Khuôn mặt quắc thước, phúc hậu, năm nay đã gần bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Trung tướng Phạm Hồng Minh, nguyên Phó tư lệnh QK 4 vẫn còn hào sảng trong từng câu chuyện về thời chiến.
Cũng giống như bao con người bước qua cái thời chiến tranh lửa đạn, ông về hưu nhưng thương tật vẫn hành hạ Trung tướng Phạm Hồng Minh những lúc trái gió, trở trời. Đau đó, nhưng ông vẫn nói vui là chẳng thấm tháp gì với cái mất mát lớn của không ít gia đình mất người thân, bao cảnh vợ mất chồng, con mất cha rồi cả chuyện đồng đội mất nhau trong chiến trường.
Nay trở về nhà, vị tướng về hưu vẫn còn tinh anh, rắn rỏi trong từng câu nói bàn về nhân tình thế thái. Vẫn còn giữ thói quen đọc báo, mở máy vi tính xem Internet để hiểu hơn về thời sự chính cuộc và dạy bảo con cháu trong nhà sống sao cho phải đạo.
Trung tướng Phạm Hồng Minh |
Sinh năm 1946, tháng 10/1963, chàng trai quê gốc ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Phạm Hồng Minh ghi tên mình bước vào quân ngũ khi mới 17 tuổi. Vào bộ đội, Phạm Hồng Minh được biên chế vào Tiểu đoàn 15 công binh thuộc Sư đoàn 325 đóng quân ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Một năm sau, chàng lính trẻ xứ Nghệ được đơn vị cử đi học lớp hạ sỹ quan tại huyện Nam Đàn.
Năm 1965, ông cùng với đơn vị mình thuộc đại đội 19 công binh, Trung đoàn 18, Sư 325 tiếp tục hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, trực tiếp đánh địch ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Buôn Mê Thuột và đường 14.
Đến năm 1966, 20 tuổi, Phạm Hồng Minh là Trung đội phó công binh D15 tham gia đánh địch ở Phú Yên, rồi Khánh Hoà. Tháng 3/1969 sau khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Nha Trang, Phạm Hồng Minh tiếp tục cùng đơn vị hành quân quay trở lại đánh địch ở Phú Yên tại đường 14, đường 20 và tiến sâu đánh ở Đông Nam Bộ.
Cuối năm 1969, Phạm Hồng Minh tiếp tục được cử đi học tại Trường trung sơ cấp quân sự của Miền (Nay là trường Đại học Nguyễn Huệ).
Gợi nhắc lại quá khứ, suy ngẫm về tương lai và con đường binh nghiệp, trung tướng Phạm Hồng Minh kể: “Năm 1972, lúc ấy tôi là chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 20 thuộc Binh chủng đặc công tinh nhuệ của QK 9 rồi Phó Chủ nhiệm chính trị E20 đã lăn xả nhiều trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Mà đã là lính đặc công thì phải có ý chí kiên cường và tinh thần luôn sẵn sàng cảm tử đi trước đánh thọc sâu vào lòng địch để các binh chủng khác của bộ đội ta đánh từ ngoài đánh vào.
Nguy hiểm lắm, gian nguy lắm nhưng khi vào trận, ai cũng lạc quan, coi thường cái chết đến lạ thường. Đời lính và quãng thời gian cầm quân chỉ huy sau này, không lúc nào cho phép bản thân tôi được sơ sẩy dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Rồi trong cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn cũng vậy. Đơn vị vào tiếp quản thành phố sau ngày thống nhất giữa bao bộn bề công việc nhưng không bao giờ để mất niềm tin với dân, với đồng bào. Sau này làm công tác quản lý, lãnh đạo của Quân khu 4, tôi luôn đặt mình ở vị trí cầm quân phải gương mẫu, kỷ cương”.
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, Phạm Hồng Minh tiếp tục được cử đi học tại Học viện Quân sự 2 năm rồi về đảm nhiệm chức vụ làm trợ lý Cục Chính trị ở Quân khu 4. Đến năm 1997, Phạm Hồng Minh được giao đảm nhiệm chức vụ Phó tư lệnh Chính trị QK 4 rồi phong hàm Thiếu tướng năm 1998. Năm 2003, Phạm Hồng Minh tiếp tục được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Trung tướng.
Ông Phạm Hồng Minh (hàng thứ nhất, ngoài cùng bên trái) cùng gia đình
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Năm 2006, Trung tướng Phạm Hồng Minh nghỉ hưu. Với hàng chục năm lăn xả nơi chiến trường, không kể hết được biết bao miền quê đã in dấu chân ông và đồng đội, với 8 lần bị thương trên khắp cơ thể nhưng khi đã bước sang tuổi xế chiều, lòng ông vẫn đau đáu cho những đồng đội của mình từng sát cánh bên nhau năm nào vẫn còn nằm đây đó trên miền đất mẹ.
Còn với gia đình, sau bao năm ở quân ngũ, khi trở về với quê hương, Trung tướng Phạm Hồng Minh như được trở về với chính mảnh đất đã sinh ra mình để gắn bó cuộc đời còn lại với bạn bè, hàng xóm thân tình một thuở.
Tâm nguyện của một vị tướng về hưu cũng giản dị như bao con người khác là mong cho con cháu ngoan ngoãn, học giỏi là niềm động viên an ủi lúc tuổi già.
Ngọc Thái - Thiên Thảo
.