Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26207-tro-ve-sau-hanh-trinh-vuot-bien-392595/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26207-tro-ve-sau-hanh-trinh-vuot-bien-392595/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trở về sau hành trình vượt biên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 17/02/2013, 14:15 [GMT+7]
26207

Trở về sau hành trình vượt biên

Trong cơn mưa Xuân như vây bột trắng xóa núi rừng, vượt qua nhiều dốc cao vực thẳm, chúng tôi đến với huyện biên giới Kỳ Sơn. Suốt chặng đường dài, chiếc xe phải nhích từng tý một để vượt qua những con dốc, vách núi chênh vênh. Trên những đoạn đường đi qua, thi thoảng xuất hiện những vùng hoa lau trắng xóa, những cành đào rừng nở sớm đỏ hoe báo hiệu mùa Đông giá lạnh sắp đi qua và mùa Xuân đang tới gần.
 
Nhiều người Mông nở nụ cười mãn nguyện khi tìm về đất mẹ
 
Lên tới xã Huồi Tụ trời đã xế chiều, các anh cán bộ xã tiếp chúng tôi thân tình, cởi mở. Vừa thưởng thức trà Tuyết San, đặc sản của Kỳ Sơn, với vị ngọt và mùi thơm nức, chúng tôi vừa được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết về tình hình đời sống của bà con nơi đây: “Huồi Tụ mấy năm nay có nhiều đổi thay, cuộc sống bà con từng ngày càng no cơm ấm áo.
 
Nhưng có lẽ do bọn người xấu thả tin đồn thất thiệt, có một số bà con đã di cư vượt biên giới sang nước bạn Lào sinh sống. Qua một thời gian, cuộc sống nơi đất khách quê người vô cùng khó khăn, nhiều người không chịu được khổ cực lại quay về quê hương”. Nói rồi, ông đưa cho chúng tôi xem bản danh sách kê khai, trong đó ghi đầy đủ tên của các hộ dân đã vượt biên và xin được trở về bản cũ. Khuyến khích họ quay về, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện cho họ tái định cư trên đất cũ, xem như là làm lại từ đầu.
 
Đến bản Huồi Lê, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Lỳ Hà Rống vừa mới ở Lào về cách đây không lâu. Khi được hỏi về hành trình vượt biên, bà chợt rùng mình rồi ngậm ngùi kể lại: “Trước khi có ý định chuyển cư sang Lào, gia đình đã bán hết nhà cửa, vườn tược, khi quay về với hai bàn tay trắng, không còn nơi để ở nên phải đến ở tạm nhà của con”.
 
Bà lau nước mắt nói tiếp: “Người Mông ta bao đời sống nhờ nương rẫy và cây cỏ để săn bắn thú rừng, nghe có người nói bên Lào làm rẫy tốt, chim thú nhiều nên đã nóng lòng muốn đi tìm cái sung sướng. Nào ngờ...!”. Nói đến đây, giọng bà như nghẹn lại. Ngồi bên cạnh, chồng bà tiếp lời: “Đặt chân đến miền đất mới, chúng tôi mới ngớ người ra, mọi người chia nhau đi chặt mấy cái cây dựng tạm căn nhà để ở, rồi đi kiếm cái ăn.
 
Được 3 tháng, cả nhà đổ bệnh, đói khổ lắm. Nghe lời bà Rống, tôi quyết định trở về quê cha đất Tổ. Thật may mắn vì cả nhà đều về quê bình an, lại được cán bộ xã và bà con trong bản giúp đỡ cưu mang. Thật không biết cảm ơn thế nào cho hết. Bây giờ cuộc sống gia đình đã tạm ổn, sẽ không bao giờ có chuyện qua bên Lào nữa”.
 
Huồi Tụ đang ngày một khởi sắc
 
Bản Huồi Đun, tiết trời như chuyển sang mùa Xuân, nắng vàng rực rỡ tỏa ngập cả mấy ngọn núi. Chúng tôi gặp Trưởng bản và được nghe ông kể về chuyện xóa bỏ cây thuốc phiện. Ngày trước, Huồi Đun cũng là “thủ phủ” của cây thuốc phiện.
 
Bọn tội phạm bên kia biên giới lén lút đi mua thuốc phiện về “chế tác” ra ma túy tổng hợp, rồi lại đưa vòng qua Việt Nam. Nhờ sự vào cuộc kiên quyết của chính quyền sở tại đã giúp bà con người Mông tự nguyện xoá bỏ cây thuốc phiện, đẩy lùi tội phạm ma túy, trả lại bình yên cho bản làng. Nói đến chuyện vượt đại ngàn đến “vùng đất hứa”, Trưởng bản cho biết, ở đây cũng có nhiều gia đình vượt biên sang đất Lào tìm cuộc sống mới như gia đình anh Vừ Bá Sa di cư sang tận tỉnh Xiêng Khoảng - Lào suốt hơn 3 năm trời.
 
