Có những lúc con người ta buồn đến vô hạn, chỉ vì những sai lầm do mình gây ra, để lại hậu quả khó gỡ. Hoàn cảnh sau đó sẽ ra sao, không thể đoán trước và khó lường sẽ có chuyện gì xảy ra tiếp theo. Những nỗi đau trong lòng chẳng biết chia sẻ cùng ai. Bởi lẽ rất có thể là sự khinh miệt cho ai đã biết câu chuyện đã xảy ra.
Đó chính là những điều giấu kín bấy lâu nay, nhưng tôi đã phải đối diện và cần có một quyết định dứt khoát, chọn lựa giữa đứa con của tôi với người tình và người chồng cũ của tôi còn hơn 10 năm mới mãn hạn tù trở về…
Trước kia mọi người vẫn nghĩ Đại lãnh án tù, trong một vụ ẩu đả dẫn đến chết người, chỉ vì tôi. Do tôi bị tròng ghẹo, nên Đại đã mượn rượu để kiếm cớ trừng phạt kẻ dám xoa má vợ mình. Tôi cố can ngăn mà không được. Đại đã nghiến răng bỏ đi ra khỏi quán, nhưng kẻ trai lơ kia lại khích bác, cậy đông bạn bè hòng sẽ cùng nhau choảng cho chồng tôi một trận.
Ai dè, Đại nhanh như chớp vớ con dao nhỏ ở trên bàn và lao đến đâm vào giữa ngực của tên kia. Mấy người bạn của hắn trố mắt không kịp trở tay, khi thấy chồng tôi tiếp tục lao đến định thanh toán thêm kẻ khác, nên chúng chạy tán loạn, bỏ mặc người bạn bị đâm trúng vào tim.
Chồng tôi cũng bị sốc rượu, ngã đè lên cái xác nằm bất động kia. Sau đó tòa xử chồng tôi 15 năm tù giam. Tôi sống cô đơn từ đó, chỉ sau ngày cưới có mấy tháng, thật cay đắng làm sao.
Đó là những chuỗi thời gian cô quạnh mịt mùng đối với tôi. Thế giới tưởng như sụp đổ và đen tối. Rồi vào một buổi chiều chủ nhật có người gõ cửa căn phòng nhỏ hẹp của tôi. Đó là luật sư Hải, người biện hộ cho chồng tôi, ngay từ đầu vụ án được thụ lý… Anh rất tận tình, tìm mọi chứng cứ và nhân chứng để bảo vệ cho chồng tôi thoát khỏi án tù chung thân.
Nếu nói là ơn nghĩa thì cũng lớn, nhưng tôi không biết trả công luật sư như thế nào. Bởi lẽ chỉ để lo tiền trả theo hợp đồng với văn phòng luật sư, tôi đã phải bán tất những tài sản quý và gom cả tiền dành dụm sau khi cưới mới đủ… Tôi mở cửa đón luật sư Hải, với niềm kính trọng và biết ơn trong lòng. Bất ngờ Hải cầm bàn tay tôi, đưa ra một phong bì dán kín, rồi nói rằng, xin hoàn lại một số tiền để cho tôi có vốn liếng làm ăn, sinh sống. Thật là một nghĩa cử cao đẹp, mà tôi không thể ngờ tới, nên chỉ biết cảm ơn lòng tốt của luật sư. Anh mỉm cười chào tạm biệt.
Thế rồi thỉnh thoảng luật sư Hải gọi điện thoại cho tôi. Có lần anh mời tôi đi ăn. Rồi lại còn giúp tôi đi lấy quần áo hàng thùng về bán rao trên mạng. Nhất là những buổi anh đưa tôi đi câu cá ở một hồ sinh thái ngoại thành, bao giờ cũng để lại ấn tượng khó quên, vì anh rất chiều tôi. Đặc biệt, không ít lần cùng đi thăm chồng tôi, anh đã rất chu đáo lo toan mọi thứ. Chồng tôi rất cảm động và luôn mồm cám ơn anh, rồi còn khuyên tôi phải đền đáp anh chu đáo.
