Không những thế, Nam còn gọi đám đầu gấu đưa Tú đi đến địa điểm vắng rồi đánh đập, rồi gọi điện thoại cho bố mẹ Tú, đồng thời mở loa ngoài để bố mẹ anh này xót con mà phải mang tiền đến trả nợ. Ngày 18/12, Công an huyện Chương Mỹ cho biết, hiện 5 đối tượng trong ổ nhóm bắt cóc cưỡng đoạt tài sản do Nguyễn Hoài Nam cầm đầu đã bị bắt tạm giam, cơ quan điều tra đang tiếp tục truy bắt hai kẻ bỏ trốn.
Con vay nợ, bắt bố mẹ trả
Khi còn là sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, Nguyễn Hoài Nam thuê nhà trọ cùng xóm với Nguyễn Văn Tú và có mối quan hệ quen biết qua lại. Khoảng đầu tháng 1/2012, Tú ngỏ lời vay Nam 150 triệu đồng để giải quyết một số khoản nợ nần. Vì ở cùng xóm trọ và Tú lại yêu em gái một người bạn của Nam, được nghe nói nhà Tú rất khá giả, khoản vay đó thì nhằm nhò gì, Nam đã đồng ý với lãi suất 5 nghìn/triệu/ngày.
Tuy nhiên, với thói quen ăn chơi của mình, Tú không lấy đâu ra tiền để trả số tiền gốc và lãi cho Nam, tính đến nay số tiền Tú nợ Nam là 400 triệu đồng. Đã rất nhiều lần Nam đến nhà nói chuyện với bố mẹ con nợ nhưng việc thỏa thuận trả nợ không thành công. Cay cú, Nam đã lên kế hoạch bắt cóc Tú để ép gia đình anh ta phải trả nợ cho mình.
Ngày 7/12, Nam mượn xe ôtô của Nguyễn Thị Đức (37 tuổi), trú tại ngõ 1 Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy và rủ hai người bạn là Vũ Văn Dũng, 28 tuổi và Nguyễn Minh Quân, 28 tuổi, đều cùng quê Thái Bình lên Xuân Mai, đến nhà Tú đòi nợ. Nếu trong trường hợp gia đình Tú không chịu trả, nhóm của Nam sẽ ép Tú lên xe ôtô, bắt cóc đưa vào nhà nghỉ khống chế.
Cả bọn lên tới nhà Tú, đứng đợi khoảng 15 phút thì thấy anh này cùng cô người yêu từ trong nhà bước ra. Nam tiến đến gần nói: "Mày đi cùng anh cấm la hét gì không là mày rách việc đấy". Thấy đông người, Tú sợ không dám đi liền bị Nam đấm vào bụng, Dũng và Quân đi cùng đã hỗ trợ Nam đẩy Tú lên ôtô, chốt cửa lại.
Nam điều khiển xe ôtô chở tất cả về một quán karaoke ở đường Phạm Văn Đồng yêu cầu Tú trả nợ, sau đó cả bọn thuê phòng ở nhà nghỉ Hoàng An trên đường Phạm Văn Đồng. Vũ Văn Dũng có việc nên đi về, chỉ còn lại Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Minh Quân thay nhau trông coi Tú.
Đến 23h cùng ngày, Nam đưa Tú ra quán cà phê ở đường Trần Quý Kiên, bắt Tú viết giấy nhận nợ 400 triệu đồng, Tú không viết liền bị Nam đấm mấy phát vào mặt. Số tiền nợ cuối cùng được dịch xuống 200 triệu đồng. Từ đó cho đến lúc được giải cứu, Tú liên tục bị Nam ép gọi điện thoại về nhà, có lúc đích thân Nam gọi điện cho bố mẹ Tú đe dọa "sẽ cho Tú đi du lịch suốt đời", nếu bố mẹ Tú không mang tiền xuống trả.
