Ông Hồ Sĩ Đường, thân phụ nhà văn, vì tham gia phá đồn điền Ký Viễn, là đảng viên Đảng Cộng sản 1930, bị địch truy lùng, phải lên vùng núi Môn Sơn - Lục Dạ (Con Cuông) dạy học tạm lánh. Ở đó, ông lấy vợ là cô Vi Thị Lan, người dân tộc Thái. Vì đói nghèo, nên sinh 3 người con đều qua đời khi còn nhỏ. Cuối năm 1940, vợ ông sinh lần thứ tư một người con trai gầy ẻo nhưng lanh lợi, đặt tên là Hồ Sĩ Thìn.
Năm 1945, ông Đường đã giữ chức Phó Chủ tịch xã Môn Sơn, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn quá ông lên Tương Dương tìm trường dạy học. Một tháng trôi qua vẫn chưa kiếm được việc làm. Ở nhà, bà Lan đợi nóng ruột và lo lắng cho chồng, bèn dắt theo Thìn, lúc đó mới 5 tuổi đi tìm.
Trong phòng khách của mình, nhà văn Chăn Thi dành vị trí trang trọng đặt ảnh Bác Hồ |
Đến thị trấn Con Cuông thì trời tối, bà ngủ nhờ nhà người Hoa và được nghe câu chuyện đau lòng thầy Đường bị quan Nhật đuổi bắt cách đó mấy ngày. “Quan Nhật đi tuần bắt gặp một đôi nam nữ đang ngồi nói chuyện trên hòn đá bên bờ sông Lam, người đàn ông chạy trốn được còn người con gái cố chống chế để ông kia thoát và nói: Đó là chồng mới cưới của tôi”.
Bà Lan nghe chuyện, nửa đêm lặng lẽ bế con đi theo hướng Tây tận miền biên giới Việt - Lào, mong kiếm cái ăn để sống mà nuôi con và may ra gặp chồng. Từ đó, bà và cậu bé Thìn đi lang thang đến các bản xin làm thuê. Hai mẹ con lang bạt khắp các bản Mẹo chon von trên đỉnh núi Na Ngoi, Thăm Hón, Mường Lống… Một thời gian dài, hai mẹ con làm thuê cho ông Phìa Tổng ở chân núi Pù Xai. Phìa Tổng có 4 người vợ và rất nhiều con, trong nhà có hàng chục người làm thuê, ông ta rất độc ác, nhiều lần đánh bé Thìn ngất xỉu.
Chi Hội nhà văn Huế với Chủ tịch Hội nhà văn Lào, Chăn Thi (đứng thứ hai từ phải sang)
Thìn luôn bị các con nhà Phìa Tổng bắt làm trâu, làm ngựa cho chúng nó cưỡi và chúng đánh Thìn như đánh trâu. Hàng ngày, Thìn cũng phải đi làm như người lớn. Đêm về, Phìa Tổng gọi Thìn lên nhà trên để đấm lưng, xoa bóp cho ông ta ngủ. Còn các bữa ăn thì Thìn ăn sau, vét chút cơm thừa, canh cặn.
Không chịu nổi cảnh đánh đập và dọa nạt của Phìa Tổng, mẹ con chị Lan lại đi tiếp, đi mãi rồi đến ở cho nhà ông Nỏ Tu ở Mường Lống. Năm 1952, bà Lan chết, Thìn mới 12 tuổi, bà trăng trối với con: “Dù sao cũng phải vươn lên” và “Con là con của cha Đường, quê Thanh Chương”. Năm đó, một người Mẹo khác tên là Thao Tu, thủ lĩnh, giàu có và quyền hành, biết xem tướng đã động lòng thương, nhận cậu bé Thìn về nuôi. Ông đặt tên là Bá Dì - nghĩa là con người có dáng vóc khoẻ đẹp, có tài ăn nói, tháo vát.
Lại nói ông Đường, sau khi thoát khỏi sự đuổi bắt của tên quan Nhật như lời bà lão người Hoa kể, ông lặn lội gần một năm trời tìm vợ con nhưng không thấy. Ông đành quay về Thanh Chương nghe ngóng và cất công tìm kiếm vài lần nữa, lần cuối cùng ông đã tìm thấy Thìn trong gia đình người Mẹo ở Mường Lống và biết được vợ đã qua đời. Ông nhờ người thông thạo tập quán đến gặp ông Thao Tu để xin lại con trai nhưng không được, họ chỉ cho cha con gặp nhau chốc lát.
Thìn muốn về nhưng nghĩ người nuôi dưỡng cũng sâu nặng, hơn nữa cậu đang ước mơ thành một người lính dũng cảm, nhất là khi biết ông Thao Tu đã giác ngộ đi theo cách mạng. Ông là thủ lĩnh người Mẹo đi theo cách mạng Lào Ít-xa-la. Bá Dì tuy còn ít tuổi nhưng gan góc và nhanh nhẹn, lại là con nuôi một vị thủ lĩnh nên được một đơn vị bộ đội chủ lực Ít-xa-la cho nhập ngũ. Từ đó, Bá Dì được đi nhiều mặt trận trên đất nước Lào lập nhiều chiến công.
