Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26025-noi-truyen-lua-cho-the-he-mai-sau-392740/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26025-noi-truyen-lua-cho-the-he-mai-sau-392740/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi truyền lửa cho thế hệ mai sau - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 03/02/2013, 14:03 [GMT+7]
26025

Nơi truyền lửa cho thế hệ mai sau

Toạ độ lửa ngày ấy bây giờ đã trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng để ghi tạc niềm tự hào về truyền thống cách mạng, về cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường một thời chống giặc ngoại xâm, “truyền lửa” cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Nhân chứng và mảnh đất tình người
Cứ đến ngày giỗ và mỗi độ Xuân về, hàng năm Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông, người còn sống sót duy nhất của “Tiểu đội thép” chốt tại nút cổ chai Truông Bồn và các cựu thanh niên xung phong Đại đội 317, Tổng đội 65, Thanh niên xung phong Nghệ An lại về với chiến trường xưa, lặng lẽ đốt nén hương, đặt những nhành hoa trắng lên phần mộ của những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.
 
Họ nhẹ nhàng đặt tay lên từng tấm bia như ngày nào vẫn âu yếm vuốt lên mái tóc bao ngày, bao tháng không biết đến lược, gương của những đứa em bé bỏng. Hình hài 11 cô gái thanh niên xung phong thuộc “Tiểu đội thép” nằm dưới đất kia - đồng đội cũ của chị - là những thiếu nữ tham gia san lấp mặt đường, mặc áo trắng làm cọc tiêu dẫn đường cho xe ra mặt trận và đã anh dũng hy sinh trong một trận bom lịch sử ngày 31/10/1968.
 
Với chị Thông, đây là mất mát quá lớn không có gì có thể bù đắp nổi. Trong căn nhà nhỏ bé, đơn sơ mà gia đình chị còn ở tại phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh bây giờ, ngoài bàn thờ tổ tiên, chị còn lập thêm một bàn thờ để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh tại Truông Bồn năm ấy… Mới 20 tuổi đời, chị Trần Thị Thông đã tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong, có mặt tại các trọng điểm cùng đồng đội dũng cảm xông pha trong mưa bom bão đạn, san lấp hố bom, cắm tiêu dẫn đường cho xe ra tiền tuyến.
 
Những nhân chứng lịch sử gặp nhau tại Di tích Truông Bồn huyền thoại
 
Với những người trong cuộc như chị, Truông Bồn đã trở thành máu thịt bởi đã lưu giữ nguyên vẹn ký ức về một thời kỳ oanh liệt và bi hùng. Đã 44 năm trôi qua, nhưng lần trở về nào của chị cũng đan xen trong niềm vui nhiều day dứt. Gian khó đời thường, bệnh tật bởi vết thương cũ hành hạ mỗi khi trái gió trở trời chị đều vượt qua hết. Song còn đó là nỗi khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội đã hy sinh.
 
Đau thương và huyền thoại
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, địa danh Truông Bồn là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, nhằm cắt đứt huyết mạch vận chuyển quân, vũ khí, lương thực từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.
 
Để phá hủy tuyến đường, phát quang khu vực Truông Bồn nhằm phát hiện các mục tiêu, giặc Mỹ đã dùng nhiều thủ đoạn đánh phá khác nhau, có khi chúng dùng máy bay do thám chỉ điểm đánh từng đợt, có khi tập trung lực lượng đánh ào ạt, dai dẳng. Ban ngày, chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào, ban đêm thả pháo sáng, tập kích các lực lượng ứng cứu đường và đoàn xe vận tải của ta.
 
Trong tổng số khoảng 30.000 quả bom các loại, tên lửa và rốc két kẻ thù đã trút xuống mảnh đất này thì phần lớn là vào trọng điểm Truông Bồn. Bọn Mỹ dùng bom phát quang, chúng vừa ném bom sát thương, bom bi xen với bom nổ chậm, bom từ trường để sát hại lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, dân quân và gây khó khăn cho ta trong công tác thông đường, thông xe ra tiền tuyến.
 
Thời ấy, bom đạn của giặc Mỹ đã làm cho Truông Bồn vốn tươi xanh, trong trẻo trở thành hoang tàn, khét lẹt mùi đạn bom. Hàng nghìn hecta rừng bị hủy diệt, các làng dọc Quốc lộ 15A bị tàn phá, hàng trăm chiếc xe ôtô chở hàng, hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị trúng bom bốc cháy.
 
Để bảo vệ vị trí chiến lược quan trọng của Truông Bồn, Tỉnh ủy, UB hành chính tỉnh Nghệ An hồi đó đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng, dồn sức cho Truông Bồn giữ vững mạch máu giao thông.
 
