Nhưng rồi, anh lính trẻ đã hy sinh tại mặt trận, cô gái ấy đã khước từ biết bao chàng trai khác đến cầu hôn với lý do, "yêu và chỉ yêu duy nhất một người, dù người đó đã hy sinh". Cũng từ đó, hơn 20 năm trời, chị "ăn sương nằm gió" để tìm cho được ngôi mộ của người yêu đã bị thất lạc trong chiến tranh.
Chuyện tình lớn lên trong chiến tranh
Ngày ấy, cô gái trẻ Phùng Thị Huệ vừa tròn 16 tuổi, vì muốn cống hiến sức trẻ của mình cho đất nước, chị đã nhờ người thân khai gian thêm 2 tuổi để được lên đường làm thanh niên xung phong ở đơn vị C557 thuộc P18 của chiến trường Khe Sanh. Trong một lần hành quân giữa cái lạnh "cắt da cắt thịt" ở mảnh đất miền Trung, chị đã dừng chân nghỉ lại bên đường.
Giữa mùa Đông lạnh giá, bỗng xuất hiện một anh lính đang đốt củi sưởi ấm. Sau chút e ngại vì lời mời thân thiện của anh lính: "O gì đó ơi! vào đây sưởi ấm cho đỡ lạnh". Chị mạnh dạn lại ngồi sưởi ấm bên bếp lửa cùng anh lính, 2 người đã nói chuyện. Và sau cái đêm đầy kỷ niệm đó, định mệnh đã đưa 2 người lính trẻ đến với nhau.
Ở cùng đơn vị và được gần nhau tròn 3 năm thì anh chị phải xa nhau. Anh được đơn vị cử ra Hải Phòng học lớp Trung cấp Hàng hải. Cũng trong cuộc mở đường năm đó, cô gái trẻ ấy đã bị thương và trở về quê hương công tác. Trước lúc chia tay nhau, họ đã định ngày Tổ quốc giành độc lập để làm đám cưới. Nhưng ở đời chẳng ai biết được chữ "ngờ", sau khi nghe tin bom đạn cướp đi sinh mạng của mẹ già và em trai, chàng trai trẻ Đặng Xuân Thọ đã quyết tâm "xếp bút nghiên" nộp đơn tiếp tục gia nhập quân đội để trả thù cho những người thân yêu trong gia đình đã mất.
Năm 1970, sau chuyến về phép, anh Thọ về quê chị Huệ để xin được làm đám cưới, nhưng chị đã không chấp nhận. "Lúc ấy, tôi nói với anh Thọ là khi nào đất nước giành độc lập, chúng mình sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng đến bây giờ, tôi đã hối hận vô cùng, vì khi ấy nếu chấp nhận làm vợ anh, ít ra cũng đã có mụn con để quên đi nỗi đau mất mát quá lớn này. Vì chỉ 2 năm sau, anh Thọ hy sinh ở chiến trường phía Nam", chị Huệ ngậm ngùi chia sẻ.
Chuyện tình yêu đang "thêu hoa dệt gấm" bỗng tan thành mây khói, khi một lần có người thân đến báo tin, anh Thọ đã ra đi mãi mãi. Chỉ nghe đến đó thôi, chị như chết lặng, trái tim như rụng rời khỏi cơ thể và cũng từ đó, chị trở về nhà bắt đầu sống thu mình với căn nhà bé nhỏ.
Người yêu qua đời, ở nhà chị xin phép gia đình anh làm con dâu để suốt đời được chăm sóc cho bố. Sau khi bố anh mất, chị lại đem ba bát hương chuyển về căn nhà đơn sơ của mình làm nơi thờ phụng. Nhưng rồi bất hạnh một lần nữa đổ ập xuống với chị. Năm 1989, cơn lũ hung dữ đã cuốn trôi túp lều tranh kể cả tiền bạc chị tích góp từ việc đánh bắt con tôm, con tép trên sông. Trở về từ đống hoang tàn, chị bắt đầu gây dựng lại tất cả từ con số 0 tròn trĩnh.
