem tivi đến 9 giờ là đi ngủ, 5 giờ đã dậy thể dục, đi bộ quanh nhà ra vườn rồi nghỉ ăn sáng. Sau đó đi thăm đồng ruộng, thỉnh thoảng làm vườn nhẹ nhàng như nhổ cỏ, tưới rau”. Chòm xóm xung quanh cho biết: Cụ Nhu và cụ Tám chưa từng to tiếng cãi vã nhau, hai cụ luôn tôn trọng ý kiến và bàn bạc với nhau để đi đến sự thống nhất. Các cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cũng như với bà con làng xóm.
Ông Phạm Văn Thung - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã nhấn mạnh: Sự sống bền lâu, tuổi thọ cao của dân làng Nghi Thái đầu tiên là do chủ yếu làm nông, chịu khó rèn luyện nên sức khỏe dẻo dai. Thứ hai là do di truyền giống nòi, ở xã này trước đây có nhiều cụ sống được gần 110 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn.
Thứ ba là do môi trường sinh hoạt thoải mái và duy trì chế độ ăn uống điều độ nên con người luôn khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Trong đó, môi trường trong lành và nguồn thức ăn sạch đảm bảo, không lẫn vào một chút hóa chất là yếu tố rất quan trọng để sống lâu, sống khỏe. Mỗi người cũng nên giữ đầu óc trong sạch chỉ nên suy nghĩ về những điều tốt lành. Nói rồi, ông Thung cười rất sảng khoái trên khuôn mặt rạng ngời của cái tuổi 75 mùa Xuân.
Ông cha ta ngày trước có bí quyết giữ gìn sức khỏe rất đơn giản: Tuy có lúc vật chất không đầy đủ như ngày nay, nhưng các cụ luôn vui vẻ, thích lao động, duy trì chế độ ăn uống hợp lý. Đặc biệt, luôn giữ tinh thần sảng khoái bằng cách sống hòa đồng với tất cả mọi người, luôn tạo niềm vui trong cuộc sống đừng để buồn phiền chế ngự, duy trì tập thể dục thường xuyên để cân bằng sức khỏe. Có như vậy mới sống lâu, khỏe và sống có ích cho gia đình, xã hội.
Lê Hoa
.