Các lực lượng chức năng đã rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, góp 2 triệu ngày công, đào hàng triệu mét khối đất đá, đưa 94.000 lượt xe cơ giới qua Truông an toàn, vận chuyển giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng, đào hàng trăm hầm chữ A, cung cấp hàng vạn cây phi lao, cọc tre và các loại sàn chống lầy, làm cầu cho xe qua.
 
Ngoài ra, đã huy động 14.400 xe đạp thồ, xe ba gác, xe trâu bò, xe cút kít tăng bo hàng ra tiền tuyến. Đặc biệt, quân và dân khu vực Truông Bồn đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ, trong đó có 86 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 1 phi công Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc chiến ấy, hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông vận tải đã hy sinh, trong đó có 372 chiến sỹ thanh niên xung phong.
 
Trở lại với “Tiểu đội thép”, ngày đó 19/02/1967, 12 cô gái và 2 chàng trai thuộc Tiểu đội 2 được mệnh danh là “Tiểu đội thép” của Đại đội 317 đã nhận nhiệm vụ lên ứng cứu cho Truông Bồn. Họ ngày đêm rà soát bom mìn, san lấp hố bom đảm bảo lưu thông liên tục trên tuyến đường giao thông huyết mạch với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường thì không thể tắc”. “Tiểu đội thép” vừa làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ, vừa cùng Đại đội 317 san lấp hố bom.
 
Ban đêm họ thức trắng, dùng bẹ chuối trắng rải theo làn xe và mặc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho đoàn xe ra tiền tuyến. Vào lúc 4 giờ ngày 31/10/1968, với tinh thần chuẩn bị vận chuyển hàng hóa lớn vào chiến trường, các thành viên trong “Tiểu đội thép” chỉ ăn vội vàng miếng mì luộc rồi tiếp tục bám mặt đường. Một tiếng đồng hồ sau, bất ngờ có tiếng còi báo động, máy bay Mỹ xuất hiện.
 
Cả đại đội đã vào hầm trú ẩn, chỉ còn Tiểu đội 2 của chị Trần Thị Thông là làm nhiệm vụ trực chiến. Máy bay Mỹ gầm rú xé cả đất trời. Một loạt bom trút xuống làm chao đảo cả lòng đất, Truông Bồn chìm trong khói lửa mịt mù. Đó cũng là thời điểm 13 thanh niên xung phong (2 nam, 11 nữ) của Tiểu đội 2 đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này. Chỉ duy nhất Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông may mắn còn sống sót như đã kể trên.
 
Tri ân
Chiến tranh đã rời xa, Truông Bồn bây giờ đã hồi sinh, song trong chúng ta những biểu tượng đẹp nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng luôn ngời sáng. Nơi đây, các anh, các chị thanh niên xung phong đã góp những gì đẹp nhất của tuổi thanh xuân, giữa rừng bom lưới đạn vẫn “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” cho những đoàn xe ra tiền tuyến. Nay nghe bài hát “Hoa mua tím Truông Bồn” của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nguyên Tư lệnh Quân khu 4 ta như đang sống lại một thời chiến tranh khốc liệt nhưng chan chứa tình người.
 
Ngày 12/01/1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận Truông Bồn là di tích lịch sử Quốc gia. Sau đó ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho “Tiểu đội thép” gồm 14 chiến sĩ thanh niên xung phong, trong đó có 1 người còn sống.
 
Gần đây, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn để ghi mãi chiến công của thanh niên xung phong, tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Công trình đã được khởi công xây dựng vào ngày 27/10/2012, đồng thời với việc khởi công Dự án nâng cấp đường 15 cho tương xứng với khu di tích.
 
Phát biểu tại đêm giao lưu “Truông Bồn huyền thoại và tri ân”, đồng chí Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: “…Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn là tuyến độc đạo chiến lược nối liền mạch máu giao thông để miền Bắc chi viện cho miền Nam. Nơi đây, 13 trong số 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong một trận ném bom của giặc Mỹ.
 
Huyền thoại anh hùng đó đã qua hơn 4 thập kỷ, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên mảnh đất hoang tàn năm xưa, những chiến sĩ dũng cảm đã làm nên huyền thoại Truông Bồn, đã trở thành bất tử, là biểu tượng thiêng liêng, là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mãi về sau học tập và tri ân”.
 
Và tại đêm giao lưu này, các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm đã ủng hộ gần 77 tỷ đồng để chung tay cùng UBND tỉnh Nghệ An xây dựng Dự án Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, thể hiện tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các thế hệ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, vì mùa Xuân vĩnh hằng của dân tộc.

Thành Trung
.