Thế rồi nhiều chuyện đã xảy ra, rất tự nhiên như ông trời sắp đặt vậy. Hôm anh thuê xe chở một thùng hàng đến cho tôi vào một buổi tối đã muộn. Tôi tính tiền để thanh toán, anh không nhận. Tôi dúi tiền vào tay anh, nhưng bị gạt ra làm những đồng tiền bắn tung tóe. Tôi cúi xuống định nhặt lên, không ngờ anh ôm chầm lấy tôi, rồi nói những lời âu yếm, mà anh đã giấu kín trong lòng bấy lâu nay.
Thực ra tôi cũng đã thấy tình cảm của anh thể hiện rất rõ từ lâu. Tôi lặng người đứng im trong vòng tay của anh, và không còn biết phân biệt đâu là tình cảm hay ơn nghĩa sâu nặng đã bao ngày qua. Anh âu yếm hôn tôi. Có lẽ tình yêu đã đến thì đúng hơn. Thời gian đã minh chứng điều đó. Đêm ấy, chúng tôi nằm bên nhau và nói đủ chuyện trên đời, kể cả chuyện thu xếp lịch đi thăm chồng tôi.
Tôi thầm yêu anh vì mọi nhẽ. Ngọn lửa khao khát trong lòng tôi bừng cháy, như tình yêu ban đầu, không hề toan tính. Mỗi lần anh đến, tôi như cá gặp nước vậy. Tôi vẫy vùng và thả sức yêu thương. Nhiều lúc tôi như ngạt thở trong những nụ hôn say đắm của anh. Thế rồi đến năm sau tôi có thai.
Anh thay tôi đi thăm Đạt với mọi lý do có thể để minh chứng cho sự vắng mặt của tôi; nào là tôi bị mệt, nào là phải đi lấy hàng xa tận biên giới, hay về quê viếng mộ... Nghĩa là, tùy tài ăn nói của một luật sư như anh được phát huy, để chồng tôi yên tâm.
Ảnh minh họa
Đúng chín tháng mười ngày trôi qua. Tôi sinh con trai. Anh làm đủ các thủ tục để làm giấy tờ cho thằng bé hợp lệ là con mình. Anh dự tính, sau khi thằng bé được một tuổi, sẽ đưa về cho ông bà nội nuôi dưỡng. Tôi không đồng ý, đòi nuôi con và chịu mọi hậu quả xảy ra, kể cả sau này chồng tôi biết chuyện.
Lẽ dĩ nhiên mọi chuyện chưa đến nỗi cấp bách, vì chồng tôi còn những hơn mười năm nữa mới mãn hạn tù giam. Tôi còn hứa sẽ không nói lộ ra anh là cha của đứa bé, mọi chuyện sẽ kín như bưng, không thể ai biết được. Anh tỏ ra yên tâm và lại tiếp tục giúp đỡ tôi, mọi nơi, mọi lúc, để nuôi con khôn lớn. Nhưng cũng từ đó chuyện đi thăm chồng tôi cũng thưa dần. Có lẽ cả hai chúng tôi đều lo, không thể giữ kín mãi được, trước một sự thật hiển nhiên.
Anh bàn với tôi việc ly hôn với chồng. Tôi áy náy vì lương tâm không cho phép mình phũ phàng. Nhưng khi anh nêu ra hoàn cảnh gay go của thực tiễn, làm tôi cũng lung lay, và thấy anh có lý. Dù sao, tôi cũng đã sống xa Đạt đến dăm năm, nên không thấy nhớ nhung hay nặng lòng như trước nữa. Rồi lại còn mười năm kéo dài đằng đẵng. Nghe nói, chồng tôi còn hay gây gổ và mấy lần bị đánh hội đồng trong tù, nên không biết tương lai sẽ ra sao. Tôi vô cùng hoang mang.
Có lần anh ghé qua trại giam, rồi về nói tình trạng của Đạt rất tệ hại, nên khuyên ly hôn là sáng suốt hơn cả. Con đường mờ mịt hiện ra trước mắt tôi. Không thể hình dung, sau khi chồng tôi ra tù thì cuộc sống sẽ thế nào nữa. Vả lại thời gian chúng tôi gần nhau qua ít, nên chính tôi còn ngờ có thể không lâu nữa sẽ quên cả mặt chồng nữa. Lúc này mọi điều anh nói ra đều có lý.
