Cô gái mồ côi tay không bắt sống giặc lái
Sinh năm 1944 tại xã Thanh Nam nay là xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Lê Thị Hường mồ côi cha lúc mới sinh, lên 6 tuổi Hường lại mồ côi mẹ nên phải đi chăn trâu cắt cỏ cho nhà hàng xóm để kiếm cơm. Hai mươi tuổi mà trông cô nhỏ xíu.
Thương cháu, người dì ruột (em mẹ) đưa Hường về ở hẳn trong nhà và có ý định tìm cách gả chồng cho cháu sau này. Đây cũng là những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Theo nguyện vọng của Hường, chính quyền xã Ngọc Sơn đồng ý cho cô vào Trung đội dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ và trong đội dân quân cảm tử rà phá bom của xã đoạn dốc Rú Nguộc.
Từ năm 1965 đến hết năm 1968, Rú Nguộc (Thanh Chương) là một trong những toạ độ bom của máy bay giặc Mỹ, vì nếu chặn được đoạn đường chạy qua Rú Nguộc và đoạn qua Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) thì ngăn được đường sang Lào và qua đường 8 sang Hà Tĩnh để vào Nam. Bom đạn ác liệt thế nhưng Trung đội dân quân của Hường vẫn hoàn thành nhiệm vụ tháo gỡ được hàng chục quả bom nổ chậm và trực chiến bắn trả máy bay Mỹ…
10 giờ ngày 27/8/1966, Lê Thị Hường sau ca trực chiến bắn máy bay xong đang cắt cỏ ở một sườn đồi thì phát hiện chiếc dù rơi, Hường cầm liềm chạy hàng trăm mét tới nơi thì dù vừa rơi xuống. Vừa tới nơi thở không ra hơi, Hường thấy viên phi công Mỹ cao to tay cầm khẩu súng bò lom khom trong bụi rậm và nói xì xồ trong máy. Một phản xạ tự nhiên, Hường nhặt hòn đá ném vào người viên phi công trúng ngay khẩu súng ngắn và vào đầu gối nó.
Khẩu súng văng đi một quãng còn phi công Mỹ thì ôm lấy đầu gối. Nhanh như cắt, khi viên phi công Mỹ chưa hoàn hồn thì Hường đã ập tới đưa lưỡi liềm ghé vào cổ hắn. Quá khiếp sợ, viên phi công Mỹ vội giơ 2 tay lên trời. Sẵn có dây thừng cắt cỏ (vì thời gian này để sẵn sàng bắt giặc lái người dân thường mang theo vũ khí và dây thừng), Hường trói tên phi công lại.
Cùng lúc ấy trên trời máy bay Mỹ quần đảo. Chợt nhìn thấy chiếc đài đang kêu xì xì, Hường nhanh ý lấy hòn đá to đập nát. Mất tín hiệu, máy bay Mỹ quần đảo giây lát rồi chuồn thẳng. Đang loay hoay dẫn viên phi công Mỹ ra khỏi eo núi thì các tổ dân quân và bộ đội cũng kịp tới…
Do có thành tích một mình tay không bắt sống giặc lái Mỹ, năm 1967, Lê Thị Hường đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Tỉnh đội Nghệ An tặng Bằng khen.
Bén duyên trong chiến đấu
Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Đình Bảo (quê huyện Quỳnh Lưu) thuộc Tổng đội TNXP tỉnh Nghệ An đảm bảo giao thông đoạn đường 15 khu vực Truông Bồn và Rú Nguộc bén duyên với cô gái dân quân trực chiến.
Lúc đầu chỉ là những lần gặp nhau ngắn ngủi hiếm hoi bên giao thông hào và những lần vắng máy bay Mỹ, bởi lúc bấy giờ ít ai nghĩ tới xây dựng gia đình khi nay đây mai đó biết sống chết ra sao. Một hôm, Nguyễn Đình Bảo cầm lấy tay Hường ngập ngừng: “Hường ạ, anh muốn…”. Cô gái e thẹn rút bàn tay lại và 2 tai đỏ bừng.
Sau lần gặp ấy, hai người năng đến với nhau hơn. Rồi một hôm, Bảo đến nhà Hường chia tay người yêu để ra trận. Hôm tiễn người yêu lên đường nhập ngũ, Hường không nói được gì nhiều, chỉ đặt vào lòng bàn tay anh chiếc nhẫn làm bằng xác máy bay Mỹ. Mãi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai người mới thật sự nên vợ nên chồng.
Từ một nữ dân quân trực chiến bắn máy bay giặc Mỹ, Lê Thị Hường từng giữ các chức vụ như: Bí thư Đoàn xã, Hội trưởng phụ nữ xã… Trên cương vị công tác nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đời thường giản dị
Đến thăm ngôi nhà bà Lê Thị Hường nằm ém mình bên một ngọn đồi nhỏ cách đường 30 thuộc xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tôi không khỏi chạnh lòng vì còn đơn sơ quá. Một ngôi nhà ngói cấp 4 đã cũ rích, nội thất chẳng có gì ngoài chiếc ti vi. Điều làm tôi băn khoăn là tại sao vào các ngày lễ, chính quyền địa phương không ai đến động viên hỏi thăm bà. Chiến tranh ác liệt thế mà họ chẳng sợ gian khổ hy sinh, người ta cần bây giờ trước hết là sự động viên bằng tinh thần chứ không phải là vật chất.
Ngay khi đến UBND xã Nam Hưng hỏi thăm bà thì cũng không một ai biết. Việc gia đình bà trước đây do huyện Thanh Chương quản lý sau này cắt về xã Nam Hưng cũng là một lý do nhỏ nhưng cái chính là sự quan tâm của chính quyền xã Nam Hưng. Bà Hường không trách nhưng tôi cho đây là sự tri ân đền ơn trả nghĩa, giáo dục truyền thống chúng ta cần phải giữ gìn.
Đào Nguyễn
.