Biết con mình đã bị Nam bắt cóc, bố Tú là ông Nguyễn Văn Thắng đã hẹn gặp Nam vào chiều 8/12 ở quán cà phê 44 Trần Thái Tông để thương lượng. Tại buổi thương lượng này, có mặt cả Nguyễn Thị Đức. Nam đe dọa ông Thắng: "Nếu mà ông không trả thì thằng Tú sẽ đi du lịch suốt đời hoặc sẽ bị cắt tay, cắt chân". Tuy nhiên, buổi thương lượng cũng không có kết quả. Sau đó, bọn Nam lại đưa Tú sang nhà nghỉ ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm để đề phòng ông Thắng báo Công an.
Đến 12h trưa 9/12, Nam đưa Tú ra quán trà đá gần nhà nghỉ, yêu cầu anh này gọi điện cho bố mẹ. Thấy câu chuyện của Tú thông báo với bố mẹ không như mình mong muốn, đến chiều cùng ngày, Nam đã gọi điện cho bạn là Bùi Xuân Sơn, 23 tuổi, ở Vĩnh Phúc, là một đối tượng côn đồ, nói: "Các em đưa Tú đi, tìm địa điểm vắng tương cho nó một trận, bật loa to lên cho gia đình nó nghe thấy tiếng la hét".
Bùi Xuân Sơn gọi tiếp cho hai thằng bạn cũng thuộc hàng đầu gấu như mình từ Vĩnh Phúc đi taxi xuống nhà nghỉ và đưa con nợ đi đến đường Láng - Hòa Lạc đánh đập. Thực hiện đúng theo lời chỉ đạo của Nam, ba kẻ đã đánh đập Tú không tiếc tay, vừa đánh, chúng vừa gọi điện cho bố mẹ Tú và bật loa ngoài lên cho bố mẹ anh ta biết rằng chúng không nói giỡn mà làm thật. Đánh ở đường Láng - Hòa Lạc chưa đã, chúng lôi Tú lên taxi đi về sân vận động Mỹ Đình và tiếp tục màn tra tấn "online" cho bố mẹ nạn nhân xót con mà phải lo trả nợ.
Thông qua công tác trinh sát địa bàn, Công an thị trấn Xuân Mai đã phát hiện sự việc bắt giữ người trong nhà nghỉ để ép trả nợ liền cấp báo với Công an huyện Chương Mỹ. Ngoài cái tên đối tượng là Nguyễn Hoài Nam, quê ở Thái Bình mà gia đình Tú cung cấp và biển số chiếc xe mà Nam đã dùng làm phương tiện bắt cóc Tú thì không có một thông tin gì hơn. Công an huyện Chương Mỹ đã bắt đầu phá án từ việc xác minh biển số chiếc xe ôtô, qua đó biết được chủ sở hữu của nó là Nguyễn Thị Đức và đã triệu tập Đức lên cơ quan điều tra. Đức khai nhận, chị ta đã cho Nguyễn Hoài Nam mượn chiếc xe và cũng biết việc Nam bắt cóc Tú để ép trả nợ.
Các đối tượng của vụ án
Khi đánh hơi thấy sự vào cuộc của Công an, Nguyễn Hoài Nam đã vội vàng thả nạn nhân về nhà, sau khi ép anh này viết một tờ giấy biên nhận với nội dung: Đã nhận của Nam 150 triệu đồng để đưa đi xuất khẩu lao động, đồng thời bắt Tú ký tên, điểm chỉ vào. Từ lời khai của Đức, Công an huyện Chương Mỹ đã lần lượt bắt Nguyễn Hoài Nam, Vũ Văn Dũng, Nguyễn Minh Quân và Bùi Xuân Sơn. Hai đối tượng bỏ trốn, cơ quan Công an đang tiếp tục truy bắt, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
"Em vẫn đối xử tốt và vui vẻ với nó"
Nguyễn Hoài Nam khá điển trai, anh ta mang một gương mặt rất điện ảnh. Từng tốt nghiệp Trường Đại học CNTT vào năm 2009, Nam đã đi làm ở một cơ quan quân đội, thời gian này, Nam đang xin nghỉ 15 ngày phép để giải quyết việc nợ nần với Tú. Anh ta chống chế vì không hiểu biết pháp luật nên đã vô tình phạm tội.