Một năm sau tôi có cảm giác, việc ly hôn là cần thiết, và đó cũng là cách giải thoát hữu hiệu cho sự hiện diện của đứa con trai sau này. Tôi đồng ý. Văn phòng luật sư của anh nhanh chóng làm giấy tờ, cho tôi được ly hôn với chồng, chỉ một tháng sau đó.
Tôi có cảm giác mình được giải thoát, vượt qua mọi lo toan, khi có đứa con, với người mình yêu bấy lâu nay. Một tương lai tốt đẹp đang chờ đón tôi. Anh sẽ cưới tôi ư? Hay anh chỉ cứ sống với tôi một cách già nhân ngãi non vợ chồng như hiện nay.
Nghĩ mãi, tôi không có lời giải đáp, vì anh không hề tỏ ra có ý định tiến đến hôn nhân. Không có nhẽ, tôi phải cầu xin anh, để đem lại một mái ấm gia đình cho con trai của mình. Anh đã quay lưng chăng!? Tôi biết mình có một thân phận không ra gì, khi đã từng có một người chồng bị đi tù. Anh lấy tôi đúng không dễ như tôi mong ước. Danh dự hay vì tình yêu mà có thể vượt qua. Nhưng anh thì không, có lẽ cái sĩ diện, hay sự thiệt thòi khi phải lấy người phụ nữ đã có chồng di tù, đã làm tê liệt ý chí của anh.
Danh dự đã vượt qua tình cảm, nên anh chỉ im lặng, cho dù anh rất thương yêu con trai. Thời gian trôi một cách trì trệ và ớn lạnh. Mỗi khi thấy con trai mình cắp sách đến trường, cười vui với bạn bè, tôi lại thấy cay đắng trong lòng. Bởi lẽ nó có cha mà như trẻ mồ côi.
Một ngày chủ nhật đầu năm anh đến, theo đúng lời hẹn trước, tôi bồi hồi chờ đợi. Một cảm giác không an toàn bao vây trong ngôi nhà hai mẹ con tôi. Anh ngồi im lặng rất lâu, rồi nói kế hoạch sẽ đưa con trai đi học nước ngoài, và yêu cầu tôi chấp nhận một hợp đồng. Đọc đi đọc lại tờ thỏa thuận, tôi mới hiểu lời lẽ thật sự của anh khẳng định, tôi chỉ là người đẻ thuê cho anh. Nếu ký vào bản cam kết đó, tôi sẽ được nhận hai trăm triệu đồng, coi như ngầm hiểu về pháp lý tôi sẽ mất con trai. Có nghĩa là mãi mãi tôi không còn quyền làm mẹ nữa.
Tôi bàng hoàng nhìn anh và không ngờ mọi chuyện lại tuyệt tình đến thế. Anh đã chuẩn bị sẵn một gói tiền và chờ tôi đặt bút ký tên. Anh nói đó là con đường tốt đẹp nhất cho tương lai của con trai. Bởi lẽ nếu cứ dùng dằng thế này, hôn nhân không thể đến, hạnh phúc khó có được. Hãy hy sinh bản thân để tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho con trai.
Anh còn khẳng định, nếu tôi không ký cam kết, thì anh sẽ không còn trách nhiệm với hai mẹ con nữa. Anh cũng không bao giờ gặp lại và mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn. Và nếu anh muốn, sẽ có cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Khi đó tôi vẫn mất con và tiền sẽ chẳng có lấy một xu. Thấy tôi còn chần chừ, anh để lại tờ giấy cam kết, rồi nói sẽ trở lại.
Nhìn anh quay mặt lạnh lùng bước đi, tôi thấy cuộc đời phũ phàng quá đỗi. Lòng tôi như có lửa đốt. Nhìn con trai ngồi cắm cúi học bên bàn, tôi không biết nên dứt khoát thế nào. Hay cứ đợi Đạt ra tù, tôi sẽ nói hết mọi chuyện, và cố giữ lại đứa con. Nếu Đạt chấp nhận, chúng tôi sẽ đăng ký lại và cùng nuôi cho con trai ăn học. Thời gian ấy còn bao lâu? Những mười năm nữa, đằng đẵng, xa vời.
Tôi như một kẻ tâm thần vậy, ủ ê suốt ngày, và không biết hướng về đâu. Liệu tôi có giữ được con mình? Tôi thật sự cô đơn và tuyệt vọng. Nên quyết định thế nào đây, hả giời!?
Nguồn: CSTC
.