Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/27031-40-nam-sat-son-mot-loi-the-392004/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/27031-40-nam-sat-son-mot-loi-the-392004/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
40 năm sắt son một lời thề - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 25/03/2013, 08:25 [GMT+7]
27031

40 năm sắt son một lời thề

Hơn 40 năm qua, cô ở vậy thờ “chồng” là liệt sỹ Hồ Đức Tín. Chưa một lần được mặc áo cô dâu, nhưng cô nguyện thờ phụng anh và xem gia đình anh như chính gia đình mình kể từ khi anh nằm lại chiến trường.
 
Ngay từ lúc mới sinh ra, cô giáo Trinh đã bị tật, một bên bàn chân không thể cử động và đi lại bình thường. Không xinh đẹp nhưng bù lại, cô Trinh có nét duyên thầm nên vẫn khiến bao chàng trai thầm thương, trộm nhớ. Trong đó có anh lính trẻ Hồ Đức Tín. Hai người cùng lớn lên, chung nhau miền ấu thơ sau một lũy tre làng nên tình cảm cũng lớn dần thêm khi những rung động đầu đời chạm ngưỡng.
 
Yêu nhau một thời gian ngắn thì anh lên đường nhập ngũ. Ấy là vào một ngày đầu tháng 2/1965, anh Tín gác bút nghiên, vào chiến trường phụ trách Đài vô tuyến 15W ở Khu trung tâm tiền phương chiến trường Hướng Hóa (Quảng Trị). Những ngày xa nhau, tình yêu của hai người được xây đắp bằng những cánh thư không mỏi.

Những bức thư tình yêu vẫn cứ đều đặn đi về với chan chứa yêu thương và giấc mơ về một hạnh phúc bình dị của chàng trai trẻ Hồ Đức Tín, nơi có gia đình anh cùng người con gái tên Trinh. Anh quan tâm và nhớ đến cô từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bạn bè anh kể lại, công việc của anh thường xuyên phải trực ở đơn vị, nên mỗi lần có người ra ngoài anh đều gửi tiền cho họ mua về khi cuộn chỉ, khi thì tấm vải... để tự tay mình làm thành những món quà gửi về cho cô. Mỗi lần gửi thư cho cô, anh đều gửi kèm theo vài ba cái tem và đôi tờ giấy trắng để cô đỡ tiền mua gửi.

Tháng 4/1971, nhân chuyến công tác của người đồng đội, anh Tín đã nhờ bạn mang về món quà chiến trường cho người yêu: một bức thư, một tấm vải dù, một gói đường mơ, một tấm Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhận được thư anh trong giờ lên lớp, nhưng cô không giấu nổi niềm vui và hồi hộp nên bóc ngay ra đọc.
 
Trong bức thư ấy, anh viết: “Tháng 5 hoặc tháng 6 anh được nghỉ phép. Nếu về được, chúng ta cưới nhé! Anh cũng xin phép được bỏ qua những thủ tục dạm ngõ, bỏ trầu, ăn hỏi vì thời gian của người lính rất gấp gáp, ngắn ngủi. Hiểu và thông cảm cho anh em nhé!”. Anh cũng không quên dặn “Thầy, mẹ chuẩn bị cho con một con lợn và gạo nếp để con cưới Trinh”. Từ ngày hôm đó, trái tim cơ giáo làng như nở hoa đợi chờ, phấp phỏng.

Nơi chiến trường, anh vẫn tỉ mỉ với từng đường kim, mũi chỉ, dốc hết tâm huyết và tình yêu thương để chính tay mình thêu đôi gối hạnh phúc cho đám cưới. Anh đã chuẩn bị đầy đủ cho cô dâu những đồ dùng cần thiết như: nón, dép, khăn, áo..., chỉ chờ ngày đón cô về xây tổ ấm. Cứ tưởng mọi chuyện đã an bài trong suy nghĩ và mọi việc sẽ diễn ra theo kế hoạch và niềm mong mỏi bấy lâu của anh.
 
Cô giáo Trinh bên di ảnh liệt sỹ Hồ Đức Tín
 
Thế nhưng, vào ngày 30/4/1971, ngay sau khi anh Tín vừa lên báo cáo chỉ huy đơn vị, xin cắt phép về quê cưới vợ thì trận bom Mỹ bất ngờ dội xuống đơn vị. Hồ Đức Tín cùng 2 đồng đội khác hy sinh. 4 tháng sau, khi đang giữa giờ lên lớp, nhận được giấy báo tử của anh, cô giáo Trinh ngất lịm. 

Những tháng ngày sau đó, với cô giáo Trinh là những tháng ngày suy sụp hoàn toàn. Cô ngã bệnh cùng với nỗi đau. Nước mắt cạn dần sau bao đêm thức trắng, cô gầy rộc đi với nỗi khắc khoải. Tuổi thanh xuân cứ lặng lẽ trôi trong nỗi đau của hạnh phúc dở dang. Từng trang nhật ký vẫn được cô đều đặn viết cho anh như thể anh còn sống, còn hiện diện. Như thể sẽ có ngày anh trở về bên cô.
 
“Vần thơ vĩnh biệt Tín anh ơi/ Mắt ngấn lưng tròng lệ tuôn rơi/ Trong thơ em nấc thời gian nấc/ Nghẹn ngào cho cảnh nước mắt rơi”, đó là những dòng cô nghẹn ngào ghi vào trang cuối trước khi khép lại cuốn nhật ký dành riêng cho anh. Cô cất giữ thư từ của anh như những báu vật của một miền ký ức của riêng hai người.

Đã gần bước qua cái ngưỡng thất thập cổ lai hy, cô giáo làng ngày ấy nay đã thành bà Trinh. Trên đầu đã điểm hai thứ tóc nhưng bà vẫn một mình chăn đơn, gối chiếc. Lặng lẽ ra vào chăm lo cho mấy đứa cháu trong ngôi nhà nhỏ của mình.
 
Bà ngậm ngùi chia sẻ: “Thật ra, trong tôi không lúc nào thôi nghĩ về anh Tín. Không lúc nào quên những lời anh dặn. Anh ấy ngã xuống khi cái ngày hạnh phúc đơm hoa kết trái đang đến gần, khi biết mình sắp với tay chạm vào hạnh phúc. Cả đời này tôi là vợ anh ấy, là người phụ nữ của riêng anh ấy”.
 
Với suy nghĩ đó, bà đã xin phép bên nhà anh Tín được lập một bàn thờ, đưa ảnh của anh về để nhà mình và tự nhủ rằng, chồng mình đã hy sinh... Và hơn 40 năm, qua bà vẫn một mình hương khói thờ “chồng”.
 
Nhìn cô giáo Trinh gạt nước mắt, lau lại tấm di ảnh của liệt sỹ Hồ Đức Tín đặt lên bàn thờ và kính cẩn thắp nén tâm nhang, tôi cảm nhận được bà đang gìn giữ và nâng niu quá khứ bằng cả trái tim mình.

Thiên Thảo
.