- Mục đích anh nhờ người đánh Tú để làm gì?
- Để ép gia đình nó phải trả nợ. Khi em nhờ Sơn, Sơn không đồng ý đánh nhưng Sơn cho số điện thoại của một vài người em ở Vĩnh Phúc. Sau đó em gọi cho những người này xuống, trả tiền taxi cho họ và chỉ mặt Tú cho họ nhận mặt, rồi họ đưa Tú đi đâu em không biết. 30 phút sau quay lại, họ nói Tú đã gọi điện về nhà rồi. Tối hôm đó, bố Tú gọi cho em thương lượng và sáng hôm sau em để cho Tú đi về. Em chỉ nghĩ đưa nó vào nhà nghỉ để đòi lại món tiền sau 1 năm không tìm được nó thôi. Quá trình giữ nó ở nhà nghỉ, em vẫn đối xử rất tốt với nó, anh em còn ăn uống, nói chuyện với nhau vui vẻ.
- Anh không sợ bọn đàn em của Sơn đánh chết Tú à?
- Không ạ, em phải dặn họ chứ. Em dặn họ là đánh thế nào để cho nó phải gọi điện về nhà thôi và lúc đánh thì vả cho nó mấy cái để cho bố nó nghe thấy bố nó biết thôi, chứ nếu định đánh thì em đã đánh ngay từ đầu.
- Anh quan hệ với nạn nhân như thế nào?
- Em chơi với chị cái Trang (Trang là người yêu của Tú). Sau đó em biết Tú rất ăn chơi, nợ nần chồng chất. Khi nó hỏi vay em, em có hỏi lại Trang và chị gái của nó là anh cho Tú vay thì có đảm bảo không, hai chị em Trang đều nói, một hai trăm triệu đối với nhà thằng này có là cái gì đâu, anh cứ làm như một hai tỷ ý, thế là em mới tin tưởng cho vay.
- Sao anh không nhờ cơ quan chức năng can thiệp?
- Sau khi cho vay xong, Tú biến mất, 2-3 tháng sau, em lên nhà nó nói chuyện rất nhiều lần, bố của Tú nói thẳng: Chúng mày muốn làm gì nhau thì làm tao không chịu trách nhiệm. Rất nhiều lần em nhờ bạn bè đi tìm Tú, đích thân em đi tìm nó rất nhiều lần vì với em, đó là số tiền lớn, em phải bỏ việc đi tìm Tú. Em đã nhắn tin cho bố Tú và cả Tú nói rằng, em sẽ giảm số tiền nợ còn một nửa, để em còn vào Cần Thơ làm việc nhưng bố Tú vẫn không đồng ý, riêng Tú thì nó không nghe máy hoặc chỉ alô một hai câu là tắt máy. Nó gây sự ức chế trong em làm cho em có hành động như ngày hôm ấy.
- Với trình độ của một sinh viên tốt nghiệp đại học, chẳng lẽ anh không ý thức được hành vi của mình là phạm pháp?
- Lúc đầu em chưa nghĩ mình phạm tội. Em chỉ nghĩ sau 1 năm em mới tìm được nó thì em phải đưa nó đi cùng để bố mẹ nó phải trả nợ.
- Anh có thể gửi đơn ra tòa dân sự nhờ họ can thiệp cơ mà?
- Em không hiểu rõ luật, em cho nó vay tiền có viết giấy biên nhận nhưng lại không ghi người làm chứng. Em sợ ra tòa dân sự mình sẽ không thắng được. Đến bây giờ vào đây rồi, được các anh Công an phân tích, em mới nhận thức được mình phạm tội, nhưng em vẫn không nghĩ mình lại phạm tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản, vì em đang đi đòi nợ tiền của em, trong khi tiền thì không đòi được mà mình lại bị bắt vì tội này.
CSTC
.