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, cuối năm đó, Bá Dì được chọn sang học văn hoá ở Việt Nam, trường văn hoá đóng ở Phủ Quỳ, tỉnh Nghệ An. Lúc này, Bá Dì có tên Lào là Chăn Thi Đươn Xa Vặn có nghĩa là “ánh trăng thiên đường”.
Được về mảnh đất quê hương, nơi đã sinh ra chính mình, anh thấy vinh dự, tự hào. Tuy nhiên, Chăn Thi chỉ biết chăm chỉ học tập và luôn nhớ lời mẹ dặn hôm nào: “…Cha con tên là Đường, quê ở Thanh Chương”, anh khắc khoải điều này nhưng chưa có dịp về quê thì quân đội Lào yêu cầu anh về ngay.
Về Lào năm 1955, Chăn Thi được giao nhiệm vụ văn thư, đánh máy chữ phục vụ cho ông Kẹo Xúc Vông Xắc - Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Neo Lào hắc xạt. Sau đó (1956 - 1957), anh làm thư ký, đánh máy cho Bộ trưởng Bộ Nghi lễ của Chính phủ. Khi Coong Le làm đảo chính năm 1960, Mặt trận Neo Lào hắc xạt rút về căn cứ Sầm Nưa, Chăn Thi được cử sang học Trường Đại học Báo chí Hà Nội mấy năm.
Kết thúc khóa học, anh lại trở về Lào bắt đầu sự nghiệp viết văn, viết báo. Có lẽ do cuộc đời từng trải và kiến thức được học sâu, Chăn Thi viết nhiều bài báo chính luận, hồi ký, truyện ngắn. Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn “Ánh sáng Cách mạng” in đến 10.000 cuốn xuất bản năm 1965. Với tác phẩm này, tác giả được công nhận là Nhà văn trẻ. Sau đó, cuốn Tiểu thuyết tự sự mang tên “Xển thang xi vít” nghĩa là “Đường đời” cũng được xuất bản và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận và tái bản nhiều lần.
Hồi đó, cuộc kháng chiến đang trong giai đoạn ác liệt nhưng đâu đâu người ta cũng chuyền tay nhau đọc tác phẩm của ông với niềm xúc động và cảm phục. Có một mẩu chuyện cảm động: Cô giáo sinh trường sư phạm ở Hủa Phăn tên là Xẻng Khăm viết thư cho tác giả của cuốn sách: “Giá như nhân vật trong truyện là người yêu tôi, là chồng tôi thì tôi sẽ chiều chuộng suốt đời”. Và cuối cùng thì câu chuyện đã thành sự thật: Một ngày mùa thu năm 1969, Chăn Thi và Xẻng Khăm đã tổ chức đám cưới trong khu căn cứ tại hang Phu Khe, tỉnh Sầm Nưa.
Những năm ở căn cứ cách mạng đó, Chăn Thi phụ trách Nhà xuất bản Mặt trận Lào yêu nước. Năm 1970, Chăn Thi được chọn sang học lớp viết văn Nguyễn Du tại Hà Nội. Sau khoá học, về nước Chăn Thi tiếp tục phụ trách Nhà xuất bản Pa thét, Lào. Năm 1975, giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Pa Xa Xôn, Lào; sau đó, giữ cương vị Tổng Biên tập (năm 1979) cho đến năm 1983.
Trong suốt thời gian học tập và công tác, ông viết hàng chục truyện ngắn, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Chăn Thi Đươn Xa Vặn được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Lào Ít-xa-la; Huân chương Chiến thắng; Huy hiệu 50 năm thành lập Lào Ít-xa-la; Huân chương 30 năm cách mạng; Hữu nghị chương Việt - Lào. Từ năm 2000 - 2010, ông là Chủ tịch Hội nhà văn Quốc gia Lào. Tháng 3/2011, Đại hội tiếp tục bầu ông làm Chủ tịch Hội nhà văn Lào nhiệm kỳ thứ 3 (2011 - 2016) nhưng vì sức khỏe yếu (bị tai biến phải ngồi xe lăn) ông không làm được trọn khóa.
Vinh dự lớn đến với ông là ngày 25/8/2011, Chính phủ Lào đã trao tặng danh hiệu cao quý “Nhà văn ưu tú Quốc gia Lào”, buổi lễ tiến hành trang trọng tại Hội trường Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Lào, Thoong Xỉnh Thăm Ma Vông, trực tiếp gắn danh hiệu cho Chăn Thi Đươn Xa Vặn trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của các đại biểu có mặt tại hội trường.
Như vậy, từ đứa bé mô côi lang thang, làm thuê trở thành Chủ tịch Hội nhà văn một quốc gia thật hiếm có. Câu chuyện cho chúng ta một niềm tin rằng: Trên đời này không có lĩnh vực nào là không có thể, nếu con người đó thực sự có tài năng, có nghị lực và được Nhà nước tạo điều kiện cho phát triển.
Hoàng Chỉnh
.