Những ngày ở Lào là những ngày cay đắng, tủi nhục vì sốt rét rừng và thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật nên gia đình anh đã quyết chí trở lại quê hương, cũng may giờ đây cuộc sống đã ổn định. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng bản luôn nhấn mạnh: “Huồi Đun ngày xưa còn có hủ tục là con trai không quen biết gì, chỉ cần nhìn thấy cô gái đẹp là bắt ép vác chạy trong sự chống cự quyết liệt của cô gái. Mà ông đã bắt vợ kiểu đó. Cũng đã có lúc chẳng may, hai bên xảy ra đổ máu, nay tục lệ này đã bị bãi bỏ”.
 
Những ngày cuối năm, cán bộ huyện và xã đã đến các bản làng thăm hỏi đồng bào, đặc biệt quan tâm tới bản làng nơi xa xôi hẻo lánh để bà con chuẩn bị vui Tết, đón Xuân. Nhờ quan tâm, nắm bắt được tâm tư tình cảm của bà con, tích cực tuyên truyền, vận động người dân không di cư trái pháp luật, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nên giờ đây người Mông đã nhận ra rằng, dù đi đâu cũng không bằng được “quê cha đất mẹ”.
 
Một đồng chí cán bộ huyện phấn khởi cho biết: “Phong tục người Mông của ta di cư là chủ yếu, tìm vùng đất màu mỡ để tra hạt ươm mầm, săn con thú rừng, nhưng không vùng đất nào giữ được chân người Mông ở lâu. Để phá bỏ phong tục ấy, chính quyền phải làm cho dân hiểu rằng người Mông cần phải biến vùng đất khô cằn thành những vườn cây ăn quả và đa số dân bản đều làm theo. Có thể thấy, mô hình phá bỏ cây thuốc phiện, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả đã gần như thành điển hình của đồng bào Mông ở đây”.
 
Những ngày cuối năm ở Kỳ Sơn, thời tiết giá rét như dao cứa vào da thịt. Khi màn đêm buông xuống, mọi người ngồi quanh bếp lửa, đâu đó trong rừng sâu nghe tiếng con nai kêu lạc giọng và tiếng thú rừng hú cả một vùng. Trong đêm giá rét, vậy mà ở đầu bản, từng đám nam nữ thanh niên mặc quần áo sặc sỡ đi chơi hát ghẹo và thổi khèn gợi tình.
 
Quê hương, xứ sở người Mông thật ấm áp và thắm đượm tình người. Ông Vừ A Sầu, một già làng của bản, râu tóc bạc phơ, giọng ông vang như tiếng cồng chiêng: Mảnh đất Huồi Tụ này, đi xa nhớ về, khổ đau lại càng nhớ về. Muốn được ấm no người Mông ta không được du canh du cư, phải đoàn kết, lá lành đùm lá rách, thương yêu giúp đỡ xây cho bản mạnh, xã mạnh là ta yêu nước đó.
 
Tin vui đến với đồng bào Huồi Tụ là được Nhà nước phê duyệt đầu tư, thi công con đường nhựa từ trung tâm thị trấn huyện Kỳ Sơn lên Huồi Tụ với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, ngoài ra hệ thống cơ sở vật chất như trường học, trụ sở UBND xã được xây mới, các bản đều có lớp học. Huồi Tụ cũng đã hình thành trung tâm thương mại với các dịch vụ buôn bán hàng hóa, mở mang giao lưu với các xã lân cận.
 
Tổng đội Thanh niên xung phong đã thâm canh được cây chè Tuyết San tại Kỳ Sơn, sản phẩm đã có thương hiệu trên phạm vi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thanh niên người Mông cũng học trồng chè Tuyết San thay cho cây thuốc phiện ngày trước. Toàn xã Huồi Tụ trồng được hàng trăm ha chè Tuyết San. Nhiều gia đình người Mông ở Kỳ Sơn giàu lên nhờ biết trồng cây chè. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc bền vững về kinh tế, tạo cơ sở đảm bảo tốt an ninh quốc phòng vùng biên giới Tổ quốc.
 
Rời Huồi Tụ, các cụ già và em nhỏ lưu luyến tiễn chúng tôi đi xuyên qua cánh rừng già, bên cạnh đường đi những cây đào đã hé nở, một cô gái Mông ăn mặc sặc sỡ như đi lễ hội bắt tay chúng tôi thật chặt và nói: “Sang năm cũng dịp Xuân về các chị nhớ lên thăm Huồi Tụ…”.

Lê Hoa
.