Ông Cảnh sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Đến tuổi trưởng thành, các anh của ông đều lần lượt tham gia bộ đội. 20 tuổi (năm 1979), ông trúng tuyển vào lực lượng Công an vũ trang. Sau đó, đơn vị ông sang Campuchia, thuộc D212, E8 làm nhiệm vụ quốc tế.
Tháng 9/1983, ông bị thương và chuyển về Bệnh viện 175, thành phố Hồ Chí Minh điều trị, nhưng do vết thương quá nặng, phải cắt bỏ cả hai chân. Sau đó, ông được đưa đi điều dưỡng ở Củ Chi, rồi ra Đoàn 200 tại huyện Quỳ Hợp và khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An. Năm 2007, với chủ trương đưa thương binh nặng về sống cùng gia đình, ông xây dựng gia đình riêng.
Trở lại cuộc sống đời thường với biết bao khó khăn, vất vả nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông đã cùng gia đình vượt khó để vươn lên, đầu tư xây dựng máy móc, mở xưởng sản xuất cơ khí. Ông đã tự chế một chiếc xe máy cũ thành xe ba bánh để tiện việc di chuyển, rồi ông lại tự mày mò sáng chế thành công xe máy có hộp số lùi, giúp thương binh, người khuyết tật di chuyển bằng xe máy dễ dàng hơn.
Ông Đinh Văn Cảnh đang lắp ráp hộp số lùi xe máy ba bánh
Từ năm 1990 đến nay, ông Đinh Văn Cảnh đã sản xuất được 150 hộp số lùi xe máy ba bánh cho thương binh, người khuyết tật ở Nghệ An, Hà Tĩnh, huyện Thường Tín (Hà Nội)... Hiện, ông Cảnh mong muốn được đăng ký bản quyền hộp số lùi xe máy ba bánh trước khi phổ biến rộng rãi. Ông còn sản xuất được 14 chiếc xe lăn, xe lắc và xe điện ba bánh đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh sản xuất cơ khí, sáng chế hộp số lùi xe máy ba bánh, xe lăn, xe lắc, vợ chồng ông còn nhận làm đại lý bia VIDA cho Nhà máy Bia Nghệ Tĩnh; quầy hàng ăn uống, giải khát, vừa giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông đã có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang, ba con học hành thành đạt.
Ngoài sự cố gắng vươn lên trong lao động, ông còn là người hoạt động tích cực trong công tác xã hội, thường xuyên thăm hỏi, động viên những đồng đội là thương binh, bệnh binh, làm tốt công tác chính sách đối với người có công, vận động các thương binh khác cùng chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người lính Cụ Hồ.
Với những đóng góp cho quê hương, năm 2008, ông vinh dự được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen là người có công cách mạng, đã khắc phục khó khăn, vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác. Thương binh Đinh Văn Cảnh thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Viết Hùng
.