Để tình yêu với anh trở nên trong trắng, bất diệt, chị đã đóng một chiếc giường cưới. Mà theo chị, chiếc giường này chị chưa bao giờ nằm ngủ, để gọn gàng trong một gian phòng ấm cúng nhằm tưởng nhớ đến anh Thọ. Những kỷ vật tình yêu trong thời chiến như chiếc vòng đeo cổ, cái bọc chăn, đôi gối và 21 lá thư tình vẫn được chị lưu giữ lại cẩn thận và theo chị, có đến chết những kỷ vật của mối tình đầu nảy nở trong chiến tranh ấy sẽ được người thân của chị cất giữ mãi mãi.
Chiếc giường và những kỷ vật tình yêu được chị lưu giữ trong một góc phòng cẩn thận
Hơn 20 năm đi tìm mộ người yêu
Tình yêu của chị lớn lên thật đẹp nhưng rút cuộc cái kết của nó thì thật bi thảm. Chị hiểu rằng, để vơi bớt đi nỗi mất mát quá lớn ấy, chị đã đi đến một quyết định "không tưởng'', phải tìm được mộ người yêu bằng chính sự nỗ lực của mình. Chỉ với dòng báo tử: "Liệt sỹ Đặng Xuân Thọ, quê quán Xuân Giang - Nghi Xuân - Hà Tĩnh, chức vụ Trung Đội trưởng, đơn vị NB, hy sinh ngày 26 tháng 1 năm 1973 tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận". Chỉ những dòng mù mờ trên ấy, chị đã băng rừng vượt biển suốt 2 thập kỷ để tìm bằng được mộ người yêu.
Để đi tìm mộ, chị đã miệt mài mưu sinh bằng việc đánh bắt tôm cá, nuôi nhiều lợn gà, chắt chiu dành dụm tiền đi làm sứ mệnh cuộc đời của mình. Có lần, chị đã bán 300 con gà thu được 9 triệu đồng để lên đường tìm mộ. Đã hơn 20 năm nay, người dân ở Hội Tiến luôn nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ "chân yếu tay mềm" đó bắt xe vào Nam tìm mộ trong vô vọng. Cuộc hành trình tìm mộ người yêu của chị thật ly kỳ giống như chuyện cổ tích.
Trên mảnh đất hình chữ S, dường như chỗ nào cũng in dấu chân người phụ nữ thuỷ chung ấy. Từ chiến trường Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, Campuchia, ở dãy Trường Sơn hùng vĩ, rồi Tây Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Dù "thân cò lặn lội" vất vả sớm hôm, nhưng ngôi mộ của người yêu vẫn "biệt vô âm tín". Có lần, trên cuộc hành trình gian khổ ấy, tiền bạc sạch túi nhưng chị vẫn không bao giờ bỏ cuộc.
Chị Huệ quyết định ở một mình để thờ phụng chồng chưa cưới suốt đời
Sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng chị đã tìm thấy ngôi mộ của người yêu mình cách xa hàng ngàn cây số. Ngôi mộ được tìm thấy ở xã Hậu Mỹ, tỉnh Tiền Giang xa xôi. Tìm được mộ, chị đưa về Nghĩa trang liệt sỹ xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho anh. Chị tâm sự: "Trên đời này chẳng có ai như tôi, chuyện vợ đi tìm mộ chồng đã khó, chuyện người yêu như tôi đi tìm mộ người yêu suốt 20 năm có lẽ chẳng ai thấy bao giờ".
Từ khi biết con mình chỉ yêu duy nhất một người, cha mẹ Phùng Thị Huệ thấy buồn lắm. Nhất là khi thấy tuổi thanh xuân của con ngày một trôi qua trong u buồn. Đã biết bao nhiêu lần cha mẹ cô làm mai mối, giới thiệu, thậm chị ép hỏi, nhưng trái tim cô gái ấy vẫn hờ hững, đóng băng để biết bao chàng trai phải tiếc nuối, thất vọng.
Có những tình yêu mang nặng sự toan tính thực dụng tầm thường, nhưng chuyện tình yêu "có một không hai" của cô gái Huệ thì thật cao thượng, vượt qua những định kiến, tiền bạc. Và hơn thế nữa, chuyện tình của họ dù chẳng đi đến bến bờ hạnh phúc, nhưng cũng đủ làm hàng triệu trái tim phải thán phục về sự thuỷ chung. Tất nhiên, trong cuộc sống hôm nay, có nhiều chuyện tình yêu ly kỳ và không kém phần hấp dẫn. Nhưng tình yêu của Phùng Thị Huệ đã vượt qua mọi thứ, chẳng khác gì "loài hoa bất tử" vậy.
Tiến Giang
.