Năm 2013, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện thường xuyên xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, chú trọng các mô hình phát huy nội lực, xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu như: Mô hình kinh tế trang trại trồng cam, trồng keo lai, mô hình trồng gừng, cánh kiến, mận tam hoa, nuôi bò lai sind, gà đen, nhím, cải tạo vườn tạp, nuôi cá, ba ba, dệt thổ cẩm...
Để phát huy các mô hình giúp nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc và các vùng dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc các huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội về công tác dân tộc.
Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có trên 500 mô hình cho thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, các mô hình trồng rừng 50 năm và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 36% (theo chuẩn mới).
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Thái huyện Quỳ Châu
Nhờ đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển toàn diện, rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố.
Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư và giải quyết. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ được quan tâm bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân tộc.
Cụ thể, Chương trình 135 giai đoạn 2 với kinh phí 112.400 triệu đồng đã triển khai đầu tư xây dựng 209 công trình, trong đó 96 công trình giao thông, 43 trường học, 37 nhà sinh hoạt cộng đồng, 20 công trình thủy lợi...
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg cũng đạt hiệu quả cao; với tổng vốn kế hoạch giao 12 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng 10 công trình cấp nước sinh hoạt cho 7 huyện. Trong đó, huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong 2 công trình; các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quỳnh Lưu mỗi huyện một công trình.
Các công trình được triển khai thi công đúng tiến độ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Chính sách định canh định cư cho đồng bào các dân tộc cũng được tỉnh quan tâm, đến cuối tháng 11/2012, đã có 7/7 điểm dự án định canh định cư cho đồng bào ổn định cuộc sống.
Năm 2012, công tác đào tạo cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên thực hiện. Với tổng vốn 9.945 triệu đồng, đã tổ chức tập huấn cho 876 học viên là cán bộ, kế toán xã và chi hội nông dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn; đào tạo cho 1.230 học viên là thanh niên người dân tộc thiểu số về dệt thổ cẩm, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, chăn nuôi thú y, trồng trọt...
Sự hỗ trợ của Nhà nước và quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền các địa phương là nguồn động lực quan trọng, tạo điều kiện phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, làm thay đổi cơ bản diện mạo nhiều vùng đồng bào dân tộc.
Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân các dân tộc được cải thiện và không ngừng nâng cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ngày một bền vững.
Viết Hùng
.